Liên kết sản xuất lúa hình thành những 'cánh đồng vàng' ở Phú Yên

Với việc tập trung đầu tư vào các khâu giống, ứng dụng công nghệ và xây dựng liên kết chuỗi giá trị, trên địa bàn tỉnh Phú Yên ngày càng xuất hiện nhiều điểm sáng về sản xuất lúa. Trong đó, 145 HTX nông nghiệp được đánh giá là mắt xích vững chắc trong chuỗi giá trị sản xuất lúa ở các địa phương, nâng cao thu nhập cho các thành viên và hộ dân liên kết, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh.

Thời gian qua, trong quá trình quản lý sản xuất, các HTX từng bước nâng cao giá trị hạt lúa bằng cách xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ số vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Thành công của các HTX góp phần đưa Phú Yên trở thành vựa lúa của miền Trung, mỗi năm canh tác 55.000ha lúa 2 vụ, tổng sản lượng khoảng 340.000 tấn

Bắt đầu từ “nhất giống”…

Năm 2010, thực hiện chương trình sản xuất lúa giống của tỉnh, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa) đã phục tráng các nguồn giống phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, tạo ra các giống lúa nguyên chủng, siêu nguyên chủng. Khoảng 2 năm sau, sản phẩm lúa giống HQ ra đời gắn với logo HTX Hòa Quang Nam được công nhận và Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu độc quyền.

Sử dụng giống chuẩn được xác nhận giúp tăng năng suất lúa, nâng cao thu nhập của nông dân và thành viên HTX.

Sử dụng giống chuẩn được xác nhận giúp tăng năng suất lúa, nâng cao thu nhập của nông dân và thành viên HTX.

HTX Hòa Quang Nam là HTX nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Phú Yên tiến hành xây dựng thương hiệu lúa giống. Và nhờ có thương hiệu, HTX đã tiêu thụ được từ 35-40 tấn lúa giống xác nhận cấp 1.

“Cái được lớn nhất của việc sản xuất lúa giống tại các HTX là tạo đà đẩy mạnh phong trào giống nông hộ trong thành viên. Từ đây, bà con thay đổi thói quen sử dụng lúa thịt làm giống. Trên cánh đồng không còn giống lẫn tạp sẽ tạo điều kiện cho công tác phòng trừ dịch hại, duy trì ổn định sản xuất trên diện rộng”, đại diện HTX chia sẻ.

HTX nông nghiệp An Nghiệp (huyện Tuy An) cũng là một điển hình trong việc hướng dẫn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa và hiệu quả kinh tế; góp phần tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, việc thực hiện mô hình giảm lượng giống gieo sạ và mô hình sản xuất lúa giống chất lượng cao đã đem lại lợi nhuận cao cho người trồng lúa.

Giám đốc HTX An Nghiệp Trần Tấn Khoa cho biết, tổng diện tích đất canh tác của HTX chỉ 470ha, trong đó diện tích sản xuất hai vụ lúa có 243ha. Năm 2005, HTX được chọn tham gia dự án sản xuất lúa giống nông hộ do Sở NN&PTNT Phú Yên làm chủ đầu tư. Dự án đã đào tạo được 5 lớp, mỗi lớp 30 học viên nông dân trực tiếp tham gia sản xuất lúa. Đây là nguồn nhân lực cơ bản ban đầu để HTX tổ chức sản xuất lúa giống, trước mắt là cung cấp lúa giống cho nhu cầu ở địa phương.

Từ 2ha ban đầu, đến nay, mỗi vụ HTX An Nghiệp sản xuất 30ha lúa giống theo hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ngay từ đầu vụ với các doanh nghiệp, sản lượng lúa giống tiêu thụ hằng năm từ 350-400 tấn. Kết quả sản xuất lúa giống có những ưu điểm vượt trội như giảm chi phí đầu tư 20%, năng suất tăng 10%, nên nông dân yên tâm sản xuất.

