USD quay đầu giảm trước nỗi lo về kinh tế Mỹ
Sau quãng thời gian hứng khởi khá ngắn và đầu phiên giao dịch ngày thứ Sáu (2/5) nhờ kỳ vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến hành đàm phán thương mại, đồng USD đã quay đầu giảm trở lại khi nỗi lo về kinh tế Mỹ lại chế ngự tâm trí các nhà đầu tư.

Đồng USD chịu áp lực bán mạnh sau chính sách thuế quan của Mỹ
Bộ thương mại Trung Quốc cho biết vào thứ Sáu (2/5) rằng, Mỹ đã nhiều lần bày tỏ mong muốn đàm phán về thuế quan và cánh cửa của Trung Quốc luôn rộng mở cho các cuộc đàm phán. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio nói với Fox News vào cuối thứ Năm (1/5) rằng, các cuộc đàm phán với Trung Quốc sẽ sớm diễn ra.
Với Nhật Bản, Trưởng đoàn đàm phán thương mại của Nhật Bản – Bộ trưởng Kinh tế Ryosei Akazawa - cho biết, ông đã đàm phán rất sâu về thương mại, về cả các biện pháp phi thuế quan và hợp tác an ninh kinh tế với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tại Washington vào thứ Năm. Thậm chí Bộ trưởng Tài chính Nhật Katsunobu Kato cho biết, Nhật Bản có thể sử dụng hơn 1 nghìn tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ mà nước này đang nắm giữ làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ.
Những tín hiệu tích cực về giải quyết căng thẳng thương mại giữa Mỹ với các đối tác giúp đồng bạc xanh tiếp tục tăng giá vào đầu phiên. Tuy nhiên, nỗi lo về triển vọng kinh tế Mỹ dưới tác động tiêu cực của thuế quan một lần nữa quay lại chế ngự tâm trí của các nhà đầu tư.
Hôm 1/5, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố ước tính đầu tiên về tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cho biết GDP của Mỹ đã giảm với tốc độ hàng năm là 0,3% trong quý đầu năm, quý tăng trưởng âm đầu tiên kể từ năm 2022.
Hiện các nhà đầu tư đang theo dõi sát báo cáo việc làm tháng 4 sẽ được công bố vào cuối ngày thứ Sáu để có thêm thông tin về triển vọng kinh tế Mỹ cũng như động thái chính sách của Fed. Trong khi các nhà kinh tế phố Wall dự báo, nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ tạo thêm được 130.000 việc làm mới trong tháng 4, thấp hơn nhiều so với con số 228.000 việc làm được tạo ra vào tháng 3.
Những thông tin không mấy tích cực này khiến đồng USD lại một lần nữa chịu áp lực bán ra. Hiện chỉ số USD Index – thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – đã giảm 0,5% xuống còn 99,7.
Ngược chiều với đồng USD, đồng tiền chung euro tăng 0,394% lên 1.1337 USD/EUR; đồng bảng Anh cũng tăng 0,09% lên 1.3294 USD/GBP.
Hai đồng tiền an toàn là yên Nhật và franc Thụy Sĩ cũng tăng mạnh so với đồng bạc xanh, tương ứng tăng 0,68% và tăng 0,66% lên 144,48 JPY/USD và 0,8237 CHF/USD.
Đặc biệt đồng đôla Úc vốn nhạy cảm với các vấn đề liên quan đến Trung Quốc đã bật tăng khá mạnh trong bối cảnh các thông tin tích cực từ Trung Quốc về các cuộc thảo luận về thuế quan với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cụ thể đôla Úc đã tăng gần 0,81% so với USD lên 1,553 AUD/USD.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc ở nước ngoài cũng tăng lên cao nhất trong nước 6 tháng là 7,225 CNY/USD.
Tuy nhiên, đồng đô la Mỹ vẫn đang hướng tới tuần tăng giá thứ ba liên tiếp. Bên cạnh trái phiếu Kho bạc và cổ phiếu Mỹ, đồng tiền này đã phục hồi sau đợt giảm mạnh vào tháng trước khi các chính sách thuế quan thất thường của Tổng thống Donald Trump gây ra lo ngại về suy thoái kinh tế và làm giảm niềm tin vào tài sản của Mỹ.
“Đồng đô la đã được hưởng lợi từ dòng tiền vào cuối tháng”, Kenneth Broux - Giám đốc nghiên cứu doanh nghiệp về ngoại hối và lãi suất tại Societe Generale cho biết. “Có lẽ toàn bộ câu chuyện 'bán tài sản Mỹ' có vẻ hơi quá đà. Và chúng tôi thấy các nhà đầu tư Nhật Bản cũng mua nhiều trái phiếu nước ngoài nhất trong 8 tuần, làm giảm kỳ vọng rằng mọi người trên thế giới sẽ bán trái phiếu Kho bạc”, Broux cho biết.
Mặc dù vậy hiện nhiều nhà đầu tư kỳ vọng chính sách thương mại thất thường của ông Trump sẽ gây tổn hại đến nền kinh tế Mỹ và báo cáo việc làm tháng 4 có thể là một gợi ý.