Ngành ngân hàng tìm lời giải tăng trưởng giữa 'lằn ranh' nợ xấu

Bên cạnh vẽ lên bức tranh tăng trưởng khá tham vọng, ngành ngân hàng còn phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là nợ xấu gia tăng trong lĩnh vực bất động sản.

Duy trì vai trò trụ cột dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam năm 2024, ngành ngân hàng bứt phá với mức tăng trưởng tín dụng vượt bậc, đạt mức cao nhất kể từ năm 2017, trợ lực cho nền kinh tế tăng 7,09%.

Nhưng bước sang bối cảnh bất định của kinh tế toàn năm 2025, với những thách thức bất ổn của kinh tế vĩ mô – từ căng thẳng thương mại đến nợ xấu bất động sản – đang thử thách sự bền bỉ của các ngân hàng.

Trong khi các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) tư nhân như SHB, MSB, TPBank hay ABBank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận đầy tham vọng, nhóm TMCP nhà nước như VietinBank và Vietcombank chọn lối đi thận trọng, bám sát hạn mức tín dụng 16% do Ngân hàng Nhà nước giao.

Để vượt qua áp lực lợi nhuận, các ngân hàng phải tìm cách cân bằng giữa mở rộng tín dụng và quản lý rủi ro, đồng thời tận dụng chuyển đổi số và các kênh huy động vốn mới.

Theo FiinGroup, điều này hướng tới phát triển sản phẩm tài chính sáng tạo là chìa khóa để cải thiện biên lợi nhuận ròng (NIM) và tăng thu nhập từ phí, dịch vụ.

Tham vọng tiếp đà tăng trưởng 2024

Năm 2024, ngành ngân hàng Việt Nam ghi dấu ấn với tăng trưởng tín dụng trên 15%, được thúc đẩy bởi đầu tư công, dòng vốn FDI và sự phục hồi mạnh mẽ của tín dụng bán lẻ.

Theo FiinGroup, các ngân hàng TMCP tư nhân, đặc biệt những ngân hàng hàng đầu, đã vượt qua nhóm quốc doanh trong việc mở rộng tín dụng, “tận dụng cơ hội từ thay đổi quy định và xu hướng hợp nhất thị trường.”

Dự báo cho năm 2025, FiinGroup kỳ vọng tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức 15-16%, nhờ các dự án cơ sở hạ tầng và hoạt động công nghiệp do FDI dẫn dắt.

Trong bối cảnh đó, các ngân hàng tư nhân tiếp tục đặt mục tiêu tham vọng. Theo đó, MSB nhắm đến tăng trưởng tín dụng 20%, vượt xa bình quân ngành.

“Riêng quý I/2025, tín dụng của MSB đã tăng gần 9%, nên mục tiêu 20% hoàn toàn khả thi”, Tổng giám đốc MSB Nguyễn Hoàng Linh tự tin nhận định tại đại hội đồng cổ đông thường niên mới đây.

MSB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 8.000 tỷ đồng, tăng 16%, tập trung vào khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời đẩy mạnh số hóa và CASA.

TPBank còn tham vọng hơn, với mục tiêu lợi nhuận trước thuế 9.000 tỷ đồng, tăng tới 18,4%. Chủ tịch HĐQT TPBank Đỗ Minh Phú thừa nhận đây là kế hoạch “vô cùng tham vọng và thách thức” đồng thời nhấn mạnh cơ sở từ chuyển đổi số và tối ưu vận hành.

Quý I/2025, TPBank đạt lợi nhuận 2.100 tỷ đồng, tăng 15%, với doanh thu thuần từ dịch vụ tăng 27%, “phản ánh hiệu quả của chiến lược giảm phụ thuộc vào tín dụng,” ông Phú cho biết.

SHB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 14.500 tỷ đồng, tăng 25%. Tổng giám đốc Ngô Thu Hà SHB khẳng định “SHB tự tin đạt tăng trưởng tín dụng 16%, tập trung vào hạ tầng, tín dụng xanh, công nghệ cao.”

