VOBF 2025: Doanh nghiệp thương mại điện tử còn hạn chế trong tiếp cận AI
Chuyên gia tại Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam (VOBF 2025) cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp thương mại điện tử còn hạn chế với AI, nhưng phần lớn do việc tiếp cận với AI chưa đầy đủ, hoặc một phần các công cụ và ứng dụng AI chưa đáp ứng được hết các yêu cầu cụ thể.
Với chủ đề “Chiến thắng trong kỷ nguyên AI”, Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam (VOBF 2025) do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức ngày 25/4 tại Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương). Đây là sự kiện thường niên đã trở tâm điểm chú ý của cộng đồng thương mại điện tử (TMĐT) hàng năm.
Theo VECOM, đặt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là yếu tố then chốt, giúp DN TMĐT Việt Nam bứt phá, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và thích ứng linh hoạt với thị trường. Với sự hỗ trợ của các đơn vị cung cấp giải pháp AI, nhiều DN TMĐT đã và đang đẩy mạnh việc ứng dụng AI vào kinh doanh, mang lại những hiệu quả tích cực.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM)
Thừa nhận những thế mạnh của AI, song theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch VECOM, thực tế hiện nay việc DN ứng dụng AI vào TMĐT vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Có nhiều nguyên nhân nhưng phần lớn do các DN tiếp cận với AI chưa đầy đủ, hoặc một phần các công cụ và ứng dụng AI chưa đáp ứng được hết các yêu cầu cụ thể của DN.
“VOBF 2025 với chủ đề “Chiến thắng trong kỷ nguyên AI” sẽ là nơi kết nối các bên trong hệ sinh thái TMĐT, từ đại diện cơ quan quản lý, tổ chức nghiên cứu, nền tảng công nghệ, DN lớn đến startup đổi mới sáng tạo. Các bên sẽ cùng thảo luận về những xu hướng công nghệ chủ đạo, cập nhật chính sách liên quan, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và tìm kiếm lời giải cho các bài toán trong ứng dụng AI một cách hiệu quả, phù hợp với điều kiện thị trường Việt Nam”, ông Dũng tin tưởng.
Các tham luận tại Diễn đàn VOBF 2025 hôm nay đã tập trung bàn về một số chủ đề “nóng” và đang nhận được nhiều sự quan tâm, như hành vi người tiêu dùng trên môi trường số của đại diện NielsenIQ Việt Nam; AI trong quản trị, vận hành DN và triển khai tiếp thị trực tuyến của đại diện Google Cloud Vietnam. Amazon Global Selling Việt Nam nêu tâm điểm chú ý về tiềm năng thị trường xuất khẩu trực tuyến trên toàn cầu…từ đó mang đến những góc nhìn thực tế và cập nhật nhất cho DN trong hành trình chinh phục kỷ nguyên AI.

Các diễn giả tham gia thảo luận tại VOBF 2025
Khẳng định việc sử dụng AI đang có tác động lớn trong hoạt động mua sắm, chi tiêu trong TMĐT, bà Lê Minh Trang, Quản lý cấp cao của Công ty TNHH NielsenIQ Việt Nam thông tin, AI ngày càng giúp rút ngắn khoảng cách giữa các nhà phân phối với người tiêu dùng. Không thể coi nhẹ vai trò của AI trong vai trò là trợ thủ đắc lực, giúp các tổ chức, DN TMĐT dễ dàng hơn với quá trình tiếp cận người dùng một cách hiệu quả, từ đó giúp tăng doanh số bán hàng. Đặc biệt, AI sáng tạo ngày nay đang tác động rất lớn tới quyết định tìm kiếm, mua sắm sản phẩm, dịch vụ phù hợp giúp người tiêu dùng trở nên thông thái.
“Hành vi của người tiêu dùng đang có xu hướng thay đổi rất nhanh, dự kiến sẽ có sức ép lớn đến sự phát triển của TMĐT. Chính vì vậy, các DN cần nhanh chóng cập nhật những xu hướng mới này để trang bị “trợ lý ảo” AI một cách thuần thục, nhằm bắt kịp xu thế và không bị tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh”, bà Trang khuyến cáo.
Kết quả khảo sát năm 2024 của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy, quy mô thị trường TMĐT của Việt Nam đạt khoảng 22 tỷ USD, tăng trưởng hơn 25%, và tỷ trọng TMĐT chiếm trên 9% tổng doanh thu bán lẻ.

Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương)
Tuy nhiên theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, TMĐT của Việt Nam đang đứng trước những bối cảnh mới, đầy khó khăn và thách thức hơn khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chững lại, sức ép lạm phát và rủi ro địa chính trị gia tăng. Đặc biệt, những thay đổi khó lường trong chính sách thương mại của các nước lớn, đang đặt ra nhiều vấn đề đối với định hướng phát triển và đóng góp của TMĐT đối với nền kinh tế.
“Chủ đề “Chiến thắng trong kỷ nguyên AI” của VOBF 2025 mang tính thời sự, khi thế giới đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là công nghệ AI. Công nghệ AI giúp DN tiết kiệm thời gian, chi phí và tăng hiệu quả gấp nhiều lần, từ cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, tự động hóa vận hành, hỗ trợ chăm sóc khách hàng, phân tích dữ liệu tiêu dùng, đến dự báo xu hướng thị trường…”, bà Việt Anh khẳng định.
VOBF 2025 được tổ chức với quy mô mở rộng và nội dung chuyên sâu, thu hút sự quan tâm của cộng đồng DN trong và ngoài lĩnh vực TMĐT. Các đơn vị đồng hành chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, giải pháp công nghệ và góc nhìn đa chiều về chuyển đổi số trong DN. Sự hiện diện và đóng góp của các đơn vị đồng hành, tiếp tục khẳng định vai trò kết nối của VOBF trong hệ sinh thái thương mại điện tử và kinh tế số tại Việt Nam.