Giàu hai con mắt
Bên cạnh thứ âm thanh loang loãng như đang tập trung hút đi lớp thể thủy tinh lỏng siêu mỏng trên bề mặt cong con ngươi của mắt mình. Tôi còn như thấy vụt hiện lên hàng triệu triệu vì sao đa sắc đuổi nhau sóng sánh và lấp lánh trên bầu trời đêm tựa dải ngân hà những lúc có ánh sao rơi. Chưa bao giờ, đúng rồi và sẽ không bao giờ có được cảm giác kỳ diệu đến như thế…
Chưa ai và dường như không ai trên thế giới này nghĩ rằng sẽ có một ngày chính mình “bạo hành” bản thân trong một khoảng thời gian, dù không quá dài, nhưng đó là những ngày thực sự đen tối của cuộc đời.
![Tác giả Dương Sơn với bác sĩ Hoàng Cừ tại sảnh đón tiếp Bệnh viện Mắt tỉnh Phú Thọ](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_585_51471251/76603e0c0f42e61cbf53.jpg)
Tác giả Dương Sơn với bác sĩ Hoàng Cừ tại sảnh đón tiếp Bệnh viện Mắt tỉnh Phú Thọ
Tôi đã làm như thế với chính tôi
Trước đây ít lâu, tôi đã từng hai lần chinh phục những cung đường xẻ dọc miền Trung đến cực đỉnh phía Bắc của đất nước bạn Lào trong vai người cầm lái. Mỗi ngày từ 11 đến 14 tiếng liên tục trong gần một tuần, chỉ dừng lại nghỉ đêm cho hồi sức để mỗi rạng sáng lại làm chủ chiếc vô-lăng hùng dũng “hạ gục” những cung đường đèo ngoạn mục nhất nối huyết mạch: Viêng chăn, Luang Prabang, Luang Namtha, Bokeo, Hủa Phăn, Oudomxay và Phongsaly…
Sau những lần “thử sức” ấy, tôi đã luôn tin rằng mình còn quá khỏe để có thể cống hiến cho đại nghiệp với bao dự định đang chờ phía trước.
Nhưng ai biết trước chữ ngờ?
Tôi đã phải đối diện với nỗi kinh hoàng khi đôi mắt cứ ngày một nhòe đi. Ban đầu là nhìn xa không rõ, sau rồi đến ngay cả khi người nhà bước đến gần cũng khiến tôi giật mình. Xung quanh, không nhận ra đồng nghiệp, chỉ còn cảm nhận về họ qua cử chỉ… Kỳ thực, vạn vật đều trở nên mơ hồ. Tôi hiểu ra cái lý ở đời về một câu nói vọng lại từ ngàn xưa “mắt mờ - chân chậm”, khi mắt đã mờ thử hỏi chân làm sao có thể bước nhanh cho được…?!
Dẫu vậy, tôi vẫn cố gắng điều khiển phương tiện đi làm với guồng bánh tua chậm, vẫn thi thoảng “dạo phố”, nhằm duy trì “trạng thái bình thường” tránh nỗi lo “không cần thiết” hay sự “động viên, chia sẻ” từ bạn bè, người thân nhỡ họ biết. Đến ngay cả bộ môn yêu thích bấy nay là chụp ảnh dã ngoại, đăng status trên trang cá nhân và thể thao chơi bóng bàn cũng chính thức khép lại. Font chữ văn bản và trên giao diện điện thoại phải cài đặt cỡ 28 - 36 mới có thể đọc được. Thoảng nghĩ, đời mình cũng có lúc buồn đến vậy sao?
Vẫn biết, điều đáng sợ nhất với mỗi người chính là phải đón nhận sự thương hại! Có hay không điều đó đang giáng lên tôi…?!