Quý I/2025, SHB ghi nhận lợi nhuận gần 4.400 tỷ đồng, tương đương 30% kế hoạch cả năm, với dư nợ tín dụng tăng 7,8%.

ABBank, dù trải qua năm 2024 “ảm đạm nhất” trong nhiều năm, vẫn đặt mục tiêu lợi nhuận 1.800 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi. Phó chủ tịch Vũ Văn Tiền nhấn mạnh quan điểm “tinh gọn bộ máy và số hóa là chiến lược phát triển dài hạn, gắn với xu thế quản trị hiện đại.”

Trong khi đó, MB hướng đến lợi nhuận trước thuế hợp nhất 31.700 tỷ đồng, tăng 10%, với tổng tài sản tăng 21,2% đạt gần 1,37 triệu tỷ đồng.

Chủ tịch HĐQT MB Lưu Trung Thái tuyên bố trước các cổ đông: “Chúng tôi sẽ giữ vị thế trong nhóm Big 5, tối ưu chi phí vốn và duy trì CASA 39–40%.” MB đặt mục tiêu đạt 34–35 triệu khách hàng vào cuối 2025, nhờ đầu tư mạnh vào công nghệ số.

Nhóm ngân hàng nhà nước: Thận trọng giữa bất ổn

Trái ngược với khối tư nhân, các ngân hàng TMCP nhà nước như VietinBank và Vietcombank chọn cách tiếp cận thận trọng, bám sát hạn mức tín dụng 16% của Ngân hàng Nhà nước.

VietinBank đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tăng 15%, nhưng có thể đạt 16% nếu kinh tế hồi phục. Chủ tịch HĐQT Vietinbank Trần Minh Bình cho biết: “Dù hấp thụ tín dụng đầu năm chưa cao, tốc độ sẽ tăng đều trong các quý tới.” Ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 5–10%, với tỷ lệ nợ xấu dưới 1,8%.

Vietcombank còn thận trọng hơn, với lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng chỉ 3,5%, lợi nhuận riêng lẻ đạt 42.734 tỷ đồng. Tín dụng dự kiến tăng tối đa 16,28%.

Chủ tịch Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng nhận định: “Thuế đối ứng từ Mỹ ảnh hưởng rõ rệt đến Vietcombank, do chúng tôi chiếm 20% thị phần thanh toán quốc tế.” Ngân hàng đang phối hợp với khách hàng để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm thiểu tác động.

Trước bối cảnh phân hóa, FiinGroup đưa ra cảnh báo về các rủi ro như thặng dư thương mại thu hẹp, tập trung FDI và kém hiệu quả trong đầu tư công có thể cản trở mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Điều này cũng lý giải sự thận trọng của nhóm ngân hàng TMCP nhà nước, vốn chịu ảnh hưởng lớn từ các yếu tố vĩ mô.

Cân bằng tăng trưởng và rủi ro

Bên cạnh những bức tranh tăng trưởng khá tích cực, ngành ngân hàng còn phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là nợ xấu gia tăng trong lĩnh vực bất động sản.

FiinGroup ghi nhận giá trị trái phiếu doanh nghiệp có vấn đề đạt 242,2 nghìn tỷ đồng vào cuối 2024, tăng 21,5%, chiếm 19,7% tổng số phát hành.

Năm 2025, khoảng 213,8 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn sẽ gây áp lực lên danh mục cho vay. “Tỷ lệ bao phủ dự phòng giảm ở các ngân hàng TMCP tư nhân hàng đầu càng làm tăng rủi ro vốn,” FiinGroup nhấn mạnh, buộc các ngân hàng tăng chi phí dự phòng, ảnh hưởng lợi nhuận ngắn hạn.

Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng nhanh (16,7%) vượt xa tiền gửi (11,7%) làm tăng phụ thuộc vào tài trợ bán buôn, đẩy rủi ro thanh khoản và chi phí tài trợ lên cao. Biên lợi nhuận ròng (NIM) chịu áp lực lớn do chi phí tài trợ tăng và thu nhập ngoài lãi giảm.

FiinGroup lưu ý: “Tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) toàn ngành giảm 10 điểm cơ bản, phản ánh khó khăn trong việc duy trì lợi nhuận khi chi phí vận hành khó cắt giảm thêm.”

Nợ xấu, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, là mối lo ngại lớn. Một số ngân hàng như SHB nỗ lực kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp, chỉ 0,1% trong bất động sản, nhờ chiến lược quản trị rủi ro chặt chẽ.

Tổng giám đốc Ngô Thu Hà chia sẻ: “Bất động sản chiếm 24,5% tổng dư nợ của SHB, nhưng chúng tôi duy trì tỷ lệ nợ xấu ở ngưỡng an toàn.” Tuy nhiên, các ngân hàng lớn, bao gồm TMCP quốc doanh, lại ghi nhận nợ xấu gia tăng.

VietinBank, với tỷ lệ nợ xấu 1,3% vào cuối quý I/2025, đang xử lý một khoản nợ lớn và kỳ vọng giảm xuống dưới mức này trong quý II. Chủ tịch Trần Minh Bình cho biết: “Chúng tôi đặt mục tiêu nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu vượt 200% trong năm 2025 để tăng khả năng chống chịu rủi ro.”

ABBank, dù tỷ lệ nợ xấu còn ở mức cao 2,48% vào cuối 2024, vẫn được coi là điểm sáng về xử lý nợ xấu góp phần quan trọng làm cơ sở để ngân hàng tự tin đặt ra kế hoạch kinh doanh bứt phá.

Chủ tịch ABBank Đào Mạnh Kháng khẳng định: “Chúng tôi có kế hoạch tổng thể để xử lý nợ xấu hiệu quả, tận dụng đội ngũ chuyên môn cao tại hội sở.”

ABBank đang đẩy mạnh số hóa. Ảnh: Hoàng Anh

ABBank đang đẩy mạnh số hóa. Ảnh: Hoàng Anh

MB, với tỷ lệ nợ xấu 1,63%, thấp hơn mặt bằng ngành (2,8%), cũng chủ động tăng chi phí dự phòng. Chủ tịch Lưu Trung Thái nhấn mạnh: “Chúng tôi dự kiến nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên trên 100% trong năm nay để quản lý rủi ro sớm.”

FiinGroup phân tích: “Nợ xấu dường như ổn định nhờ tăng trưởng tín dụng nhanh làm tăng mẫu số và các đợt xóa nợ tích cực, đặc biệt từ các ngân hàng TMCP tư nhân quy mô nhỏ.”

Tuy nhiên, nhóm này cảnh báo rủi ro tiềm tàng vẫn hiện hữu, đặc biệt khi nợ xấu gia tăng ở các ngân hàng TMCP quốc doanh và TMCP tư nhân hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản.

“Sự ổn định của tỷ lệ nợ xấu hiện nay phần lớn mang tính kỹ thuật, do mẫu số dư nợ tăng nhanh, chứ không phản ánh hoàn toàn cải thiện chất lượng tín dụng,” FiinGroup nhấn mạnh.

Lời giải từ chuyển đổi số và gia tăng nguồn vốn

Để vượt qua áp lực, các ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số và huy động vốn sáng tạo. FiinGroup khuyến nghị: “Các ngân hàng cần đầu tư vào công nghệ để cải thiện thẩm định tín dụng và đa dạng hóa danh mục cho vay, giảm tập trung vào bất động sản.” Chuyển đổi số không chỉ giúp tăng thu nhập ngoài lãi mà còn tối ưu chi phí, cải thiện NIM.

