Liên kết sản xuất nông nghiệp giúp người dân tộc thiểu số thoát nghèo

Thời gian qua, các mô hình kinh tế liên kết sản xuất trên địa bàn huyện Kim Bôi đã tạo việc làm, giúp nhiều hộ người dân tộc thiểu số thoát nghèo.

Anh Sơn (bên trái), Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Kim Bôi, đang phân loại sản phẩm dưa chuột Nhật trước khi giao hàng cho thương lái.

Anh Sơn (bên trái), Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Kim Bôi, đang phân loại sản phẩm dưa chuột Nhật trước khi giao hàng cho thương lái.

Nhân rộng các mô hình kinh tế...

Huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhiều nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn. Những năm qua, bằng nguồn vốn từ các chương trình, dự án của Chính phủ và tỉnh; huyện Kim Bôi đã hỗ trợ và hướng dẫn người dân tộc thiểu số miền núi xây dựng thành công nhiều mô hình kinh tế, liên kết phát triển sản xuất, mở ra hướng sinh kế bền vững cho bà con trên địa bàn. Từ đó, nâng cao đời sống người dân tộc thiểu số, củng cố sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Một trong số đó, có thể kể đến mô hình trồng dưa chuột Nhật của anh Bùi Thanh Sơn (SN 1985), người Mường. Hiện anh Sơn đang là Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Kim Bôi ở xã Đú Sáng. Tận dụng tiềm năng phát triển các sản phẩm từ nông nghiệp sẵn có của địa phương, cùng sự hỗ trợ của chính quyền, anh Sơn đã nghiên cứu, trồng thành công dưa chuột Nhật. Qua đó, tạo việc làm cho hàng trăm lao động.

Anh Sơn cho biết: "Năm 2017, sau nhiều lần thất bại, đúc rút kinh nghiệm từ việc trồng dưa chuột Nhật, tôi quyết định thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Kim Bôi. Hợp tác xã có 7 thành viên, tập trung vào trồng các loại cây nông sản ngắn ngày như: Dưa, bầu, bí, ớt…, cung cấp nguyên liệu cho các Công ty chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đưa sản phẩm vào thị trường trong nước cũng như xuất khẩu ra nước ngoài".

Các thành viên trong Hợp tác xã Nông nghiệp xanh xã Kim Bôi đang chăm sóc vườn bí.

Các thành viên trong Hợp tác xã Nông nghiệp xanh xã Kim Bôi đang chăm sóc vườn bí.

Theo anh Sơn, đến nay hợp tác xã của anh đã tăng lên 28 thành viên. Ngoài ra, anh còn liên kết với các tỉnh như: Tuyên Quang, Phú Thọ, Thanh Hóa, Ninh Bình, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Doanh thu của hợp tác xã đạt khoảng 3 tỷ đồng/năm; trừ chi phí, lãi khoảng 500 - 600 triệu đồng. Từ khi Hợp tác xã đi vào hoạt động, bà con người Mường yên tâm về đầu ra cho sản phẩm, thu nhập của bà con đạt khoảng 5 - 7 triệu đồng/tháng.

Tương tự, năm 2016, được sự động viên của chính quyền địa phương, Hội Nông dân huyện Kim Bôi, ông Bùi Văn Vinh (67 tuổi, trú tại xã Hùng Sơn) đã xây dựng thành công mô hình kinh tế vườn – ao – chuồng (VAC), giúp gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định cuộc sống và thoát nghèo.

“Tôi đã xây dựng mô hình kinh tế VAC khoảng 3ha. Ngoài trồng các loại cây ăn quả như: Nhãn, cam, bưởi… tôi còn đào ao thả cá, kết hợp nuôi 40 con lợn nái và 300 con lợn thịt. Mỗi năm, trừ tất cả chi phí, gia đình tôi thu về khoảng 200 – 300 triệu đồng. Có được cơ ngơi, đưa gia đình thoát nghèo như ngày hôm nay, tôi cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp chính quyền”, ông Vinh nói.

Tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân tộc thiểu số

Ông Bùi Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết: Thời gian qua, để hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao nguồn thu nhập, huyện đã phát huy vai trò nòng cốt, tuyên truyền, vận động người dân; nhất là đối với bà con vùng sâu, vùng xa thực hiện các mô hình nông nghiệp hữu cơ. Vận động bà con ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi.

Các mô hình kinh tế liên kết sản xuất trên địa bàn huyện Kim Bôi đã tạo việc làm, giúp người dân tộc thiểu số có thu nhập và thoát nghèo.

Các mô hình kinh tế liên kết sản xuất trên địa bàn huyện Kim Bôi đã tạo việc làm, giúp người dân tộc thiểu số có thu nhập và thoát nghèo.

"Huyện đã tăng cường các hoạt động đồng hành, hỗ trợ người dân tộc thiểu số trong việc phát triển chăn nuôi, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, cung cấp sản phẩm rau củ quả, cây ăn quả có múi theo quy trình VietGAP. Cùng với đó, phối hợp với các Hợp tác xã, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Qua đó, tạo chuỗi liên kết sản xuất, xây dựng các sản phẩm OCOP... góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân', ông Bùi Văn Hòa nói.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Kim Bôi có 30 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 17 trang trại chăn nuôi. Những năm qua, để giúp đỡ bà con dân tộc thiểu số phát triển kinh tế bền vững và thoát nghèo, UBND huyện, Hội Nông dân huyện đã tổ chức hàng chục lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 2.000 học viên. Cùng với đó, trên 1.000 lao động địa phương được giải quyết việc làm; Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải quyết cho vay 179 dự án trong toàn huyện.

Nhiều mô hình kinh tế, Hợp tác xã hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho các thành viên, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Hà Hoàng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lien-ket-san-xuat-nong-nghiep-giup-nguoi-dan-toc-thieu-so-thoat-ngheo-post686931.html
Zalo