7 thói quen sai lầm hàng đầu khi ăn cơm khiến người Việt bị bệnh
Cơm là lương thực phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của người Việt. Tuy nhiên, ăn cơm không đúng cách có thể gây hại cho sức khỏe mà nhiều người không hiểu rõ.
Ăn quá nhiều cơm
Người Việt thường có thói quen ăn cơm đều đặn vì giúp no lâu và có đủ sức khỏe để hoạt động trong cả ngày.
Cơm trắng là một trong những thực phẩm giàu giá trị dinh dưỡng nhưng việc ăn nhiều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Đây là ngũ cốc tinh chế được hấp thu nhanh khi đưa vào cơ thể. Vì vậy, khi bạn ăn nhiều cơm dễ thừa năng lượng gây ra tình trạng thừa cân, béo phì và kháng insulin dẫn tới bệnh đái tháo đường.

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Ăn cơm nguội để qua đêm
Cơm nguội bảo quản không đúng có thể bị hỏng, ôi, thiu gây ngộ độc. Bào tử Bacillus cereus là vi khuẩn có thể gây ngộ độc thực phẩm trong gạo. Khi được nấu chín, các bào tử này vẫn có thể sống sót.
Nếu ở nhiệt độ phòng bình thường, các bào tử có nguy cơ phát triển thành vi khuẩn và nhân lên. Người ăn phải cơm chứa vi khuẩn Bacillus cereus có thể buồn nôn và nôn hoặc tiêu chảy sau khoảng từ 1 đến 5 tiếng. Phần lớn các triệu chứng ở mức độ tương đối nhẹ và thường kéo dài trong khoảng 24 tiếng.
Nếu cơm nguội còn dư hoặc bạn có thói quen nấu một lần chia làm nhiều bữa, bạn cần bảo quản cơm đúng cách tránh ối thiu như làm cơm nguội nhanh và cho vào ngăn mát. Không nên hâm cơm nhiều lần vì sẽ làm mất chất dinh dưỡng.
Không nhai kỹ khi ăn cơm
Việc nhai cơm đúng cách sẽ cho phép các tuyến nước bọt giải phóng một loại enzyme có tính kiềm là ptyalin giúp phân giải các chất trong thực phẩm thành đường đơn. Nếu bạn nhai quá ít, cơm sẽ không được phân giải tốt và có thể dẫn tới một số vấn đề như ợ nóng, táo bón và trào ngược axit.
Ngoài ra, nhai cơm không kỹ lâu dài có thể gây ra các bệnh về tiêu hóa, đồng thời giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng.
Người nhai không kỹ thường đi kèm với thói quen ăn nhanh, dẫn đến ăn quá nhiều so với mức cần thiết. Ngoài ra, khi ăn quá nhanh, hoóc môn tạo cảm giác no được tiết ra ở đường ruột không kịp truyền tín hiệu đến não bộ. Vì thế não bộ không ra lệnh ngừng ăn kịp thời, một lượng calo dư thừa vẫn tiếp tục được bổ sung. Chính điều này gây tăng cân, thậm chí ở mức khó kiểm soát.
Cơm chan canh
Nhiều người thích ăn cơm chan canh vì giúp họ cảm thấy ngon miệng hơn nhưng thói quen này không tốt cho sức khỏe.
Ăn cơm chan canh khiến bạn bỏ qua giai đoạn nhai kỹ trong khoang miệng và làm loãng axit trong dạ dày khiến thức ăn trong dạ dày chưa kịp tiêu hóa đã vào ruột non, dễ gây các bệnh về tiêu hóa.
Thói quen này còn tạo cảm giác “no giả” khiến bạn có thể thiếu chất dinh dưỡng. Nếu mệt mỏi hoặc cơm cứng khó ăn, bạn chỉ nên chan ít nước kho hoặc làm ướt cơm, nhai kỹ, không chan nước ngập hạt cơm.
Uống trà, cà phê ngay sau ăn cơm
Thói quen này giảm khả năng hấp thụ khoáng chất trong đó có sắt, canxi dẫn tới tình trạng thiếu máu.
Bạn nên uống trà, cà phê 1 giờ trước hoặc sau bữa ăn để tối ưu hóa khả năng hấp thụ sắt.
Ăn thức ăn trước, ăn cơm sau
Đây là hiện tượng thường thấy ở trẻ nhỏ, trẻ thường thích ăn thức ăn trước sau đó mới ăn cơm và các bậc phụ huynh cũng đồng ý với điều đó để con ăn được nhiều thế nhưng cách ăn này lại gây ra rất nhiều vấn đề cho sức khỏe lâu dài của bé.
Trẻ ăn thức ăn trước sau đó mới ăn cơm dễ dẫn đến tình trạng chán cơm, thiếu tinh bột gây suy dinh dưỡng. Nguy hiểm hơn đó là khi ăn thức ăn trước chất đạm trong thức ăn sẽ chuyển ngay thành axit uric bám vào các khớp xương và hình thành nên bệnh Gout về lâu dài.
Ăn cơm đúng cách
Cách ăn đúng là bạn nên ăn chậm, nhai kỹ. Một bữa ăn có khoảng 30% là tinh bột (cơm, bún, miến, bánh phở). Một bát cơm trắng là 130 calo. Người trưởng thành cần tiêu thụ từ 2.000 đến 2.300 calo mỗi ngày để duy trì cơ thể khỏe mạnh. Theo thói quen, khi ăn 3 bữa cơm mỗi ngày, người Việt thông thường cần từ 667 đến 767 calo cho mỗi bữa ăn, bạn tùy vào lượng thức ăn để dùng lượng cơm vừa đủ.
Nếu bạn là người cần giảm calo nạp vào, năng lượng một bữa ăn của bạn từ 400-450 calo. Do đó, bạn có thể ăn một bát cơm trắng, ăn rau trước khi ăn cơm.