Hiện nay, thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), HTX An Nghiệp chọn sản phẩm là gạo chất lượng cao, hướng tới gạo sạch chất lượng cao, được người tiêu dùng chấp nhận…

…Đến áp dụng cơ giới hóa và công nghệ số

HTX Nông nghiệp An Nghiệp cũng là một trong những HTX đầu tiên của tỉnh đưa máy sấy lúa vào vận hành. Từ năm 2019 đến nay, máy sấy vẫn hoạt động tốt với công suất từ 15-35 tấn/mẻ, giúp bà con không còn lo thời tiết mưa nắng bất thường mỗi vụ thu hoạch.

Phú Yên đẩy mạnh các giải pháp giảm giá thành sản xuất lúa gạo nhờ áp dụng cơ giới hóa và khoa học công nghệ, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm.

Phú Yên đẩy mạnh các giải pháp giảm giá thành sản xuất lúa gạo nhờ áp dụng cơ giới hóa và khoa học công nghệ, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm.

Học tập HTX An Nghiệp, nhiều HTX trên địa bàn Phú Yên đã đầu tư máy sấy, giải phóng sức lao động và ổn định sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong (huyện Tây Hòa) cho biết, HTX đầu tư mua sắm máy sấy điện với công suất từ 5-8 tấn lúa/ca. Máy được vận hành bằng công nghệ thông minh 4.0: tự ngắt khi đủ độ ẩm, độ nóng. Hiện nay, với diễn biến thời tiết bất thường, lúa sau thu hoạch nếu chỉ chờ phơi nắng thì độ ẩm vẫn còn, khiến hạt gạo bị kém chất lượng. Việc đưa máy sấy vào hoạt động sẽ đáp ứng nhu cầu của bà con, giúp người dân có thể trữ lúa lâu dài chờ thời điểm xuất bán, không bị ép giá.

Trong khi đó, không chỉ áp dụng các kỹ thuật sản xuất như sạ hàng sạ thưa, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”…, HTX Nông nghiệp dịch vụ Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa) còn triển khai thí điểm mô hình sử dụng đất và phân bón hợp lý cho cây lúa bằng công nghệ số. Giám đốc Lê Văn Định thông tin: “Cơ sở dữ liệu về đất nông nghiệp sẽ được số hóa thành phần mềm. Thành viên HTX chỉ cần sử dụng điện thoại và tải phần mềm là sẽ nắm được toàn bộ thông tin về đất gắn với từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây lúa và từng khâu làm đất, xuống giống, làm đòng… Ở mỗi giai đoạn, phần mềm sẽ khuyến cáo về lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp để cây phát triển tốt nhất cũng như cảnh báo nguy cơ xảy ra dịch bệnh để xử lý ngay từ khi phát hiện…”.

Hiện, trên cánh đồng của nhiều HTX sản xuất lúa, khâu làm đất được thực hiện bằng máy cày đất, sạ lúa bằng máy gieo giống, phun thuốc bằng máy bay không người lái, thu hoạch bằng máy gặt, rơm cũng được cuộn tự động bằng máy. Lúa sau thu hoạch được chở về HTX sấy khô và đóng bao tự động… Tất cả khâu sản xuất đang được các HTX thực hiện bằng cơ giới hóa với tỷ lệ bình quân đạt trên 90%.

Ngành nông nghiệp Phú Yên đã xúc tiến, đẩy nhanh việc dồn điền đổi thửa để tăng quy mô sản xuất/hộ. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh hướng dẫn đẩy mạnh các giải pháp giảm giá thành sản xuất lúa gạo như áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh trong sản xuất lúa như IPM, ICM, “3 giảm, 3 tăng”; nâng cao tỷ lệ sử dụng lúa xác nhận, giảm mật độ gieo sạ, bón phân cân đối, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, đặc biệt là ứng dụng máy bay không người lái vào các khâu gieo sạ, bón phân, phun thuốc bảo vệ...

Đặc biệt, Phú Yên đã thực hiện các chính sách như khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn theo nghị định của Chính phủ và nghị quyết của HĐND tỉnh nhằm mở rộng quy mô sản xuất lúa thông qua đẩy mạnh tích tụ ruộng đất.

