Lộ diện quái điểu Phúc Kiến, loài chim đầu tiên 'thoát xác' khủng long
Quái điểu 149 triệu tuổi Baminornis zhenghensis được phát hiện tại tỉnh Phúc Kiến - Trung Quốc đã lấp đầy khoảng trống tiến hóa của loài chim.
Theo Sci-News, các nhà cổ sinh vật học đã khai quật được hóa thạch của 2 loài quái điểu kỷ Jura tại một địa điểm ở huyện Trịnh Hòa, tỉnh Phúc Kiến, phía Đông Nam Trung Quốc.
Chúng đều có niên đại lên tới 149 triệu năm, là bằng chứng cho thấy nguồn gốc lâu đời của loài chim trong kỷ nguyên khủng long.
![Quái điểu Baminornis zhenghensis trong hình ảnh được phục dựng, các phần xương được đánh dấu là các hóa thạch được tìm thấy ở Phúc Kiến - Trung Quốc - Ảnh: Chuang Zhao](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_15_51475189/3ab52442160cff52a61d.jpg)
Quái điểu Baminornis zhenghensis trong hình ảnh được phục dựng, các phần xương được đánh dấu là các hóa thạch được tìm thấy ở Phúc Kiến - Trung Quốc - Ảnh: Chuang Zhao
Loài chim vẫn thường được các nhà khoa học gọi là "khủng long hiện đại", bởi chúng là dòng dõi tiến hóa trực tiếp từ khủng long. Một số nghiên cứu tiến hóa vĩ mô cho thấy sự đa dạng hóa sớm nhất của chúng có từ kỷ Jura.
Tuy nhiên, lịch sử tiến hóa sớm nhất của loài chim từ lâu đã bị che khuất bởi hồ sơ hóa thạch rất rời rạc, với Archaeopteryx dòng họ chim kỷ Jura duy nhất được giới khoa học thừa nhận rộng rãi
Mặc dù Archaeopteryx có đôi cánh lông vũ, nhưng nó vẫn còn giống với các loài khủng long không phải chim, đáng chú ý là do chiếc đuôi dài đặc trưng của loài bò sát, đặc điểm tương phản với hình thái đuôi ngắn của các loài chim hiện đại và chim kỷ Phấn Trắng.
Vì vậy, một số nghiên cứu gần đây cho rằng nghiêng về khủng long giống chim hơn là một loài chim hoàn chỉnh.
Nhưng theo GS Min Wang từ Viện Cổ sinh vật học động vật có xương sống và cổ nhân chủng học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, hóa thạch các loài chim vừa được khai quật ở Phúc Kiến có thể đem lại bước ngoặt mới cho các nghiên cứu về lịch sử loài chim.
Không chỉ cổ xưa, một trong 2 loài vừa được phát hiện là loài chim đuôi ngắn đầu tiên được biết đến, theo bài công bố trên tạp chí Nature.
Nó được đặt danh pháp là Baminornis zhenghensis, sở hữu chiếc đuôi ngắn kết thúc bằng một xương kép gọi là pygostyle, một đặc điểm cũng được quan sát thấy ở các loài chim hiện đại.
Trước đây, bằng chứng cổ xưa nhất về loài chim đuôi ngắn là từ đầu kỷ Phấn Trắng.
Vì vậy có thể nói quái điểu Phúc Kiến Baminornis zhenghensis là loài chim đầu tiên thực sự "thoát xác" khủng long từng được tìm thấy trên thế giới.
Nó cũng đẩy lùi mốc tiến hóa quan trọng này thêm 20 triệu năm so với các bằng chứng trước đây.
Loài chim thứ hai chưa được đặt tên và phần hóa thạch được tìm thấy khá ít ỏi, chỉ gồm một xương đòn.
Các nhà khoa học Trung Quốc cho rằng nó có thể thuộc nhóm Ornithuromorpha, một dòng họ chim đa dạng vào kỷ Phấn Trắng.