Liều thuốc cho hòa đàm Ukraine khi Nga và Mỹ cùng thể hiện thiện chí
Các quan chức cấp cao Mỹ và Nga dự kiến sẽ gặp lại nhau vào tuần này, để tiếp tục giải quyết cuộc xung đột Ukraine. Trước vòng đàm phán mới, có nhiều yếu tố tích cực nhằm tạo động lực cho đối thoại từ cả hai phía.
Trở về sau chuyến làm việc tại Mỹ, Đặc phái viên Nga Kirill Dmitriev cho biết các cuộc tiếp xúc tiếp theo giữa Nga và Mỹ sẽ diễn ra ngay trong tuần này.
Cuộc gặp này được giới quan sát kỳ vọng sẽ có chuyển biến tích cực, sau khi hai bên đã có những bước đi thể hiện thiện chí. Hôm qua, Cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Mỹ, ông Kevin Hassett lý giải việc nước này không áp thuế bổ sung với Nga, trong bối cảnh có một danh sách dài các nước bị áp thuế. Ông Hassett cho biết, việc áp thuế với Nga lúc này sẽ là “không khôn ngoan” và Mỹ không muốn phức tạp thêm các vấn đề và đặt thêm gánh nặng mới lên bàn đàm phán hòa bình Ukraine.

Đặc phái viên Nga Kirill Dmitriev. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, phía Nga cũng lần đầu đề cập việc có thể chấp nhận một số đảm bảo an ninh cho Ukraine trong một thỏa thuận hòa bình tiềm năng. Đặc phái viên Nga Kirill Dmitriev cho biết: “Tôi nghĩ rằng việc Ukraine gia nhập NATO, như Tổng thống Vladimir Putin đã nói, là hoàn toàn không thể. Tôi nghĩ rằng vấn đề này đã được chấp nhận rộng rãi, bao gồm cả chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bạn biết đấy, một số đảm bảo an ninh dưới một hình thức nào đó có thể được chấp nhận”.
Tuyên bố của ông Kirill Dmitriev ngay lập tức gây chú ý, bởi từ trước đến nay, Nga chưa đề cập đến vấn đề này. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vẫn luôn “kiên quyết” phản đối mọi lực lượng quân đội nước ngoài nào tới Ukraine, dưới bất kỳ vỏ bọc nào, tuyên bố sẽ coi đó là lực lượng tham chiến.
Hôm qua (6/4), tại thủ đô Kiev, lãnh đạo quân đội Ukraine và Pháp, Anh đã thảo luận các vấn đề liên quan đến sự hiện diện của lực lượng quân sự phương Tây ở trên bộ và trên biển, cũng như lực lượng phòng không ở Ukraine. Tổng Tham mưu trưởng quân đội Anh - Đô đốc Sir Tony Radakin xác nhận các bên đã xem xét lại cơ cấu, quy mô và thành phần của bất kỳ lực lượng gìn giữ hòa bình tương lai nào ở Ukraine.
Phía Ukraine hiện cũng rất quan tâm đến cuộc gặp Nga – Mỹ tới đây, bởi theo Tổng thống Ukraine, Mỹ vẫn chưa có phản hồi sau khi Nga từ chối đề xuất ngừng bắn vô điều kiện.
Không chỉ dừng lại ở đó, cuộc gặp Nga - Mỹ diễn ra trong bối cảnh Nga và Ukraine liên tục cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn vào cơ sở hạ tầng năng lượng. Ngoài ra, những chuyển biến trên chiến trường Ukraine được dự báo sẽ có những tác động đến bàn đàm phán.
Hôm qua, quân đội Nga tuyên bố giành lại được nhiều khu vực tại vùng Kursk của Nga. Theo bản đồ chiến sự, Ukraine chỉ còn kiểm soát 63 km2, thay vì 1.400km như Ukraine tuyên bố năm ngoái. Không những vậy, quân đội Nga cũng thông báo đã tiến sang làng Basivka, thuộc vùng Summy của Ukraine giáp ranh Kursk. Điều này báo hiệu tương lai không xa Nga giải phóng hoàn toàn được Kursk - vùng lãnh thổ Nga bị quân Ukraine xâm nhập từ năm ngoái - từng được Ukraine coi là một quân bài đàm phán quan trọng.