Vốn không duy tâm. Tôi có một niềm tin sắt đá rằng nhất định một ngày nào đó đôi mắt của tôi sẽ sáng trở lại. Để hiện thực hóa điều này, hằng đêm, tôi ép mình tu tập theo cách của người xưa, vận khí công, thắp nến và dùng đầu hai ngón tay nhúm lên ngang mặt, đưa đi đưa lại, nín thở rồi đảo con ngươi theo hướng từ trái qua phải và ngược lại trong nhiều giờ đồng hồ, những mong trời đất thương tâm và linh nghiệm, khởi thị sáng bừng trở lại… Nhưng, dù có nguyện cầu hay mải mê tu tập nhiều ngày sau đó thì kết quả vẫn không theo ý muốn, tôi đã quá thất vọng bởi nhận thấy mắt vẫn ngày càng mờ thêm…
Sự kiện khiến tôi bừng tỉnh chính là cú tông xe vào một chú em gần nhà khi cùng dừng lại đèn đỏ lúc nhập nhoạng tối, do hoàn toàn mất kiểm soát lúc đối diện với ánh sáng đèn led tín hiệu giao thông. Hôm đó, bạn ấy dừng ngay trước đầu xe mà tôi cũng không nhìn thấy. Tôi gọi mấy anh em trợ giúp đưa chú em nhập viện rồi chiếu chụp, thuốc thang và bồi thường sửa chữa phương tiện…, may mà “của đi thay người” - bạn ấy vẫn còn lành lặn. Nghĩ dại, nhỡ người ta bị thương tật vĩnh viễn chắc tôi sẽ phải ân hận suốt đời…
Đêm đó không ngủ được, tôi lặng nuốt nước mắt vào trong!
Chưa khi nào cái cảm giác từ 3 đến 5 giờ sáng hôm sau lại dài đến như thế, tôi đã nằm đếm từng tiếng dịch chuyển nặng nề của kim giây trong chiếc đồng hồ treo trên vách, đã đấu tranh tư tưởng với chính bản thân mình. Có nên hay không việc nhờ đến sự can thiệp của y học hiện đại? Mấy ai không sợ sự va chạm, sợ sự can thiệp của dao kéo vào da thịt mình nhất là đôi mắt, nơi được ví như “cửa sổ tâm hồn”? giả sử xác suất vĩnh viễn là chuỗi ngày đen tối còn lại thì sao? Tổng lượng tri thức được học, được đọc, được trực quan còn chưa kịp viết, chưa kịp họa thành tác phẩm nay đành “gói lại” sao?
Dù điềm tính, nhưng ngay lúc ấy tôi đã muốn đập vỡ hay lập tức giẫm đạp một thứ gì đó ngay bên cạnh mình, hoặc xé toạc thành trăm mảnh những kỷ vật từng được mình sắp xếp, nâng niu trên chiếc kệ kê đồ trong phòng làm việc, chỉ để đánh dấu việc bản thân buộc phải ra một quyết định quan trọng: Can thiệp phẫu thuật mắt.
Trấn tĩnh lại, tôi đã gọi điện thoại cho bác sĩ Hoàng Cừ, Trưởng Khoa Thể thủy tinh, Bệnh viện Mắt Phú Thọ (Số 10, đường Nguyễn Du, phường Nông Trang, TP Việt Trì) là chỗ quen thân, qua giới thiệu từ người bạn học cùng Đại học với anh - Bác sĩ Triệu Quốc Hưng, Trưởng phòng Y tế Công ty Supe Lâm Thao mấy năm về trước. Tôi mô tả về tình trạng thị lực đang suy giảm ngày càng trầm trọng của mình rồi nhờ anh xếp lịch kiểm tra sớm nhất có thể.
Lập tức, từ phía đầu máy bên kia bác sĩ Hoàng Cừ đã “tặng” tôi một lời trấn an “quý hơn vàng” khi tôi đang quá hoang mang và vô vọng. Anh nói: Chú không tin là chú đã gọi đến rất đúng địa chỉ rồi sao? Tình trạng của chú hiện nay vô cùng nhiều người mắc phải, cá nhân anh hàng ngày phải giải quyết hàng chục ca tương tự như thế và chưa từng “bó tay” bao giờ… tính nhẩm trong sự nghiệp của mình, chắc mấy chục nghìn bệnh nhân được anh “trả lại đôi mắt sáng” rồi mà, chú xuống với anh đi…
Tôi xin phép nghỉ làm hai hôm rồi có mặt theo hẹn. Sau khi kiểm tra bằng máy Sinh hiển vi khám, bác sĩ Hoàng Cừ chuyển cho các phòng chuyên môn tờ giấy giao việc viết tay, tôi được nhóm anh em điều dưỡng của Bệnh viện giúp đỡ chiếu chụp và làm các xét nghiệm trước khi tập hợp thông tin hội chẩn: Siêu âm, chụp cắt lớp võng mạc và đo công suất thể thủy tinh… Dù nhìn mờ lắm, tôi vẫn kịp hình dung ra khuôn mặt khả ái của một nữ điều dưỡng xinh xắn và dịu dàng đã hướng dẫn rất chi tiết cho tôi về các thao tác cần thiết giúp đồng nghiệp của cô chỉ việc “bấm máy”. Mọi động tác nhìn lên, nhìn xuống, quay phải, quay trái đều thực hiện theo yêu cầu tự động của thiết bị.
