Nhiều mô hình sinh kế giúp người nghèo Đức Thọ nâng cao thu nhập

Những mô hình chăn nuôi từ 'Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo' đã giúp nhiều hộ dân tại huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) cải thiện việc làm, nâng cao thu nhập.

Gia đình anh Nguyễn Tiến Mạnh (trú thôn Tiến Hòa, xã Yên Hồ) vốn là hộ nghèo, 3 con đang ở tuổi ăn học, thu nhập của 2 vợ chồng chủ yếu dựa vào công việc đồng áng.

Tháng 7/2023, anh Mạnh được hỗ trợ mô hình sinh kế chăn nuôi dê từ “Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Đến nay, từ 3 con ban đầu, đàn dê của gia đình anh Mạnh đã phát triển lên 6 con, trong đó có 2 con chuẩn bị sinh sản.

 Mô hình nuôi dê giúp gia đình anh Nguyễn Tiến Mạnh (bên trái) nâng cao thu nhập.

Mô hình nuôi dê giúp gia đình anh Nguyễn Tiến Mạnh (bên trái) nâng cao thu nhập.

Anh Mạnh chia sẻ: “Khi được nhận mô hình sinh kế chăn nuôi dê, gia đình tôi rất phấn khởi bởi dê là loài động vật dễ chăm, chủ yếu ăn các loại lá cây trong vườn nhà. Vì vậy, việc chăm sóc cũng không tốn kém nhiều, bù lại, nhờ các lứa dê sinh sản, gia đình tôi có việc làm hằng ngày, thêm thu nhập để nuôi các con ăn học. Năm 2024, tôi đã chính thức thoát nghèo. Vợ chồng tôi sẽ tiếp tục cố gắng trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế”.

Trong những năm qua, xã Yên Hồ là một trong những địa phương triển khai có hiệu quả “Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo”. Trung bình mỗi năm, địa phương hỗ trợ các mô hình sinh kế bò, gà, dê cho 8-10 hộ. “Bám sát chủ trương của các cấp, MTTQ xã Yên Hồ đã tiến hành khảo sát, nắm bắt tâm tư của người dân để xây dựng kế hoạch trao mô hình sinh kế phù hợp. Đến nay, các mô hình kinh tế chăn nuôi trên địa bàn xã đều phát huy hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ đó, mỗi năm địa phương có khoảng 10 hộ thoát nghèo. Toàn xã hiện có 26 hộ nghèo, chiếm 2% và 38 hộ cận nghèo chiếm 2,93%”, ông Lê Thanh Hà - Chủ tịch MTTQ xã Yên Hồ cho hay.

 Chị Nguyễn Thị Hoa chăm sóc mô hình sinh kế chăn nuôi bò được hỗ trợ từ “Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo”.

Chị Nguyễn Thị Hoa chăm sóc mô hình sinh kế chăn nuôi bò được hỗ trợ từ “Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo”.

Mô hình chăn nuôi bò sinh sản của gia đình chị Nguyễn Thị Hoa (trú thôn Đồng Hòa, xã Tân Dân) cũng đang được chăm sóc khỏe mạnh, phát huy hiệu quả, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập.

“Chồng mất sớm, tôi sức khỏe yếu phải chăm lo mẹ già và 2 con ăn học. Từ năm 2023, được sự quan tâm của các cấp, ngành, tôi nhận được con bò để phát triển chăn nuôi. Bên cạnh đó, cán bộ địa phương cũng thường xuyên động viên, hướng dẫn chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh, nhờ đó, bò phát triển tốt, đã sinh sản lứa đầu tiên giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập. Hiện nay, bò đang chuẩn bị sinh sản lứa thứ hai. Gia đình tôi cố gắng để năm 2025 sẽ thoát nghèo” - chị Hoa chia sẻ.

Những mô hình sinh kế không chỉ trao “cần câu” để giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã Tân Dân cải thiện việc làm, nâng cao thu nhập mà còn thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân, để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

 Không chỉ trao "cần câu", cán bộ địa phương còn thường xuyên hướng dẫn người dân cách chăm sóc, phòng bệnh trên vật nuôi.

Không chỉ trao "cần câu", cán bộ địa phương còn thường xuyên hướng dẫn người dân cách chăm sóc, phòng bệnh trên vật nuôi.

Ông Trần Văn Thạch - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Dân chia sẻ: “Sau khi nhận được các chủ trương từ các cấp, UBND xã Tân Dân đã tiến hành rà soát những hộ được hưởng mô hình sinh kế, đảm bảo đúng đối tượng. Năm 2024, toàn xã có 34 hộ được nhận các mô hình sinh kế, trong đó có 7 mô hình bò, 27 mô hình gà. Không chỉ trao “cần câu”, chúng tôi còn cử cán bộ chuyên môn tập huấn, hướng dẫn bà con cách chăm sóc để đảm bảo các mô hình được phát triển tốt. Cũng trong năm 2024, xã Tân Dân có 12 hộ thoát nghèo và thoát cận nghèo”.

Không chỉ tại xã Yên Hồ và Tân Dân, nhiều mô hình sinh kế trên địa bàn các xã: Bùi La Nhân, Tùng Châu, Trường Sơn, thị trấn Đức Thọ… cũng phát huy hiệu quả, giúp người nghèo vơi bớt khó khăn, tạo động lực để họ vươn lên làm chủ cuộc sống, tích cực tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập.

 Mặt trận các cấp trên địa bàn huyện Đức Thọ thường xuyên bám nắm cơ sở, đánh giá hiệu quả của các mô hình sinh kế.

Mặt trận các cấp trên địa bàn huyện Đức Thọ thường xuyên bám nắm cơ sở, đánh giá hiệu quả của các mô hình sinh kế.

Ông Bùi Ngọc Nhật - Chủ tịch ủy ban MTTQ huyện Đức Thọ chia sẻ: “Để góp phần cải thiện đời sống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hướng tới giảm nghèo bền vững, hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện ban hành kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội khảo sát nhu cầu hỗ trợ mô hình sinh kế giảm nghèo của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn từ các xã, thị trấn.

Từ năm 2021-2025, Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở đã trao hỗ trợ 395 mô hình sinh kế bê nái, dê, gà, cây giống với số tiền 940 triệu đồng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người nghèo góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 2,96% (943 hộ) năm 2021, xuống còn 737 hộ (2,34%) năm 2025. Nhân dân các địa phương phấn khởi, thi đua lao động sản xuất vươn lên trong cuộc sống”.

Từ việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân đến cách trao “cần câu”, thực hiện hiệu quả dự án đa dạng hóa sinh kế đã giúp tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Đức Thọ giảm đáng kể trong những năm qua. Đây cũng là động lực để những hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện vượt qua khó khăn, vươn lên thay đổi cuộc sống, cùng địa phương hướng tới giảm nghèo bền vững.

Phan Cúc

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/nhieu-mo-hinh-sinh-ke-giup-nguoi-ngheo-duc-tho-nang-cao-thu-nhap-post288294.html
Zalo