Mô hình '3:3:3' sẽ giúp TP Hồ Chí Minh tăng tốc và phát triển bền vững

TP Hồ Chí Minh cần nắm bắt cơ hội để thực hiện khát vọng xây dựng thành phố thành đô thị toàn cầu, văn minh, hiện đại, có mức sống cao, ngang tầm với các đô thị lớn trên thế giới - Có lẽ bây giờ và không bao giờ?

Đây là điểm chính yếu cũng là câu hỏi mà TS. Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 - Thành viên Tổ tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ của Chính phủ, đặt ra tại Hội thảo khoa học “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề đặt ra cho TP Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ” do Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 và Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh tổ chức sáng 23/12.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu khai mạc hội thảo.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu khai mạc hội thảo.

TS Trần Du Lịch cho rằng, xét về vị trí địa - kinh tế, hạ tầng kinh tế, tiềm lực khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực, TP Hồ Chí Minh cần phải tiếp tục đi đầu trong đổi mới quản lý kinh tế, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, chuyển đổi kinh tế số, kinh tế xanh, mà TP Hồ Chí Minh là nơi có điều kiện nhất để chuyển mình sang giai đoạn phát triển mới nhanh và bền vững hơn.

Theo TS. Trần Du Lịch, mục tiêu đến năm 2030, TP Hồ Chí Minh đạt GRDP/người khoảng 14.500USD (theo Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị) đang là thách thức lớn đối với thành phố. Điều này có nghĩa là tốc độ tăng GRDP bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2026-2030 phải đạt 2 con số (khoảng 10-11%/năm).

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Năm 2025 sẽ là cơ hội để TP Hồ Chí Minh phát huy truyền thống năng động sáng tạo của người dân thành phố, là thời cơ để thành phố củng cố và nâng cao vị trí, vai trò của mình đối với cả nước và khẳng định vị thế tương xứng đối với khu vực và thế giới.

TS. Trần Du Lịch tham luận tại hội thảo.

TS. Trần Du Lịch tham luận tại hội thảo.

Tham luận tại hội thảo, PGS.TS. Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành ủy và TS. Lê Quang Tuấn, Chuyên viên Văn phòng Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng, Mô hình “3:3:3” sẽ giúp TP Hồ Chí Minh tăng tốc và phát triển bền vững. Mô hình 3:3:3 gồm 3 đột phá chiến lược (về thể chế, kết cấu hạ tầng, nhân lực chất lượng cao), 3 động cơ tăng tốc (khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, dịch vụ chất lượng cao) và 3 hoạt động thường xuyên và bền vững (chuyển đổi xanh, văn hóa, du lịch).

Nghị quyết 98 sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đồng thời giúp thành phố tháo gỡ những nút thắt trong quá trình phát triển. Để khai thác tối đa tiềm năng và giải quyết những thách thức của một siêu đô thị, việc đẩy nhanh việc ban hành Luật đô thị đặc biệt, chính quyền đô thị đặc biệt là vô cùng cấp thiết.

Việc đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm như đường vành đai 3, 4, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, hệ thống đường sắt đô thị... không chỉ là giải pháp trước mắt mà còn là định hướng chiến lược để TP Hồ Chí Minh trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội hiện đại của khu vực…

PGS.TS. Trần Hoàng Ngân tham luận tại hội thảo.

PGS.TS. Trần Hoàng Ngân tham luận tại hội thảo.

Theo TS. Trương Minh Huy Vũ, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, hội thảo đã nhận được hơn 70 bài tham luận từ các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước gửi về. Đây là nguồn tài liệu quý giá đối với từng lĩnh vực cụ thể…

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã gợi mở một số nội dung, giải pháp để TP Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bước vào kỷ nguyên mới.

“TP Hồ Chí Minh luôn đặt mình trong vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và luôn mong muốn hợp tác với các địa phương, lực lượng, nguồn lực để thực hiện mục tiêu, sứ mạng này”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Phú Lữ

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/mo-hinh-3-3-3-se-giup-tp-ho-chi-minh-tang-toc-va-phat-trien-ben-vung-i754224/
Zalo