![Bác sĩ Hoàng Cừ kiểm tra mắt cho tác giả Dương Sơn bằng máy Sinh hiển vi khám, tại Khoa Thể thủy tinh, tầng 4, Bệnh viện Mắt tỉnh Phú Thọ](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_585_51471251/74193f750e3be765be2a.jpg)
Bác sĩ Hoàng Cừ kiểm tra mắt cho tác giả Dương Sơn bằng máy Sinh hiển vi khám, tại Khoa Thể thủy tinh, tầng 4, Bệnh viện Mắt tỉnh Phú Thọ
Trong phân tích trước khi kết luận, bác sĩ Hoàng Cừ vỗ vai tôi: Chú nhỏ ngay loại thuốc nước này và nhắm mắt lại, ngồi chờ khoảng 15 phút, tác dụng của thuốc là làm giãn đồng tử để anh soi đáy mắt và tư vấn thể thủy tinh đa tiêu cự cho chú, đó là loại thể thủy tinh có thể giúp nhìn gần, nhìn trung gian và nhìn xa được tốt hơn sau mổ.
Lời sau cùng, anh trao đổi để tôi chủ động cân nhắc: Bằng kinh nghiệm của mình, anh nghĩ rằng mắt chú buộc phải phẫu thuật, nên triển khai sớm...
Rời bệnh viện, tôi trở về nhà trong mênh mang tâm trạng phải ra quyết định khó khăn, có nên không hay chậm lại đã…
Địa chỉ nào cho kết quả chính xác nhất
Tôi đã gọi điện vừa trao đổi, vừa tâm sự với người bạn thân trong giới Truyền thông ở Truyền hình Quốc hội, là chỗ quen biết với Ban lãnh đạo Bệnh viện Mắt Trung ương trên phố Bà Triệu, Hà Nội. Sau khi nghe tôi đặt vấn đề muốn được kiểm soát kỹ tình trạng xuống cấp của thị lực bạn ấy đã ngay lập tức búc máy gọi cho Phó Giáo sư, Phó Giám đốc Bệnh viện đề xuất “kiểm tra lại” kết luận của Bệnh viện Mắt Phú Thọ và yêu cầu check lịch cho tôi xuống luôn giờ hành chính ngày hôm sau. Bệnh viện Mắt Trung ương muốn vì mối thâm tình với bạn tôi mà ưu tiên tôi có thể vào phẫu thuật ngay. Nhưng tôi đã từ chối, xin khất, hẹn sẽ đặt lịch vào ngày khác…
Tiếp sau đó, anh bạn đồng niên vừa làm báo vừa làm Chủ tịch HĐQT Bệnh viện mắt Yên Bái - Hà Nội đã rất tha thiết mời tôi lên đó “test - thêm lần nữa”, kể cũng trùng với ý của tôi “còn nước, còn tát”. Các bác sĩ là những chuyên gia hàng đầu Việt Nam về lĩnh mắt đã được huy động, hôm đó trùng lịch đơn vị này thành lập Hội đồng để hội chẩn mấy ca bệnh nhân nặng nên tôi được tiếp cận luôn, khá cởi mở. Nhưng, thêm một lần nữa tôi nhận yêu cầu đặt lịch phẫu thuật trong khi bản thân vẫn lần lữa cho nên tiếp tục trì hoãn để cân nhắc…
Lại cả bà cô của tôi nữa, từ Sài Gòn nghe tin thằng cháu phải thay thể thủy tinh đã gọi điện ra ngay lúc nửa đêm. Loạt chuông đổ dài lại thắp lên trong tôi một “tia hi vọng nhỏ nhoi”, cô hỏi dồn: Này, cháu trai, đã nghe danh Giáo sư, bác sĩ Phạm Ngọc Đông chưa? Ông ấy là bác sĩ số 1 Việt Nam đấy, là Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương. Mắt của cô đã có chỉ định mổ, thị lực còn 1/10 thế mà sau khi sử dụng một liệu trình nhỏ và uống thuốc kết hợp phác đồ điều trị của ông ấy đã sáng trở lại. Mổ sợ lắm, cháu ạ…!