Đề người trồng lúa “sống được” bằng nghề

Hiện nay, tỉnh Phú Yên đang tập trung các giải pháp thúc đẩy sản xuất lúa gạo chất lượng, đáp ứng thị trường xuất khẩu, giúp người trồng lúa có lợi nhuận cao hơn. Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh công tác hỗ trợ các mô hình sản xuất điểm, áp dụng tiến bộ công nghệ mới, sản xuất xanh, đào tạo tập huấn và hỗ trợ nông dân, HTX về xúc tiến thương mại.

Mới đây, Liên minh HTX tỉnh Phú Yên đã hoàn thành khóa đào tạo kỹ năng xúc tiến thương mại cho các HTX trong tỉnh. Tại đây, các HTX được hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, kỹ năng xây dựng thông điệp marketing và mạng lưới bán hàng, các phương pháp quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin, mạng xã hội. Các HTX cũng được hướng dẫn các công cụ thu thập thông tin nhu cầu thị trường, định vị thương hiệu sản phẩm và xây dựng chiến lược kênh phân phối, chiến lược giá… Đây là một trong những hoạt động của Kế hoạch xúc tiến thương mại năm 2025 mà Liên minh HTX tỉnh đang triển khai cho các HTX.

Giám đốc HTX Nông nghiệp An Nghiệp Trần Tấn Khoa cho biết, việc tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại giúp thành viên HTX nâng cao hiểu biết. Nhớ lại những ngày đầu mang sản phẩm gạo thơm Hoa Vàng đi hội chợ, vì bao bì, mẫu mã xấu và thông tin sản phẩm, nơi sản xuất… chưa đầy đủ nên HTX gặp khó với việc liên kết tiêu thụ. Sau khi thiết kế lại bao bì và đầu tư máy móc tự động hóa các khâu đóng, khâu bao…, sản phẩm được thị trường đón nhận tích cực. Thêm nữa, cũng từ các hội chợ thương mại được tham gia, HTX từng bước đa dạng sản phẩm để tăng lựa chọn cho khách hàng và tăng cơ hội tiếp cận thị trường cho sản phẩm của HTX.

“Sau khi đưa thành công giống lúa ST24 vào đồng ruộng địa phương, HTX mong muốn xây dựng sản phẩm gạo ST24 Hòa Phú theo hướng thương mại. Vì là lần đầu thực hiện nên HTX khá lúng túng với các quy định về một sản phẩm thương mại đủ điều kiện lưu thông trên thị trường. Từ các lớp tập huấn về xúc tiến thương mại, đơn vị dần dẫn tích lũy được kiến thức và kinh nghiệm. Hiện, sản phẩm của HTX có nhãn hiệu được đăng ký độc quyền và mã QR trên bao bì; có mặt tại một số cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh”, ông Võ Văn Dị, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phú (huyện Tây Hòa) chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong cho biết, nhằm khuyến khích, hỗ trợ thành viên đầu tư, mở rộng phát triển vào lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho thành viên trên cùng một đơn vị diện tích, trong những năm qua, được sự hỗ trợ của Nhà nước, HTX Hòa Phong triển khai thực hiện các mô hình khuyến nông đem lại hiệu quả cao. Cụ thể như: Mô hình cánh đồng mẫu thực hiện chương trình giảm lượng giống gieo sạ, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất; mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa chất lượng, ứng dụng cơ giới hóa; mô hình cánh đồng mẫu thực hiện chương trình giảm lượng giống, ứng dụng cơ giới hóa được Nhà nước hỗ trợ 100% giống từ nguồn kinh phí hỗ trợ cho người trồng lúa theo Nghị định số 62/2019/NĐ-CP của Chính phủ, với diện tích 50ha, 264 hộ tham gia …

Đặc biệt, HTX Hòa Phong đã triển khai mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giống và lúa thương phẩm. HTX đứng ra ký hợp đồng với các trung tâm giống và công ty để thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa của thành viên. Nhờ mô hình này, giá lúa bán cao hơn, nên lợi nhuận bình quân hơn 30 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng sản xuất bình thường từ 8 triệu - 10 triệu đồng/ha.

Ngoài các mô hình sản xuất nêu trên, thời gian qua, HTX phối hợp các công ty giống trong và ngoài tỉnh triển khai các mô hình trình diễn giống lúa mới năng suất và chất lượng cao để nhân rộng trong sản xuất. Năng suất bình quân cả năm của các mô hình là 80 tạ/ha, so với sản xuất lúa bình thường tăng 1,5 tạ/ha.

