Iran chờ đợi phản ứng của Mỹ về các cuộc đàm phán gián tiếp
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmaeil Baqaei, Iran vẫn chưa nhận được phản hồi từ Mỹ liên quan đến đề xuất đàm phán gián tiếp của nước này - News.az trích dẫn phương tiện truyền thông Iran ngày 7-4 cho biết.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (giữa) gặp Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ryabkov Sergey Alexeevich (trái) và Thứ trưởng Ngoại giao Iran Kazem Gharibabadi tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 14-3. Ảnh: Tân Hoa xã
Phát biểu tại một cuộc họp báo sáng 7-4, ông Esmaeil Baqaei nhận định, đề xuất đàm phán gián tiếp với Washington của Tehran là một lời đề nghị "hào phóng" và "khôn ngoan".
“Phản hồi của Iran đã được gửi đến Mỹ và chúng tôi đang chờ quyết định của Washington về vấn đề này”, ông nói: “Cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi từ Mỹ về các cuộc đàm phán gián tiếp”.
Ngày 7-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi một lá thư cho Iran kêu gọi đàm phán hạt nhân. Tehran đã phản hồi lá thư vào cuối tháng 3, cho biết Tehran từ chối đàm phán trực tiếp với Washington vì cách tiếp cận mâu thuẫn và thù địch của nước này, nhưng vẫn để ngỏ khả năng đàm phán gián tiếp. Ông Esmaeil Baqaei cho biết, nếu sự tương tác như vậy diễn ra, Oman sẽ là nước trung gian.
Cùng ngày, ông Esmaeil Baqaei tuyên bố, Iran, Nga và Trung Quốc sẽ tổ chức một cuộc họp ba bên khác về các vấn đề liên quan đến hạt nhân.
"Chúng tôi sẽ sớm có cuộc họp cấp thứ trưởng với các quan chức chính sách đối ngoại mới của Liên minh châu Âu (EU). Hôm nay và ngày mai, chúng tôi sẽ có một cuộc họp ba bên khác tại Mátxcơva, nơi Trung Quốc, Nga và Iran sẽ thảo luận về nhiều khía cạnh liên quan đến vấn đề hạt nhân, thỏa thuận JCPOA và Nghị quyết 2231", ông Esmaeil Baqaei nói.
Trước đó, ngày 14-3, các nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc, Iran và Nga đã kết thúc cuộc họp tại Bắc Kinh với việc ra tuyên bố chung về các vấn đề hạt nhân và nhấn mạnh sự cần thiết phải chấm dứt mọi biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp.
Thỏa thuận JCPOA được ký kết vào năm 2015 giữa Iran và 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018. Kể từ tháng 4-2021, Nga, Anh, Đức, Trung Quốc, Mỹ và Pháp đã đàm phán với Iran để khôi phục thỏa thuận.
Các cuộc đàm phán nhằm cứu vãn JCPOA đã bắt đầu tại thủ đô Vienna của Áo, với mục đích xem xét mức độ nghiêm túc của Washington trong việc tái gia nhập thỏa thuận và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Iran.
Dù vậy, các cuộc đàm phán đã bị đình trệ do Washington kiên quyết giữ lập trường cứng rắn không dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt đã áp đặt lên Cộng hòa Hồi giáo. Iran cho rằng, phía bên kia cần đưa ra một số đảm bảo rằng họ sẽ tiếp tục cam kết với bất kỳ thỏa thuận nào đạt được.
Theo News.az