Ui trời, ngang “chết đuối vớ được cọc” tôi đích thân gọi theo số điện thoại cô cung cấp và đặt ngày giờ xuôi khám tại Phòng khám riêng của Giáo sư, địa chỉ số 11, Trần Xuân Soạn, Hà Nội vào ngày cuối tuần. Vẫn ngần ấy xét nghiệm, ngần ấy công đoạn phải thực hiện và kết luận thì như ban đầu… Dù đăng ký sớm nhưng đến lượt tôi nhận kết quả để gặp bác sĩ nghe tư vấn thời gian cũng đã chuyển sang đầu giờ chiều.
Có điều, dù muộn, bác sĩ Đông vẫn hỏi thêm tôi: Em đến từ đâu?
Dạ, em người Phú Thọ và Bệnh viện Mắt Phú Thọ cũng đã kết luận trùng với đánh giá của Giáo sư.
Bác sĩ Đông tiếp lời: Sẽ không có biện pháp nào khác ngoài việc buộc phải phẫu thuật! Nếu ở Phú Thọ, em có thể gặp bác sĩ Hoàng Cừ - người trước đây tôi từng trực tiếp hướng dẫn chuyên ngành nâng cao, anh ấy có chuyên môn sâu trong thực hiện thay thể thủy tinh đấy. Giờ, tuyến Trung ương thường xuyên quá tải, thiếu giường bệnh, phẫu thuật hai mắt phải mất mấy ngày, sẽ khó khăn hơn cho em đấy, cân nhắc nhé. Trong trường hợp cần thiết, nếu muốn, tôi có thể trực tiếp giúp em hoặc gọi nhờ bác sĩ Hoàng Cừ…
![Trao đổi với bác sĩ Đào Chí Kiên, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh Phú Thọ về những nỗ lực tự thân và thành tích của bác sĩ Hoàng Cừ trong công tác](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_585_51471251/ad98e7f4d6ba3fe466ab.jpg)
Trao đổi với bác sĩ Đào Chí Kiên, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh Phú Thọ về những nỗ lực tự thân và thành tích của bác sĩ Hoàng Cừ trong công tác
Lời chân tình từ Giáo sư, bác sĩ Phạm Ngọc Đông khiến tôi nhớ lại ở lần gặp trước, bác sĩ Đào Ngọc Kiên, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh Phú Thọ cũng đã chia sẻ và đánh giá về đồng nghiệp của mình: Trong chuyên môn, đặc biệt về phẫu thuật thay thể thủy tinh, bác sĩ Hoàng Cừ là người có tay nghề hàng đầu tỉnh nhà, chú ạ. Anh ấy là người tận tụy, ham học hỏi nâng cao chuyên môn và luôn hết lòng vì người bệnh. Bên cạnh đó, Hoàng Cừ có phong cách sống hòa đồng, ưa hoạt động và đam mê rèn luyện thể dục thể thao. Tôi còn thấy toát lên ở anh ấy - những lĩnh vực đam mê và yêu thích đều rất tự tin đứng ở top đầu…
Tôi nhận ra một sự trùng hợp trong hầu hết câu chuyện chuyên môn về phẫu thuật thay thể thủy tinh khi tất cả các “địa chỉ đỏ” mà suốt mấy tháng dòng tôi qua thăm khám đều nhắc đến quý danh bác sĩ Hoàng Cừ, Phú Thọ. Điều đó giúp tôi có thêm cảm nhận về anh - Hoàng Cừ đã thật khiêm tốn, sự nhẹ nhàng, lịch lãm trong giao tiếp của anh đã “thả” tôi vào “sự trải nghiệm cần thiết”, đó là: em hãy đi đi, hãy cân nhắc, và bây giờ là trở về…
Coi như mấy tháng qua là thời gian “nghiên cứu” có nên hay không: lựa chọn cho mình phương án tối ưu.