“Việc thực hiện các mô hình sản xuất lúa góp phần nâng cao trình độ sản xuất cây lúa, giúp thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của nông dân, áp dụng được các biện pháp khoa học, kỹ thuật vào quá trình sản xuất cây lúa làm giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất, chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế cho các thành viên”, Giám đốc HTX Hòa Phong nói.

Nâng cao kỹ thuật sản xuất, thay đổi thói quen canh tác lạc hậu đã và đang giúp hạt lúa trở thành sản phẩm có giá trị. Giá trị này lại một lần nữa được các HTX khẳng định bằng cách xây dựng các thương hiệu gạo chất lượng cao. Có thể kể tới sản phẩm gạo thơm Hoa Vàng của HTX An Nghiệp, gạo chất lượng Hòa Phú của HTX Hòa Phú, gạo chất lượng cao Đất Phú của HTX Nông nghiệp Phú Yên (huyện Phú Hòa), gạo chất lượng cao Hòa Thành của HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Thành (thị xã Đông Hòa), gạo chất lượng Hòa Quang Nam của HTX Hòa Quang Nam…

Ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Nghiệp cho biết: Năm 2022, sản phẩm gạo thơm Hoa Vàng của HTX đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Sau khi hết hạn, HTX tiếp tục hoàn tất hồ sơ đăng ký và sản phẩm một lần nữa đạt chứng nhận OCOP 3 sao lần 2 vào năm 2024. Cùng với quá trình này, sản phẩm gạo của HTX ngày một chuyên nghiệp. Không chỉ chất lượng gạo được củng cố mà mẫu mã bao bì và thông tin sản phẩm cũng ngày một rõ ràng, minh bạch. Nhờ đó, sản phẩm có mặt trong các siêu thị, cửa hàng, được nhiều công ty đăng ký đại diện tiêu thụ. Gạo An Nghiệp theo các đơn hàng có mặt ở trong và ngoài nước.

Cũng với mong muốn nâng cao giá trị hạt gạo quê hương, nhiều HTX muốn kết nối các HTX cùng sản xuất gạo để đưa thương hiệu gạo từ phạm vi làng xóm lên phạm vi toàn huyện, toàn tỉnh. Theo ông Nguyễn Hữu Hồng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Trị 2, HTX kêu gọi nhiều HTX ở địa phương cùng nhau xây dựng thương hiệu gạo Phú Hòa. Các HTX đều đồng thuận và đang cùng HTX mua máy sấy, máy đóng bao, đăng ký thương hiệu, mã vạch hàng hóa…

Theo Liên minh HTX tỉnh, toàn tỉnh có 145 HTX nông nghiệp đang quản lý hoạt động sản xuất lúa. Các HTX đang hướng tới cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ giúp cây lúa, hạt gạo từng bước trở thành hàng hóa có giá trị trên thị trường. Hiện, tất cả HTX xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm gạo chất lượng cao đều bao tiêu 100% sản lượng cho thành viên. Việc tìm đầu ra cho hạt lúa vì vậy không còn là bài toán khó với các HTX.

Cũng chính từ những thành công bước đầu này đã góp phần đáng kể vào tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Phú Yên và đóng góp không nhỏ vào mục tiêu giảm nghèo bền vững của các địa phương.

Hiện, toàn tỉnh Phú Yên hiện còn 6.483 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,44%; hộ cận nghèo còn 15.793 hộ, chiếm tỷ lệ 5,95%. Theo kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2025 trên địa bàn tỉnh, Phú Yên đưa ra mục tiêu cụ thể tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 giảm 1,02% (theo Nghị quyết số 54/NQ-HĐND ngày 6/12/2024 của HĐND tỉnh về nhiệm vụ kinh tế- xã hội, quốc phòng-an ninh năm 2025), tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2025 còn 1,42%, tương ứng giảm 2.711 hộ nghèo; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%.

Đức Nguyễn

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/lien-ket-san-xuat-lua-hinh-thanh-nhung-canh-dong-vang-o-phu-yen-1106953.html
Zalo