Cắt lát Bộ Tứ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Bộ Tứ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (gồm Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand - IP4) là các đối tác khu vực của NATO cũng như các đồng minh chính thức của Mỹ, trong đó mỗi nước đều có những ưu tiên và mối quan tâm cụ thể.

Australia có thể là đồng minh kiên định nhất của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Canberra sở hữu năng lực quân sự hạng 2 nhưng đáng chú ý, chi tiêu quân sự lớn và kinh nghiệm viễn chinh đáng kể. Nước này đã hợp tác với NATO ở Trung Đông, Ấn Độ Dương và là “Đối tác cơ hội nâng cao (EOP)” của NATO. Do đó, có thể thấy trước sự hợp tác rộng lớn hơn giữa Australia và NATO ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mặc dù điều này còn cần sự chấp thuận của Mỹ và sẽ tuân theo cách tiếp cận của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cuộc tập trận PASSEX ngày càng thu hút các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Cuộc tập trận PASSEX ngày càng thu hút các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Nhật Bản là một bên tham gia kiên định khác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và là quốc gia khai sinh ra khái niệm hiện đại của “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Tokyo nhận thức rõ về các mối đe dọa, bởi vùng đặc quyền kinh tế của nước này giáp với cả Trung Quốc và Nga, nên đã liên kết hoàn toàn với Washington. Bất chấp những hạn chế về mặt hiến pháp và ngân sách quốc gia, năng lực quân sự của Nhật Bản rất đáng nể, mặc dù việc triển khai của nước này về mặt truyền thống là ở mức tối thiểu. Nhật Bản chủ yếu hỗ trợ NATO thông qua các phương tiện tài chính, nhưng các quan hệ đối tác mới được thiết lập gần đây cho thấy nhiều không gian cho sự hợp tác tương lai. Giống như Australia, bất cứ sự phát triển lớn nào theo định hướng NATO đều phải tuân theo sự chấp thuận của Mỹ.

Hàn Quốc là thành phần mới hơn của mối liên kết Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chủ yếu là bởi sự chia rẽ lớn giữa 2 lĩnh vực hợp tác của nước này về an ninh và thương mại, giữa một bên là với Mỹ (đồng minh hiệp ước với khoảng 30.000 quân đồn trú) và bên khác là Trung Quốc (với thương mại song phương trị giá hơn 300 tỷ USD mỗi năm). Tuy nhiên, Hàn Quốc đang liên kết rõ ràng hơn với Mỹ và mặc dù đóng góp của nước này cho các hoạt động của NATO không nổi bật bằng Australia, song vị thế của Seoul với tư cách là một bên tham gia quốc phòng lớn có thể thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn với NATO trong khu vực. Một lần nữa, cam kết liên tục của Mỹ vẫn sẽ là điều kiện tiên quyết trong trường hợp này.

Cuối cùng, New Zealand được cho là “kẻ lạc lõng” trong khuôn khổ IP4 do mức độ nhận thức về mối đe dọa thấp, tập trung vào an ninh phi truyền thống, chính sách phi hạt nhân trong vùng biển của mình, do đó có mối quan hệ với Mỹ ở mức “ôn hòa” hơn và sở hữu những năng lực vật chất cũng thấp hơn. Tuy nhiên, Wellington gần đây đã tham gia các cuộc tập trận PASSEX, yểm trợ cho NATO ở Balkan, Afghanistan, Ấn Độ Dương và đang tập trung vào công nghệ, xây dựng năng lực quân sự. Do đó, có thể hình dung ra nhiều sự hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực cụ thể này, trong phạm vi “an ninh thấp”.

IP4 thể hiện các mức độ hợp tác khác nhau giữa Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với NATO. Mặc dù có chung điểm hội tụ về mức độ tham gia lớn hơn nhưng theo truyền thống, một sự hợp tác mạnh mẽ hơn luôn đòi hỏi sự chấp thuận của Mỹ và đây là điều kiện sẽ ít đơn giản hơn so với trước đây.

Mặc dù mới được chú ý thúc đẩy, mức độ tương tác của châu Âu với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang tiến triển mạnh mẽ. Những tác động lan tỏa của các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã thúc đẩy sự công nhận đối với tầm quan trọng của khu vực. Với sự liên kết chặt chẽ với Mỹ, “4 nước lớn” (Pháp, Anh, Đức và Italy) sở hữu năng lực mạnh mẽ về quân sự (các lực lượng hải quân) và kinh nghiệm viễn chinh. Sự phát triển này hứa hẹn nhiều sự hội tụ giữa châu Âu và NATO trong khu vực, khi xem xét cả mức độ hợp tác hiện có ở Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải.

Với lợi thế sở hữu nhiều lãnh thổ hải ngoại, cư dân và các căn cứ quân sự trong khu vực, sự kết hợp hiệu quả giữa quyền lực cứng và quyền lực mềm, Pháp đi đầu trong cách tiếp cận của châu Âu đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Vương quốc Anh, một cường quốc châu Âu khác, cũng có sự tham gia mang tính hệ thống vào khu vực trong thời gian gần đây, theo một chiến lược cân bằng truyền thống hơn. Đức và Hà Lan, 2 quốc gia thương mại lớn, có xu hướng tương tác với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương theo cách “trung lập” hơn, với việc Đức cố gắng hạn chế sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc. Italy là một trường hợp đặc biệt bởi sự tham gia trên các khía cạnh kinh tế, chuẩn mực và an ninh (bao gồm các đợt triển khai lực lượng và ngoại giao hải quân lớn) của nước này trong khu vực vừa đáng kể, vừa xuất phát từ những động lực sâu xa (không gian lợi ích “Địa Trung Hải mở rộng” của Italy chồng lấn với phần phía Tây của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương), mặc dù Rome chưa có chiến lược chính thức cho khu vực này.

EU cũng đã công khai thừa nhận sự cần thiết xoay trục sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và đang theo đuổi bằng các công cụ chính sách riêng. Các nước châu Âu khác, hầu hết đều là thành viên NATO, cũng đang dần tái tập trung ở khu vực này. Tuy nhiên, rạn nứt ngày càng nghiêm trọng với Mỹ, đồng minh lớn nhất của châu Âu, đánh dấu một sự thay đổi lớn trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Mặc dù đây có thể không phải là một bước ngoặt lâu dài trong chính sách đối ngoại của Mỹ, nhưng sự bất ổn của Washington đang thúc đẩy châu Âu hành động hiệu quả và nhanh chóng hơn.

Huy Thông

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/cat-lat-bo-tu-an-do-duong-thai-binh-duong-i764334/
Zalo