Liên kết dữ liệu 'bốn nhà' cho nông nghiệp phát triển bền vững

Để phát huy mô hình liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, cần xác định đúng, đủ và hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan. Mô hình liên kết dữ liệu 'bốn nhà' - mô hình liên kết 'Chính quyền - Viện nghiên cứu - Doanh nghiệp - Nhà nông' sẽ giúp kết nối thông tin, mở ra 'cánh cửa' cho các doanh nghiệp nông nghiệp phát triển bền vững.

Vừa qua, Tổng hội Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức “Diễn đàn Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững năm 2024”. Đây là dịp để các doanh nghiệp ngành nông nghiệp hoặc các doanh nghiệp đang hoạt động tại khu vực nông thôn có nhiều cơ hội đối thoại, giao lưu trực tiếp để truyền tải những thông điệp, đề xuất, kiến nghị, hiến kế… Từ đó, giúp các cơ quan chức năng để kịp thời điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn hiện nay, cùng nhau chung tay xây dựng một nền nông nghiệp phát triển xanh, bền vững.

Toàn cảnh diễn đàn

Toàn cảnh diễn đàn

Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Hồ Xuân Hùng cho rằng, sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà nông còn chưa thật sự tốt, người nông dân vẫn bị động từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; một vướng mắc nữa là số lượng doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này vẫn còn khá khiêm tốn do cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn không đủ mạnh; cách huy động, kêu gọi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chưa thật sự tốt, nên vẫn chưa có sức hấp dẫn, cuốn hút doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, để phát huy mô hình liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, cần xác định đúng, đủ và hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan. Đây là mấu chốt để hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng nông sản. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới động lực vốn tín dụng ngân hàng, bởi thiếu yếu tố này, thì chuỗi liên kết chắc chắn không thể thành công.

Được biết hiện nay, cả nước có khoảng trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phát triển và tạo các chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, nguồn vốn tín dụng cũng như các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng là một trong những yếu tố có vai trò rất quan trọng, đặc biệt đối với lĩnh vực có tính chất mùa vụ và phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên như ngành nông nghiệp. Khi dòng vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời sẽ góp phần gia tăng đầu tư cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật, cũng như hệ thống phân phối, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, qua đó nâng cao giá trị nông sản Việt Nam.

Hệ thống nông nghiệp hiện đại đang hướng tới chuyển đổi số và chuyển xanh nhằm hướng tới phát triển bền vững

Hệ thống nông nghiệp hiện đại đang hướng tới chuyển đổi số và chuyển xanh nhằm hướng tới phát triển bền vững

Theo ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các định chế tài chính lớn như Ngân hàng Thế giới (WB) và trong nước là Ngân hàng Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã tiên phong xây dựng các bộ tiêu chuẩn về môi trường xã hội cho các dự án và đối tác vay vốn, khách hàng.

VietinBank đã luôn chủ động, tích cực đáp ứng vốn phát triển nông nghiệp, thiết kế rất nhiều sản phẩm đặc thù dành cho khách hàng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Các ngân hàng đã chủ động xây dựng các chính sách, sản phẩm để tạo cơ chế linh hoạt trong việc tài trợ phát triển bền vững trong các lĩnh vực như: Năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, quản lý nước bền vững, nông nghiệp xanh, lâm nghiệp bền vững, xử lý chất thải và chống ô nhiễm.

Chia sẻ về việc đồng bộ dữ liệu tạo nền tảng cho nông nghiệp phát triển, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng chỉ ra dữ liệu đã và đang trở thành một nguồn tài nguyên mới, là yếu tố quan trọng mang tính quyết định.

“Hiện, ứng dụng công nghệ thông tin, dữ liệu đã giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, thống kê, phân tích, dự báo phục vụ chỉ đạo, điều hành và hoạch định chiến lược của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, liên kết dữ liệu giúp các ngân hàng thương mại không chỉ xác thực, định danh khách hàng mà còn nâng cao khả năng phân tích, nắm bắt hành vi và xu hướng tiêu dùng. Từ đó, các ngân hàng đưa ra quyết định trong phát triển, cung ứng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao hiệu quả hoạt động”, ông Phạm Tiến Dũng chia sẻ.

Bà Lê Nguyễn Thiên Nga - Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách, Nghiên cứu trưởng Chiến lược Dữ liệu Quốc gia chia sẻ tại diễn đàn.

Bà Lê Nguyễn Thiên Nga - Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách, Nghiên cứu trưởng Chiến lược Dữ liệu Quốc gia chia sẻ tại diễn đàn.

Bà Lê Nguyễn Thiên Nga cho hay, tại Chiến lược phát triển Nông nghiệp và Nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam đã đặt mục tiêu đưa trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Để đạt mục tiêu này, bà Lê Nguyễn Thiên Nga đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xác định đúng, đủ và hài hòa lợi ích giữa các bên trong bối cảnh chuyển đổi số và liên thông dữ liệu quốc gia. Một cơ sở dữ liệu được liên kết chặt chẽ giữa các ngân hàng sẽ giúp các doanh nghiệp nông nghiệp (hoặc các doanh nghiệp hoạt động tại khu vực nông thôn) có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin, giao lưu và đối thoại với các tổ chức tín dụng. Thêm vào đó, các doanh nghiệp có thể truyền tải những thông điệp, đề xuất, kiến nghị, hiến kế… thông qua các kênh truyền thông, từ đó giúp các cơ quan chức năng kịp thời điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, hướng tới một nền nông nghiệp xanh và bền vững.

“Vốn tín dụng ngân hàng có vai trò then chốt, là yếu tố sống còn đối với sự thành công của các chuỗi liên kết trong nông nghiệp. Để phát triển và tạo các chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, nguồn vốn tín dụng cũng như các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng là một trong những yếu tố có vai trò rất quan trọng, đặc biệt đối với lĩnh vực có tính chất mùa vụ và phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên như ngành nông nghiệp" - bà Lê Nguyễn Thiên Nga khẳng định.

Tuy nhiên, để liên kết dữ liệu thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự chung tay của tất cả các bên liên quan. Bà Lê Nguyễn Thiên Nga khuyến nghị cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ, tiếp cận thông tin và nguồn vốn. Đặc biệt là nâng cao nhận thức của người nông dân về tầm quan trọng của chuyển đổi số, từ đó giúp họ trở thành những chủ thể tích cực trong quá trình này. Chỉ khi đó, liên kết dữ liệu mới thực sự trở thành “chìa khóa” mở cửa dòng vốn, công nghệ và kiến thức, đưa ngành nông nghiệp Việt bước lên một tầm cao mới.

Theo Tổng hội NN&PTNT, năm 2024, ngành nông nghiệp có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhất là thiệt hại của bão số 3. Với sự chuyển đổi mạnh mẽ sang tư duy kinh tế nông nghiệp, hội nhập quốc tế, bám sát thực tiễn, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện, đặc biệt là xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và thặng dư thương mại tăng cao kỷ lục; trong đó xuất khẩu ước đạt 62,4 tỷ USD, tăng 18,5% và xuất siêu 18,6 tỷ USD, tăng 53,1% so với năm trước.

N.H

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/lien-ket-du-lieu-bon-nha-cho-nong-nghiep-phat-trien-ben-vung-722348.html
Zalo