SHB coi dự án “Bank of the Future” là trọng điểm, với các giải pháp như SHB SAHA và ứng dụng AI. Chủ tịch Đỗ Quang Hiển khẳng định: “Đến 2028, SHB sẽ là ngân hàng số một về hiệu quả, với chiến lược công nghệ dẫn đầu.”

TPBank duy trì vị thế tiên phong, với Trung tâm tài chính số (Dico) phê duyệt khoản vay trong vài phút, giữ tỷ lệ nợ xấu kênh số chỉ 2%. Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cho biết: “Chúng tôi giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập từ 41% xuống dưới 35%, nhờ quản trị tinh gọn và số hóa.”

ABBank số hóa triệt để từ giao dịch đến quản trị rủi ro, sử dụng hệ thống ngân hàng lõi T24. VietinBank mạnh dạn cắt giảm hàng trăm điểm giao dịch để đầu tư vào nền tảng số. Chủ tịch Vietinbank Trần Minh Bình chia sẻ: “Đây là bước đi nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng và tối ưu vận hành.”

Trong bối cảnh áp lực thanh khoản và yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ngày càng cao, các ngân hàng tích cực tìm kiếm nguồn vốn sáng tạo để củng cố nội lực.

FiinGroup đánh giá: “Phát hành trái phiếu tăng 70,7% trong năm 2024, với khoảng cách lợi suất giữa trái phiếu ngân hàng (6,5–7,9%) và lãi suất tiền gửi (2,0–3,5%) sẽ tiếp tục thu hút nhà đầu tư tổ chức.”

Khoảng cách lợi suất này không chỉ hỗ trợ thanh khoản mà còn tạo điều kiện cho các ngân hàng mở rộng tín dụng mà không phụ thuộc quá nhiều vào tiền gửi truyền thống. Các kế hoạch tăng vốn điều lệ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng bộ đệm rủi ro trung và dài hạn.

SHB dự kiến nâng vốn điều lệ lên xấp xỉ 46.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu, giúp ngân hàng duy trì vị trí trong Top 5 ngân hàng tư nhân có vốn điều lệ lớn nhất.

Tổng giám đốc Ngô Thu Hà cho biết: “Nguồn vốn tăng thêm sẽ chủ yếu được sử dụng để cho vay doanh nghiệp, đặc biệt là bổ sung vốn lưu động và tài trợ dự án, dự kiến giải ngân trong quý III hoặc IV/2025.”

MB còn tham vọng hơn, nhắm đến vốn điều lệ gần 81.370 tỷ đồng thông qua phát hành gần hai tỷ cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 32% và chào bán riêng lẻ 62 triệu cổ phiếu.

Chủ tịch Lưu Trung Thái giải thích: “Việc tăng vốn bằng cổ tức là lựa chọn chiến lược để gia tăng năng lực tài chính, phục vụ các phân khúc khách hàng đa dạng.”

MB dự kiến sử dụng 7,7 nghìn tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng và 12,6 nghìn tỷ đồng bổ sung vốn hoạt động cho các mô hình kinh doanh mới.

MSB cũng không đứng ngoài cuộc đua, với kế hoạch phát hành thêm 520 triệu cổ phiếu để chia cổ tức tỷ lệ 20%, nâng vốn điều lệ từ 26.000 tỷ đồng lên 31.200 tỷ đồng.

“Tăng vốn sẽ củng cố nền tảng tài chính, đảm bảo an toàn hoạt động và hỗ trợ mở rộng kinh doanh”, Tổng giám đốc Nguyễn Hoàng Linh nhấn mạnh trước các cổ đông.

Theo FiinGroup, các kế hoạch tăng vốn không chỉ giúp các ngân hàng đáp ứng yêu cầu CAR mà còn tạo bộ đệm rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh nợ xấu bất động sản và áp lực thanh khoản gia tăng.

Dũng Phạm

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/nganh-ngan-hang-tim-loi-giai-tang-truong-giua-lan-ranh-no-xau-d39935.html
Zalo