Trồng chanh, rau thu tiền tỷ, nông dân Bến Lức tự tin làm nông nghiệp công nghệ cao
Trên những cánh đồng phẳng lặng ở vùng hạ lưu sông Vàm Cỏ Đông, huyện Bến Lức (tỉnh Long An) đang chuyển mình mạnh mẽ trong cuộc cách mạng sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.
Không còn những cảnh người nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” với chiếc nón lá bạc màu và đôi tay lấm lem bùn đất. Giờ đây, nông dân Bến Lức điều hành nhà kính qua điện thoại, canh tác bằng hệ thống tưới tự động, giám sát dịch bệnh bằng cảm biến, và đăng ký sở hữu trí tuệ để bảo vệ thương hiệu nông sản của mình.
Từ cây chanh thế mạnh
Bến Lức từng được biết đến là vựa lúa truyền thống của tỉnh Long An, với hàng ngàn ha chuyên canh lúa nước. Tuy nhiên, nhiều năm trước, mô hình sản xuất manh mún, phụ thuộc thời tiết, năng suất thấp và hiệu quả kinh tế không cao khiến nông dân ngày càng gặp khó.
Trước bối cảnh đó, huyện đã mạnh dạn triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khuyến khích chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, hình thành chuỗi giá trị.

Ứng dụng công nghệ cao giúp người trồng chanh ở Bến Lức thu lời trên 200 triệu đồng/ha (Ảnh: BLA).
Điển hình, trồng 4ha chanh theo hướng ứng dụng công nghệ cao, anh Trần Hữu Thạch (ấp 5, xã Lương Bình) cho biết toàn bộ vườn chanh đều sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, tiết kiệm đáng kể nước tưới và vật tư đầu vào so với phương pháp canh tác truyền thống.
Hiện nay, trong khi giá thị trường chanh dao động ở mức 18.000 đồng/kg, thì doanh nghiệp liên kết thu mua sản phẩm của gia đình anh Thạch với giá 21.000 đồng/kg. Nếu tính thêm phần hỗ trợ chanh đạt chuẩn xuất khẩu, chi phí thuốc bảo vệ thực vật và quy trình sản xuất đạt chuẩn GlobalGAP, giá bán lên tới 23.000 đồng/kg. Với mức giá này, lợi nhuận mỗi ha chanh đạt khoảng 200 triệu đồng/năm.
Đáng chú ý, sản phẩm chanh đạt chuẩn GlobalGAP hoặc canh tác theo hướng GAP đều đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Mức giá thu mua chanh ứng dụng công nghệ cao thường cao hơn thị trường từ 3.000 – 5.000 đồng/kg, giúp nông dân chuyển đổi tư duy sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời góp phần xây dựng thương hiệu chanh Bến Lức trên thị trường quốc tế.
Xác định phát triển cây chanh theo hướng ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu, huyện Bến Lức đã phối hợp các ngành chức năng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Cụ thể, huyện thực hiện 10 cánh đồng phòng trừ sâu bệnh tổng hợp với quy mô 160ha tại 6 xã (kinh phí gần 1,6 tỷ đồng), xây dựng 27 mô hình tưới tiết kiệm (kinh phí 748 triệu đồng), hỗ trợ giống chanh trên diện tích 318ha (gần 1,7 tỷ đồng). Tổng kinh phí thực hiện đến nay đạt hơn 4,4 tỷ đồng.
Đến những khu vườn công nghệ
Bên cạnh cây chanh, khoa học công nghệ cũng được nông dân, HTX ở Bến Lức đưa vào ứng dụng sản xuất nhiều loại cây trồng khác. Như ở xã Lương Bình, HTX Nông nghiệp Sạch Bến Lức là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau màu an toàn.
Những luống rau xanh mướt trải dài trong nhà màng rộng hàng ngàn mét vuông không còn phụ thuộc vào mưa nắng tự nhiên, mà được điều khiển hoàn toàn tự động thông qua hệ thống cảm biến và bảng điều khiển thông minh.
