Những người trẻ vỡ mộng làm food blogger, reviewer

Vay nợ hàng trăm triệu đồng để làm review đồ ăn trên TikTok, Chung thấy hụt hơi vì sau một năm vẫn chỉ có 8.000 người theo dõi và chưa kiếm được đồng nào.

Thành Chung (23 tuổi, TP.HCM) bắt đầu công việc làm nội dung trải nghiệm ẩm thực (food blogger, reviewer) trên nền tảng TikTok khoảng 1 năm nay. Miệt mài suốt cả năm qua, anh chỉ kiếm được 8.000 người theo dõi dù đều đặn đăng cả chục video mỗi tuần.

Hụt hơi và vỡ mộng

“Mỗi ngày, mình đều cố gắng làm 1 - 2 video để đăng tải lên kênh. Chi phí ngày càng tăng lại không có nguồn thu ổn định khiến bản thân nhiều lúc nản chí. Dù đã thay đổi nhiều hình thức thể hiện, mình vẫn chưa tìm được đúng thị hiếu khán giả”, Chung cho biết.

Anh ước tính đã chi đến 140 triệu đồng để duy trì kênh trong một năm qua, trong đó 60% là chi phí đến quán ăn để trải nghiệm; các khoản cho thiết bị chiếm khoảng 30% và tiền cho quần áo, ngoại hình là 10%. Phần lớn số tiền trên Chung vay gia đình và bạn bè.

Nghề sáng tạo nội dung ngày càng khó khăn với các bạn trẻ thử sức. (Ảnh minh họa: Freepil)

Nghề sáng tạo nội dung ngày càng khó khăn với các bạn trẻ thử sức. (Ảnh minh họa: Freepil)

Hơn một năm bỏ vốn mà chưa có thu nhập, chàng trai cảm thấy sự bất an, lo lắng lấn át niềm vui ban đầu. Tuy nhiên, đâm lao phải theo lao, anh vẫn phải sản xuất video đều đặn vì chỉ cần tuần này đăng ít hơn tuần trước, kênh sẽ bị đánh giá xấu, mọi công sức như đổ sông đổ bể.

Chàng trai nhận ra phía sau hình ảnh hào nhoáng, hấp dẫn của những KOL kiếm tiền như nước trên mạng xã hội là vô số những người như anh, vật lộn trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với vô vàn đối thủ trên các nền tảng số. Cơ hội rất lớn, nhưng chẳng thành công nào là dễ dàng. Anh cảm thấy hụt hơi và không biết mình đủ khả năng duy trì đến lúc nào.

Giống như Chung, nhiều bạn trẻ khác cũng vỡ mộng khi food blogger, reviewer do không tìm được chỗ đứng trong thị trường sáng tạo nội dung ngày càng cạnh tranh. Họ lao vào lĩnh vực này vì viễn cảnh vừa được ăn ngon, trải nghiệm điều mới mẻ vừa kiếm được tiền và người hâm mộ, có thể làm việc một mình, tự do sáng tạo...

Tuy nhiên, với cả rừng food blogger, reviewer đang hoạt động, nghề trải nghiệm ẩm thực dường như đang dần không còn chỗ đứng cho người mới.

Thu Trang (25 tuổi, Hà Nội), người có 3 năm kinh nghiệm làm nội dung phong cách sống và trải nghiệm món ăn, chủ kênh TikTok có gần 90.000 người theo dõi với lượng khách hàng ổn định cho biết, 3 - 4 năm trước, các nhà hàng sẵn sàng bỏ ra 3 - 10 triệu đồng để làm một video trải nghiệm. Tuy nhiên hiện nay, các nhà sáng tạo nội dung rất khó kiếm các đơn hàng như vậy.

Thu Trang cho rằng việc nhiều food reviewer đánh đổi trải nghiệm lấy tiền quảng cáo là lý do khiến không ít khán giả quay lưng.

Thu Trang cho rằng việc nhiều food reviewer đánh đổi trải nghiệm lấy tiền quảng cáo là lý do khiến không ít khán giả quay lưng.

"Mạng xã hội phát triển hơn, các thương hiệu thường tự thuê đội ngũ, xây dựng kênh độc lập trên nhiều nền tảng, họ không còn trông chờ vào việc thuê người có sức ảnh hưởng quảng cáo như trước. Nhiều nhà hàng còn sẵn sàng dán biển không tiếp TikToker. Vậy nên, nhiều người trẻ nhanh chóng vỡ mộng khi lao vào lĩnh vực này", Thu Trang nói.

Thanh Thanh (25 tuổi, Hà Nội), người dẫn chương trình cho một kênh chuyên về trải nghiệm ẩm thực với hơn 500.000 người theo dõi trên TikTok, cũng nhận định rằng hiện tại, việc xây dựng một thương hiệu cá nhân trong ngành quá khó, vậy nên cô chọn cách cộng tác với các kênh uy tín.

Theo cô, một trong những khó khăn của nghề food blogger, reviewer hiện nay là không ít khán giả mất niềm tin, dẫn đến quay lưng với các TikToker chuyên về trải nghiệm ẩm thực. Những bình luận “Review láo”, “Đừng tin”, “Ăn chẳng ngon mà khen lấy khen để”... xuất hiện nhan nhản trên mạng cho thấy điều đó.

