Loạt ngân hàng mở hầu bao 'thưởng lớn' cho cổ đông

Mùa đại hội cổ đông ngân hàng năm 2025 đã chứng kiến một làn sóng ngân hàng thương mại quyết định 'mở hầu bao', chi hàng chục nghìn tỷ đồng cổ tức tiền mặt cho cổ đông.

Diễn biến này không chỉ là tín hiệu cho thấy sự hồi phục và ổn định tài chính trong hệ thống ngân hàng, mà còn khẳng định cam kết bền vững về việc gia tăng giá trị cho nhà đầu tư.

Hoạt động giao dịch tại LPBanK

Hoạt động giao dịch tại LPBanK

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay của Ngân hàng TMCP Lộc Phát (LPBank) đã khiến giới đầu tư chú ý khi công bố kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ lên tới 25% – mức cổ tức tiền mặt cao nhất trong toàn hệ thống ngân hàng hiện nay. Theo tờ trình được thông qua, ngân hàng dự kiến sử dụng khoảng 7.468 tỷ đồng từ lợi nhuận sau thuế để chi trả cho cổ đông.

Phó Chủ tịch HĐQT LPBank, ông Hồ Nam Tiến, cho biết vốn điều lệ của ngân hàng hiện đã đạt gần 29.872 tỷ đồng, còn vốn chủ sở hữu lên tới 45.000 tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tại thời điểm 31/3 đạt 13,81%, cao hơn nhiều so với mức tối thiểu 8% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Chủ tịch HĐQT LPBank – ông Nguyễn Đức Thụy – khẳng định việc chi trả cổ tức tiền mặt không làm ảnh hưởng đến các chỉ số an toàn tài chính của ngân hàng. Ông cũng tiết lộ, mục tiêu trong các năm tới của LPBank là tiếp tục duy trì mức chia cổ tức cao, tuy nhiên tỷ lệ thực tế còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như hiệu quả kinh doanh, chính sách vĩ mô, biến động thị trường trong và ngoài nước.

Không đứng ngoài cuộc, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng đã thông qua kế hoạch chia cổ tức tổng tỷ lệ 35%, trong đó 3% bằng tiền mặt, tương đương gần 1.831 tỷ đồng. Đây là tỷ lệ cổ tức tổng thể cao nhất trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần năm nay.

Toàn cảnh Đại hội cổ đông thường niên VPBank năm 2025. Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Toàn cảnh Đại hội cổ đông thường niên VPBank năm 2025. Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Trước đó, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tiếp tục gây chú ý khi công bố kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt 10%, tương đương 1.000 đồng/cổ phiếu. Đây là năm thứ hai liên tiếp Techcombank chia cổ tức bằng tiền mặt, sau hơn một thập kỷ tập trung giữ lại lợi nhuận để tăng vốn tự có. Kế hoạch đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, thời điểm thực hiện cụ thể sẽ do Hội đồng quản trị quyết định.

Tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), cổ đông cũng đã phê duyệt phương án chia cổ tức tổng tỷ lệ 25%, trong đó 10% bằng tiền mặt, tương đương ngân hàng sẽ chi khoảng 4.466 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) dự kiến chia 10% cổ tức bằng tiền mặt, tương đương 1.000 đồng/cổ phiếu, từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối tính đến cuối năm 2024.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tiếp tục thực hiện chia cổ tức tỷ lệ 5% bằng tiền mặt từ lợi nhuận chưa phân phối tính đến 31/12/2024, với tổng số tiền dự kiến khoảng 3.967 tỷ đồng, dự kiến triển khai trong quý II hoặc III năm nay. Năm ngoái, ngân hàng này từng gây bất ngờ khi chi 7.934 tỷ đồng để chia cổ tức với tỷ lệ 10%.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng sẽ chi khoảng 7.317 tỷ đồng để chia cổ tức trong năm 2025, với tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt là 5% và bằng cổ phiếu 13%. Việc kết hợp hai hình thức này cho thấy ngân hàng vừa đảm bảo lợi ích cổ đông hiện hữu, vừa tiếp tục gia tăng vốn điều lệ phục vụ hoạt động kinh doanh.

Năm nay, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) ghi dấu mốc quan trọng khi lần đầu tiên kể từ khi niêm yết công bố kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7%, tương đương chi khoảng 1.726 tỷ đồng. Trước đó, ngân hàng chủ yếu sử dụng hình thức chia cổ phiếu để tăng vốn.

Là ngân hàng đầu tiên triển khai chi trả cổ tức tiền mặt năm 2025, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) sẽ thực hiện thanh toán cổ tức vào ngày 23/5 tới đây. Trước đó, ngày 22/4 là ngày giao dịch không hưởng quyền với tỷ lệ chia cổ tức 7%, tương đương 700 đồng/cổ phiếu, tổng số tiền chi trả khoảng 2.085 tỷ đồng.

Mặc dù chưa công bố cụ thể tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt, Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) đã hé lộ khả năng thực hiện chia cổ tức từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Với lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2024 đạt gần 16.730 tỷ đồng, sau khi trích lập các quỹ, ngân hàng còn khoảng 10.396 tỷ đồng để có thể phân phối cho cổ đông.

Xu hướng hàng loạt ngân hàng công bố kế hoạch trả cổ tức tiền mặt trong năm 2025 cho thấy bức tranh tài chính tích cực hơn so với giai đoạn trước. Việc chuyển dịch từ chia cổ phiếu sang chia tiền mặt không chỉ là dấu hiệu cho thấy năng lực vốn tốt mà còn thể hiện sự trưởng thành trong chiến lược cân đối giữa mở rộng hoạt động và tối ưu hóa lợi ích cổ đông.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang dần khởi sắc, việc được nhận dòng tiền cổ tức thực tế là động lực lớn giúp thu hút nhà đầu tư và củng cố lòng tin vào sự phát triển bền vững của các ngân hàng.

Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/loat-ngan-hang-mo-hau-bao-thuong-lon-cho-co-dong/372127.html
Zalo