Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh cúm mùa

Hiện nay, bệnh cúm mùa bùng phát tại Nhật Bản, Trung Quốc. Tại Việt Nam, nhiều bệnh nhân cũng đang nguy kịch do cúm mùa. Để phòng bệnh, nhiều người dân trong tỉnh đã chủ động đi tiêm vắc xin ở các trung tâm tiêm chủng.

Số người tiêm vắc xin phòng bệnh cúm tăng cao

Sau Tết Nguyên đán, hầu hết các trung tâm tiêm chủng vắc xin trên địa bàn tỉnh đều có đông người đến tiêm vắc xin phòng bệnh cúm, có nơi tăng gấp 2 đến 3 lần so với những ngày trước Tết. Tại Phòng Tiêm chủng Safpo Nha Trang, trong số đông người đến đây tiêm vắc xin, chiếm tới 80% là tiêm vắc xin phòng bệnh cúm. Đưa con đi tiêm chủng vắc xin sởi và cúm tại đây, anh Nguyễn Văn Duy (TP. Nha Trang) cho biết: “Qua báo đài, vợ chồng tôi biết cả nước đang có dịch cúm nên đưa 2 con đi tiêm. Số tiền tiêm 2 mũi vắc xin sởi và cúm cho 1 cháu là 715.000 đồng. So với thu nhập của gia đình, mức phí này khá cao, nhưng vợ chồng tôi vẫn đưa con đi tiêm để bảo vệ sức khỏe”. Cũng tới đây tiêm vắc xin phòng bệnh cúm, bà Nguyễn Thanh Loan (62 tuổi, Nha Trang) chia sẻ, bà lớn tuổi, đang mắc nhiều bệnh, nhất là bệnh tăng huyết áp. Do đang mùa dịch cúm nên bà chủ động đi tiêm vắc xin phòng bệnh để nếu có mắc cũng sẽ nhẹ, không gây ra biến chứng.

Cán bộ y tế Phòng Tiêm chủng Safpo Nha Trang tiêm vắc xin phòng bệnh cúm cho trẻ.

Cán bộ y tế Phòng Tiêm chủng Safpo Nha Trang tiêm vắc xin phòng bệnh cúm cho trẻ.

Theo y sĩ Đỗ Thị Nhàn - Phòng Tiêm chủng Safpo Nha Trang, những ngày gần đây, phòng tiêm tiếp nhận số lượng người đến tiêm chủng phòng bệnh cúm tăng đột biến, bình quân mỗi ngày từ 200 đến 250 người, tăng gấp 3 đến 4 lần so với trước. Trước kia, tới tiêm vắc xin phòng bệnh cúm hầu hết là trẻ em. Hiện nay, không chỉ có trẻ em, người lớn tuổi, nhiều bạn trẻ ở tuổi thanh thiếu niên cũng tới tiêm vắc xin phòng bệnh cúm.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính hàng năm cúm mùa tấn công 5 - 20% người lớn và 20 - 30% trẻ em, gây ra các mức độ bệnh tật, nhập viện và tử vong. Dịch cúm gây ra 3 - 5 triệu ca cúm nặng và 250.000 - 500.000 ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Cúm mùa tuy lành tính nhưng dễ biến chứng viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não... gây tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Cần chủ động phòng bệnh

Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận khoảng 800 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh cảm lạnh, cúm mùa đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế, trong đó có 7 ca viêm phổi nặng. Sau khi lấy mẫu gửi Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm, xác định chỉ có 1 ca viêm phổi do cúm. Bác sĩ chuyên khoa II Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “So với các tỉnh, thành khác, số ca nghi ngờ mắc cúm trên địa bàn tỉnh so với mọi năm không có sự gia tăng đột biến. Năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận hơn 9.100 ca nghi mắc cúm, tập trung nhiều vào những tháng đầu năm”.

Trẻ em được kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm vắc xin cúm tại Phòng Tiêm chủng Safpo Nha Trang.

Trẻ em được kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm vắc xin cúm tại Phòng Tiêm chủng Safpo Nha Trang.

Theo bác sĩ Toàn, cúm mùa là bệnh hay gặp trong năm, đặc biệt là mùa đông xuân khi thời tiết giao mùa, lạnh, độ ẩm cao. Cúm mùa có những dấu hiệu giống các bệnh do vi rút khác gây ra như: cảm lạnh, Covid-19… Các biện pháp để phòng, chống bệnh cúm, nhất là những người có nguy cơ cao cần phải giữ ấm cơ thể, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi; ăn uống dinh dưỡng đủ chất; tập thể dục hằng ngày để nâng cao sức khỏe; đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, đến cơ sở y tế; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; hạn chế tiếp xúc với người có triệu chứng cúm. Trong gia đình, nếu có người mắc bệnh cúm nên cách ly để phòng lây lan cho các thành viên khác; có thể áp dụng kết hợp phương pháp đông y với tây y để phòng ngừa, hỗ trợ điều trị cúm. Bác sĩ Toàn khuyến cáo, bên cạnh các biện pháp nêu trên, tiêm ngừa vắc xin cúm cũng có thể phòng bệnh cúm mùa. Thời gian tiêm tốt nhất là vào tháng 10, sau đó cơ thể sẽ có miễn dịch để phòng bệnh cúm vào mùa đông - xuân; hoặc có thể tiêm vắc xin phòng cúm bất kỳ thời điểm nào người dân muốn. Khi có những dấu hiệu trở nặng, nên sớm đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để điều trị, tránh để xảy ra biến chứng.

Hầu hết người bị cúm mùa sẽ hồi phục sau vài ngày đến dưới 2 tuần, nhưng có một số người có thể bị biến chứng do cúm. Dấu hiệu cảnh báo biến chứng của bệnh cúm mùa đối với trẻ em là thở nhanh, khó thở; môi hoặc mặt xanh; sườn co kéo căng vào theo từng hơi thở, đau ngực, đau cơ, trẻ không chịu đi lại, mất nước, không có nước tiểu, khô miệng, khóc không chảy nước mắt; trẻ không tương tác khi thức dậy; sốt trên 40 độ C, sốt rồi hạ sốt nhưng sau đó sốt cao trở lại. Đối với người lớn, có hiện tượng khó thở, thở ngắn, đau ngực, đau bụng dai dẳng; chóng mặt, động kinh, không đi tiểu, đau cơ nghiêm trọng, sốt; ho cải thiện nhưng sau đó sốt cao trở lại; tình trạng bệnh lý mãn tính trở nên xấu hơn, lúc này nên nhập viện khám để được điều trị.

C.ĐAN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/y-te-suc-khoe/202502/chu-dong-tiem-vac-xin-phong-benh-cum-mua-b30437a/
Zalo