'Thạc sĩ rừng' đầu tiên dưới tán rừng U Minh
Sinh ra và lớn lên dưới tán rừng U Minh Hạ, thấu hiểu nỗi cơ cực của người dân quê mình, Trương Trọng Nguyễn đã vươn lên trở thành thạc sĩ đầu tiên của xã nghèo Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau). Bằng kiến thức học được, Nguyễn về lại quê góp phần xây dựng kinh tế gia đình và hỗ trợ bà con lối xóm vươn lên.
Nói tới đất rừng U Minh Hạ (Cà Mau), xưa nay mọi người thường truyền tai nhau về sự đa dạng các loài động, thực vật dưới tán rừng tràm nguyên sinh, kỳ bí. Bởi thế, những câu chuyện gieo chữ, nỗi vất vả đến trường của các em học sinh nơi đây luôn trong tâm trí của người con xứ rừng.
Anh Trương Trọng Nguyễn (SN 1980, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) cũng là một người có tuổi thơ và con đường đến trường dưới tán rừng U Minh Hạ. Trước đây, để trải qua hết giai đoạn phổ thông, cậu bé Nguyễn hằng ngày phải đi bộ hơn 10km từ nhà đến trường.
Cả Nguyễn và gia đình đều không dám nghĩ cậu sẽ tiến xa hơn trên con đường học vấn, chỉ nghĩ theo học được tới đâu cố tới đó. Vì chính các bạn của Nguyễn, anh chị trước Nguyễn đều dở dang đường tới trường khi nhiều người học chưa hết cấp 3, một phần cũng vì đường tới trường quá trắc trở. Kể cả hiện nay, nhiều gia đình ở U Minh Hạ để con cháu theo học chữ, gia đình phải cắt cử riêng một người lớn bỏ việc chỉ để lái xuồng ngày ngày cùng con tới trường.
Dù vậy, vượt qua bao gian lao, trở ngại với nhiều người đã buông xuôi, Nguyễn bằng ý chí, nghị lực, quyết tâm đã vượt qua khó khăn để chinh phục tri thức. Rồi hôm nay, Nguyễn trở thành thạc sĩ đầu tiên của xã nghèo dưới tán rừng U Minh Hạ, anh còn về lại quê hương giúp gia đình và bà con cùng phát triển kinh tế.
Thạc sĩ Trương Trọng Nguyễn xuất thân từ gia đình nông dân chính hiệu, từ nhỏ sống trong vùng đệm rừng U Minh Hạ, nên Nguyễn rất rành các nghề mưu sinh dưới tán rừng, từ giăng lưới, cắm câu bắt cá tới bắt chuột đồng, lấy mật ong... để kiếm tiền đi học.
Khi tốt nghiệp lớp 12, gia đình không có điều kiện để Nguyễn tiếp tục học lên đại học. “Lúc khó khăn ấy, tôi nhận ra mỗi gia đình đều nhận trông coi hàng chục hecta đất rừng, nếu chỉ trông chờ vào rừng để khai thác, rồi cũng có ngày cạn kiệt. Do đó, vừa khai thác phải vừa gây trồng, tái tạo lại rừng mới hy vọng đổi đời”, Nguyễn nhớ lại.
Nhiều năm sau, anh Nguyễn vừa đi rừng khai thác lâm sản, vừa đăng ký học đại học hệ đào tạo từ xa. Có tấm bằng đại học, anh xin vào làm việc tại một công ty lâm nghiệp ở Cà Mau.
Hơn 10 năm qua, anh vừa làm, vừa học để nâng cao trình độ chuyên môn. Đến năm 2015, anh Nguyễn nỗ lực đỗ cao học, chuyên ngành Lâm học, hệ vừa học vừa làm. Sau hơn 2 năm học tập, Trương Trọng Nguyễn cầm trên tay tấm bằng thạc sĩ. Có chuyên môn, kinh nghiệm, anh Nguyễn quyết dùng tri thức để gầy dựng mô hình kinh tế gia đình gắn với rừng.
Từ đó tới nay, Nguyễn sử dụng khoảng 2 hecta đất gia đình để ươm giống cây keo lai theo hình thức giâm cành. Ban đầu cơ sở ươm giống nho nhỏ ra đời, rồi mở rộng dần, tới nay đã thành vườn ươm lớn của địa phương, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương.
Với quy mô sản xuất của gia đình, mỗi năm anh Nguyễn xuất bán khoảng 1 triệu cây keo giống, thu lợi nhuận hơn 1 tỉ đồng.
Vừa bán giống, anh Nguyễn vừa cho những người dân lân cận cây con để họ hiểu, thay đổi thói quen chỉ khai thác sang cả trồng và bảo vệ rừng. Từ đó tạo sinh kế bền vững gắn với bảo vệ thiên nhiên, môi trường và đảm bảo tán rừng U Minh Hạ mãi xanh, đền đáp lại nơi đã che chở, nuôi dưỡng anh lớn khôn.
Với thạc sĩ Trương Trọng Nguyễn, rừng là nguồn sống, báu vật của người dân vùng đất cực Nam Tổ quốc. Họ gắn bó với rừng, hiểu và yêu rừng như chính sinh mạng của mình. Rừng nuôi dưỡng, chở che bao tâm hồn con người nơi đây, cho những sản vật đặc trưng đưa đi muôn nơi, được nhiều người biết đến, góp phần làm giàu đẹp thêm cuộc sống của những người con dưới tán rừng U Minh Hạ.