![Tác giả Dương Sơn gặp lại bác sĩ Hoàng Cừ tại cửa Khu Phẫu thuật (tầng 5) Bệnh viện Mắt tỉnh Phú Thọ](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_585_51471251/72873feb0ea5e7fbbeb4.jpg)
Tác giả Dương Sơn gặp lại bác sĩ Hoàng Cừ tại cửa Khu Phẫu thuật (tầng 5) Bệnh viện Mắt tỉnh Phú Thọ
Tôi trở về Bệnh viện Mắt tỉnh Phú Thọ
Tôi quay lại gặp bác sĩ Hoàng Cừ để tái khám. Lần này, giọng anh dõng dạc hơn: Em trai thân mến, anh biết, bây giờ em đã đưa ra quyết định cuối cùng. Anh kiểm tra kỹ và chúc mừng vì mắt em hoàn toàn có thể đáp ứng với việc thay thế loại thể thủy tinh tốt nhất hiện nay. Em hình dung nhé, thể thủy tinh được ví như cái bóng đèn, mắt em hỏng là do cái bóng đèn bị “cháy sợi tóc”, còn khi em thay, đó là “chiếc đèn vĩnh cửu”, nhờ sự phát triển vượt bậc của y học và do con người sáng tạo ra. Nó sẽ tồn tại lâu dài, tuy nhiên, nó khỏe hay yếu còn phụ thuộc vào đáy mắt của mắt em nữa. Em nên chú tâm vào quy trình “bảo dưỡng” và hàng ngày phải dành thời gian cho mắt nghỉ ngơi.
Nhìn thẳng mắt tôi, bác sĩ Hoàng Cừ hỏi nhỏ: Từ lúc đặt bước chân vào bệnh viện này chắc em không hề nghe thấy một tiếng khóc hay la ó nào từ phía bệnh nhân đấy chứ? Như thế có nghĩa là, phẫu thuật mắt rất nhẹ nhàng, không đau và không gây sang chấn tâm lý…
Tôi sợ nhất là từ “đau” và “sang chấn”, mà nay, sau sâu chuỗi tình huống tôi đã yên tâm gửi trọn niềm tin vào “đôi bàn tay vàng” của bác sĩ Hoàng Cừ trong một tâm thế sẵn sàng đối diện với cuộc phẫu thuật bất khả kháng ngày mai.
![Tác giả Dương Sơn và bác sỹ Triệu Quốc Hưng (bên cạnh), chụp hình lưu niệm sau khi phẫu thuật với bác sĩ Hoàng Cừ cùng tập thể bác sĩ, điều dưỡng viên tại Phòng hành chính, Khoa Thể thủy tinh, Bệnh viện Mắt tỉnh Phú Thọ](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_585_51471251/e9c4a5a894e67db824f7.jpg)
Tác giả Dương Sơn và bác sỹ Triệu Quốc Hưng (bên cạnh), chụp hình lưu niệm sau khi phẫu thuật với bác sĩ Hoàng Cừ cùng tập thể bác sĩ, điều dưỡng viên tại Phòng hành chính, Khoa Thể thủy tinh, Bệnh viện Mắt tỉnh Phú Thọ
Cảm giác nào trong khi phẫu thuật thay thủy tinh thể
Sau khi khoác lên mình bộ quần áo bệnh nhân, tôi được nữ điều dưỡng yêu cầu ngồi trên chiếc xe đẩy dịch chuyển từ phòng bệnh tầng 4 hướng về khu vực cầu thang máy lên tầng 5 là khu phẫu thuật (hệ thống các phòng mổ: 1, 2, 3…). Cùng một số bệnh nhân mỗi người nằm trên một chiếc giường trải đệm sẫm màu tại phòng chờ. Bên mắt chuẩn bị phẫu thuật sẽ được đánh dấu X phía trên trán, tránh nhầm lẫn và được các bác sĩ tiêm thuốc gây tê.
Bước vào phòng mổ, tôi được chỉ dẫn ngồi lên chiếc giường điện và được các điều dưỡng là “tiểu ban giúp việc” của bác sĩ Hoàng Cừ căn chỉnh, nâng hạ đúng tầm thao tác, phía trên đỉnh đầu và được che một tấm vải xanh lên mặt chỉ để lại duy nhất một khoảng hở đủ rộng dành cho bên mắt chuẩn bị phẫu thuật.
Bác sĩ Hoàng Cừ nói nhỏ, anh bắt đầu nhé!