Anh Nguyễn Minh Tân – Giám đốc HTX chia sẻ: “Chúng tôi đầu tư nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt, cảm biến độ ẩm, giám sát nhiệt độ, ánh sáng bằng phần mềm kết nối điện thoại. Từ khâu gieo hạt, chăm sóc đến thu hoạch đều được tiêu chuẩn hóa. Nhờ đó, sản phẩm đồng đều, đạt tiêu chuẩn VietGAP, có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng”.
Không chỉ sản xuất an toàn, HTX còn chú trọng phát triển thương hiệu. Gần đây, HTX đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Rau sạch Bến Lức”, góp phần nâng cao uy tín, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Hiện sản phẩm của HTX đã có mặt tại các siêu thị và cửa hàng thực phẩm sạch tại TP.HCM và các tỉnh lân cận.

HTX trở thành điểm tựa giúp thành viên, nông dân liên kết tự tin ứng dụng công nghệ cao (Ảnh: BLA).
Cùng với rau màu, nhiều HTX trồng cây ăn trái tại Bến Lức cũng đang thay đổi cách làm nông nghiệp truyền thống bằng tư duy khoa học. HTX Thanh long Hòa Khánh (xã Hòa Khánh Đông) hiện đang canh tác hơn 30ha thanh long theo quy trình hữu cơ kết hợp công nghệ cao. Trên mỗi cây thanh long, hệ thống tưới nhỏ giọt và cảm biến độ ẩm đất được tích hợp, giúp tối ưu nguồn nước và phân bón.
HTX từng bước loại bỏ thói quen canh tác truyền thống để hướng tới mô hình thanh long công nghệ cao. Việc sử dụng đèn LED cho thanh long ra hoa trái vụ, phun xịt bằng chế phẩm sinh học thay thuốc hóa học là minh chứng rõ nét cho sự thay đổi.
Quan trọng hơn, HTX đã xây dựng thành công mã số vùng trồng, được cấp mã truy xuất nguồn gốc và đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm “Thanh long Hòa Khánh”. Đây là bước tiến quan trọng giúp sản phẩm có thể vươn ra thị trường quốc tế, nhất là các thị trường yêu cầu cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU.
Tạo “hệ sinh thái” cho nông nghiệp công nghệ cao
Không dừng lại ở việc khuyến khích HTX áp dụng công nghệ, huyện Bến Lức còn chú trọng xây dựng “hệ sinh thái” hỗ trợ toàn diện, từ tín dụng ưu đãi, xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu đến chuyển giao khoa học kỹ thuật. Huyện đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ HTX tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, kết nối doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, xây dựng mã số vùng trồng, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa…
Thành công của các HTX trên địa bàn huyện cũng có những đóng góp không nhỏ từ các chính sách đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Long An. Cụ thể, trong năm 2024, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Long An đã giải ngân 23,55 tỷ đồng cho 25 HTX, trong đó có các HTX tại huyện Bến Lức.
Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh cũng đẩy mạnh tổ chức nhiều lớp đào tạo và bồi dưỡng cho cán bộ quản lý HTX, bao gồm lớp bồi dưỡng cho Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX và các lớp phổ biến kiến thức về kinh tế tập thể và HTX.
Cùng với đó, Liên minh HTX tỉnh Long An đã ký kết hợp tác với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho các HTX trên địa bàn huyện Bến Lức, từ đó giúp các HTX ổn định đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm.
Từ những chương trình hỗ trợ, đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Long An, những mô hình HTX thành công như HTX Nông nghiệp Sạch Bến Lức, HTX Thanh long Hòa Khánh đã ra đời, góp phần phác họa một bức tranh nông nghiệp công nghệ cao ở Bến Lức.
Bến Lức hiện không còn là vùng đất trũng trong tư duy và công nghệ, mà là vùng đất “thông minh”, nơi những người nông dân không chỉ làm ra hạt gạo, trái cây mà còn làm chủ cả quy trình, thương hiệu và giá trị sản phẩm.
Hành trình này còn nhiều thử thách, nhưng bằng sự chủ động, sáng tạo và tinh thần dấn thân từ những HTX tiêu biểu, “giấc mơ công nghệ” của người nông dân Bến Lức đang dần thành hiện thực.