Liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh
Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) gồm 7 Chương, 52 Điều (giảm 35 Điều so với Luật hiện hành); sửa đổi, bổ sung quy định về liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra tại phiên họp.
Tại phiên họp sáng nay - 7/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức hiện hành để thực hiện chủ trương của Đảng về tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, gắn với yêu cầu tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, tập trung quản lý phát triển để đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới.
Dự thảo Luật sửa đổi gồm 7 Chương, 52 Điều (giảm 35 Điều so với Luật hiện hành). Cụ thể, sửa đổi, bổ sung quy định về liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã.
Sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế quản lý và sử dụng cán bộ, công chức theo hướng minh bạch, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu cải cách nền hành chính.
Đồng thời, tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng về công vụ và cán bộ, công chức.

Quang cảnh phiên họp.
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Cán bộ, công chức với các lý do được nêu tại Tờ trình của Chính phủ.
Ủy ban cũng tán thành việc sửa đổi các quy định để liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã; đồng thời nhận thấy việc liên thông tại thời điểm hiện nay đã đủ độ chín và là yêu cầu cấp thiết để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cơ bản tán thành việc tiếp tục quy định nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là “kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế”, đồng thời hoàn thiện quy định về vị trí việc làm và ngạch công chức làm căn cứ tiếp tục đổi mới công tác quản lý cán bộ, công chức; sửa đổi các quy định về đánh giá công chức để có cơ chế sàng lọc trên cơ sở kết quả, sản phẩm cụ thể và xử lý đối với các trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ.
Cùng với đó, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cơ bản thống nhất với quy định của dự thảo Luật về một số nội dung mang tính nguyên tắc về chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ và giao Chính phủ quy định khung chính sách; nhất trí việc bỏ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức để thực hiện chủ trương mới của Đảng tại Kết luận số 121-KL/TW.
Theo ông Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cơ bản tán thành quy định của dự thảo Luật về đánh giá công chức theo hướng nhấn mạnh việc đánh giá theo kết quả, sản phẩm cụ thể theo từng vị trí việc làm; kết quả đánh giá là cơ sở để thực hiện chế độ, chính sách và để sàng lọc, bố trí vào vị trí việc làm phù hợp hoặc cho thôi việc đối với những công chức không đạt yêu cầu của vị trí việc làm.
Các quy định này của dự thảo Luật đã thể chế hóa tinh thần tại Kết luận số 121-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đồng thời góp phần khắc phục hạn chế trong công tác đánh giá cán bộ, công chức thời gian qua.