Tôi đã, đang và sẽ không thể hình dung những thao tác phẫu thuật mắt lại có thể nhẹ nhàng, điệu nghệ, mau lẹ, gọn gàng đến như thế nếu không “thủ vai” bệnh nhân. Trong tĩnh lặng của không gian phòng mổ, tôi nín thở chuyển những cảm nhận về phía hai bên tai và mường tượng ra những tiếng róc rách rất nhỏ, khởi tạo nên làn gió thoang thoảng mát xuôi vệt má. Bên cạnh thứ âm thanh loang loãng như đang tập trung hút đi lớp thể thủy tinh lỏng siêu mỏng trên bề mặt cong con ngươi của mắt mình. Tôi còn như thấy vụt hiện lên hàng triệu triệu vì sao đa sắc đuổi nhau sóng sánh và lấp lánh trên bầu trời đêm tựa dải ngân hà những lúc có ánh sao rơi. Chưa bao giờ, đúng rồi và sẽ không bao giờ có được cảm giác kỳ diệu đến như thế…
Qua khe hở của mảnh vải che trên khuôn mặt mình, bên mắt còn lại của tôi liếc thấy bác sĩ Hoàng Cừ đang chăm chú vào mắt tôi, nơi anh đang dùng đôi bàn tay khéo léo điều khiển thiết bị phẫu thuật chuẩn bị đặt thể thủy tinh mới và hoàn thiện những công đoạn cuối cùng trong khoảng vài phút.
Tôi hỏi: Sao khi trước em thấy anh đeo kính giờ phẫu thuật lại không?
Bác sĩ Hoàng Cừ nhoẻn cười và nói rằng: Chứng tỏ chú em quan sát rất kỹ. Anh thực hiện nhờ nhìn qua Sinh hiển vi phẫu thuật để tăng kích thước và độ sâu nhằm đạt đến sự chính xác tuyệt đối, do vậy không cần đến kính mắt thường.
Câu chuyện mới chỉ bắt đầu như vậy cũng đã kết thúc thời gian có mặt trong phòng mổ của tôi và anh.
Bác sĩ Hoàng Cừ hỏi lại: Chú em có thấy đau hay biểu hiện gì bất thường không? Anh xong rồi đấy, chú dậy và xuống phòng đi, các bác sĩ điều dưỡng sẽ hướng dẫn cụ thể phương án chăm sóc mắt sau phẫu thuật.
Tôi mạnh dạn đăng ký thay thể thủy tinh bên mắt phải ngay sau khi phẫu thuật xong bên mắt trái và thực hiện nghiêm túc các “quy trình bảo dưỡng” hậu phẫu với kỳ vọng về một đôi mắt sáng trong nay mai.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_585_51471251/7620394c0802e15cb813.jpg)
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_585_51471251/3ecd70a141efa8b1f1fe.jpg)
![Điều dưỡng viên thăm khám bằng hệ thống các máy móc thiết bị hiện đại cho người bệnh tại Khu Khám bệnh, Bệnh viện Mắt tỉnh Phú Thọ](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_585_51471251/e2b3b3df82916bcf3280.jpg)
Điều dưỡng viên thăm khám bằng hệ thống các máy móc thiết bị hiện đại cho người bệnh tại Khu Khám bệnh, Bệnh viện Mắt tỉnh Phú Thọ
Giàu hai con mắt
Tôi từng đọc được rằng: Người ta thiếu thứ gì - cho người ta thứ đó là hạnh phúc!
Và, cũng đã từng nghe đến “Giàu hai con mắt - khó đôi bàn tay” thử hỏi nếu thiếu đi đôi mắt hoặc không có đôi bàn tay để mà tự mình bươn trải với đời thì sẽ ra sao?
Dù chỉ trong khoảng thời gian không dài, khi biết trước sắp phải đối diện với phần còn lại của cuộc đời bằng sự thiếu thốn đôi mắt tôi thực sự cảm thấy trân quý biết mấy những “Chiến binh áo trắng” trên “Mặt trận y học” đương đại đang ngày đêm vì người bệnh mà cống hiến. Ai trong số họ tôi từng gặp cũng đã để lại ít nhiều dấu ấn khiến bản thân thêm phần nể trọng. Họ ưu tú ngay từ phương án tiếp cận, trao đổi, tư vấn và đặc biệt là sự chăm sóc và động viên kịp thời đến từng người bệnh.
Tôi nghĩ rằng mình sớm “trở nên giàu có” bởi nhờ đôi mắt đã giúp tôi nhận ra sự tử tế của những người đối diện, sự nhiệt huyết, bao dung của đồng loại và phía trước là hẳn một tương lai đủ dài rộng để thể hiện mình. Chắc chắn tôi sẽ giàu có bởi ngày càng gắn thiết hơn với những tình bạn lớn - họ chính là những “Chiến binh áo trắng”, theo đúng nghĩa: giàu vì bạn!
Cảm ơn các bác sĩ đã luôn thắp sáng lên niềm tin ở trong tôi!
Phú Thọ, ngày 12/2/2025