Thanh Thanh lựa chọn hợp tác với các đơn vị lớn, sử dụng tài nguyên sẵn có thay vì phải tự mình xây dựng thương hiệu cá nhân.

Thanh Thanh lựa chọn hợp tác với các đơn vị lớn, sử dụng tài nguyên sẵn có thay vì phải tự mình xây dựng thương hiệu cá nhân.

"Khẩu vị mỗi người khác nhau, một nhà sáng tạo nội dung khó chiều lòng được hết khán giả. Hướng đi cộng tác với một mạng lưới có tệp khán giả rộng là nước đi khôn ngoan trong thời điểm này", Thanh Thanh nói.

Phải chuẩn bị đủ nền tảng tài chính

Bà Lê Ngọc Ánh (TikToker Anh Sắc Ánh), nhà sáng lập VN Creative, đơn vị tư vấn phát triển thương hiệu trên TikTok, tác giả sách "Nội dung ngắn, chiến lược dài" được coi là cẩm nang cho nhà sáng tạo nội dung trên TikTok, cho biết thêm, nghề trải nghiệm ẩm thực hiện nay cực kỳ cạnh tranh. Các nhà sáng tạo không chỉ phải tìm món mới, quán mới mà còn phải tìm bản sắc riêng cho mình.

Khi tham gia ngành này, các bạn trẻ cần chuẩn bị một nền tảng tài chính đủ, hoặc làm đan xen các công việc khác nhau để đảm bảo có thể "sống" trong ít nhất 3 tháng. Bên cạnh đó, tham gia các mạng lưới, hội nhóm làm nghề là điều vô cùng cần thiết.

"Tôi lấy ví dụ như trường hợp của TikToker Dương Gió Tai. Quán xôi của anh này ban đầu chỉ quay các video vui vẻ, hài hước. Nhưng khi kết hợp cùng các TikToker khác, quán xôi nổi lên nhanh chóng. Chiến lược đơn giản hơn khi bạn quen 10 người, mỗi người đi ăn một quán rồi chia sẻ tư liệu cho nhau. Như vậy một người có thể đăng tải 10 video mà không còn tốn quá nhiều công sức. Quán đó được nhiều người biết đến, kéo TikToker cũng nổi tiếng theo", bà Ánh nói.

Bà cũng nhấn mạnh rằng các TikToker thời gian đầu chưa thích nghi với nghề nhưng sốt ruột phải có nguồn thu. Tuy nhiên, khoản vốn bỏ ra cần được xem như phí để học việc.

"Mọi người thường dành 4 năm để lấy bằng đại học, hay ít nhất 2 năm để theo học trường nghề. Vì vậy, các bạn trẻ cũng cần xác định phải tốn từng đấy thời gian để quen nghề trải nghiệm ẩm thực. Không có nghề nào dễ dàng kiếm tiền nhanh, tiền nhiều mà không mất vốn hay công sức cả", nhà sáng lập VN Creative nhấn mạnh.

Mắc bệnh chán ăn vì review đồ ăn

Đã được ăn ngon mà còn được trả tiền là một trong những điểm hấp dẫn của nghề trải nghiệm ẩm thực, tuy nhiên người trong cuộc cho biết công việc này không hoàn toàn là hưởng thụ. Thu Trang tiết lộ, trong quá trình hành nghề, cô nhiều lần gặp phải tình trạng chán ăn.

Có những hôm chỉ trong 4 tiếng đồng hồ từ 17h - 21h, cô phải chạy đến 4 quán ăn cách nhau hàng chục km, vừa cầm đũa lên thưởng thức một miếng là quay xong, lại tiếp tục sắp xếp để di chuyển.

Trang cũng luôn phải chờ đợi nhà hàng đem đủ đồ ăn lên, quay chụp xong xuôi rồi mới được thưởng thức nếu không phải chạy đến địa điểm khác. Nếu không phải ngồi chờ thì ăn uống cũng chẳng còn ngon miệng vì các món thường được làm trước đó vài tiếng, đôi khi quay buổi tối nhưng nấu xong từ ban ngày, đã nguội ngắt và giảm hương vị.

Ăn nhiều gây mất vị giác, Trang nhiều lần thấy chán khi nhìn vào đồ ăn. Cô thường xuyên phải ăn mỳ tôm để "giữ bụng" cho công việc. Các cuộc gặp gỡ bạn bè, người thân cũng rất hạn chế vì công việc không phép cô ăn nhiều.

Trang nói thêm về những nỗi khổ của nghề food reviewer: "Những người làm nghề trải nghiệm ẩm thực còn gặp phải vấn đề về sức khỏe, kiểm soát cân nặng. Tôi từng chứng kiến một đồng nghiệp tăng 5kg chỉ sau 2 tháng làm nghề này nên bản thân luôn cẩn thận trong việc sắp xếp lịch trình. Công việc này không phải cứ thích ăn ngon là ăn như mọi người thường nghĩ".

Hoàng Hà

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nhung-nguoi-tre-vo-mong-lam-food-blogger-reviewer-ar940299.html
Zalo