Lịch sử tỉnh Hà Nam - tỉnh có ít đơn vị hành chính cấp huyện nhất cả nước

Tỉnh Hà Nam chính thức được thành lập vào năm 1890, tên của tỉnh có nghĩa là 'vùng đất ở phía Nam Hà Nội,' tâm điểm của một vòng tròn khép kín nối các kinh đô, cố đô, đô thị cổ nổi tiếng.

Bản đồ hành chính tỉnh Hà Nam.

Bản đồ hành chính tỉnh Hà Nam.

Nằm ở cửa ngõ phía Nam của thủ đô Hà Nội, tỉnh Hà Nam là đất đồng chiêm trũng, “cái rốn nước” ở Đồng bằng châu thổ sông Hồng, được bao quanh bởi 4 con sông lớn, đó là sông Hồng ở phía Đông, sông Đáy ở phía Tây, sông Nhuệ ở phía Bắc, sông Ninh ở phía Nam.

Nhìn tổng thể, Hà Nam là vùng giao thoa Bắc-Nam, Đông-Tây; chuyển tiếp về địa hình, địa chất, thủy văn; trung lộ dòng di cư của người Việt, khởi tạo một vòng tròn khép kín, nối các kinh đô, cố đô và đô thị cổ nổi tiếng, gồm Kinh đô Thăng Long (Hà Nội), Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), Phủ Thiên Trường (kinh đô thứ hai của nhà Trần ở Nam Định) và đô thị cổ Phố Hiến (Hưng Yên).

Trong suốt thời kỳ phong kiến, Hà Nam không những có ý nghĩa quan trọng về chiến lược phòng thủ, mà còn có ý nghĩa to lớn về kinh tế, là vùng đất luôn đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của triều đình trung ương kể từ khi hình thành quốc gia độc lập.

Vị trí địa lý

Tỉnh Hà Nam ngày nay thuộc Đồng bằng sông Hồng, nằm trong vùng Thủ đô; phía Bắc giáp Thủ đô Hà Nội, phía Đông giáp tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình, phía Nam giáp tỉnh Nam Định và tỉnh Ninh Bình, phía Tây giáp tỉnh Hòa Bình.

Hà Nam có diện tích áp chót của vùng Đồng bằng sông Hồng, chỉ rộng hơn Bắc Ninh, với tổng diện tích là 860,90 km2, xếp thứ 62 toàn quốc. Dân số của tỉnh tính đến ngày 1/4/2024 là 892.755 người, đứng thứ 48 cả nước.

Vùng đất Hà Nam qua các thời kỳ lịch sử

Thời kỳ dựng nước

Hà Nam là vùng đất cổ. Theo kết quả khảo cổ thì người nguyên thủy đã xuất hiện ở Hà Nam trên dưới 1 vạn năm vào buổi đầu thời kỳ đồ đá mới và đồ gốm thuộc nền văn hóa Hòa Bình, văn hóa Bắc Sơn.

Cũng có thể do sự bùng nổ dân số từ sơ thời kỳ đại kim khí nên bắt đầu đã có cư dân xuống trồng lúa nước ở vùng chiêm trũng. Họ được xem như những người tiên phong khai thác châu thổ Bắc Bộ.

Chính tại vùng đất này, vào khoảng năm 1893-1894, người dân địa phương đã phát hiện trống đồng Ngọc Lũ thuộc văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay 2.000-2.500 năm.

Kiệt tác nghệ thuật của cư dân Việt cổ hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, được công nhận Bảo vật Quốc gia năm 2012, và là chiếc trống đồng đẹp nhất Việt Nam cũng như Đông Nam Á.

 Trống đồng Ngọc Lũ. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Trống đồng Ngọc Lũ. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Trong thời kỳ các vua Hùng dựng nước, vùng đất Hà Nam thuộc bộ Giao Chỉ, một trong 15 bộ của nước Văn Lang.

Sau cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, nước ta bị nhà Hán thôn tính, Hà Nam khi đó thuộc huyện Chu Diên, quận Giao Chỉ. Dưới thời Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương, quận Giao Chỉ bị chia tách, Hà Nam thuộc quận Vũ Bình. Đến thời Tùy-Đường, quận Vũ Bình đổi thành huyện Long Bình, và Hà Nam thuộc huyện này.

Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền, vùng đất Hà Nam chính thức thuộc nước Đại Cồ Việt, mở ra thời kỳ độc lập cho dân tộc.

Thời Lý (1010-1225)

Lý Công Uẩn lên ngôi vua, chia cả nước làm 24 lộ. Hà Nam thuộc lộ Đại La thành.

Tấm bia Đại Việt quốc Lý gia đệ tứ đế Sùng thiện diên linh tháp bi dựng trên đỉnh núi Đọi năm 1121 còn ghi lại những địa danh của Hà Nam, như Mạc thủy (sông Mạc), Long Lĩnh (ngọn Long), Long Đọi (núi Đọi), Kinh Giang (sông Kinh), Điệp tụ (núi Điệp), Sùng thiện diên linh bảo tháp (Tháp báu Sùng thiện diên linh).

Thời Trần (1225-1400)

Nhà Trần đổi 24 lộ (có từ đời Lý) thành 12 lộ. Hà Nam thuộc châu Lỵ Nhân, thuộc lộ Đại La thành. Châu Lỵ Nhân gồm có các huyện Bình Lục, Cổ Bảng, Cổ Giả, Cổ Lễ, Lỵ Nhân và Thanh Liêm.

Thời Lê sơ (1428-1527)

Sau kháng chiến chống giặc Minh thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi vua đã tiến hành cải cách hành chính, chia cả nước thành 5 đạo. Hà Nam thuộc Nam đạo.

Năm Quang Thuận thứ 7 (1466), vua Lê Thánh Tông chia cả nước thành 12 đạo.

Năm Quang Thuận thứ 10 (1469), nhà vua bỏ đơn vị hành chính lộ, châu, lập đơn vị hành chính phủ, đổi đơn vị hành chính đạo thành thừa tuyên. Vùng đất Hà Nam là phủ Lỵ Nhân thuộc thừa tuyên Sơn Nam.

Năm Hồng Đức thứ 21 (1490), bỏ thừa tuyên đặt đơn vị hành chính xứ, phủ Lỵ Nhân thuộc xứ Sơn Nam.

 Một góc thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam hiện nay. (Ảnh: Báo Hà Nam)

Một góc thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam hiện nay. (Ảnh: Báo Hà Nam)

Đến năm Hồng Thuận (1509-1516), bỏ xứ, đặt trấn, phủ Lỵ Nhân thuộc trấn Sơn Nam.

Thời Lê Trung Hưng, năm Cảnh Hưng thứ 2 (1741), triều đình chia trấn Sơn Nam thành Sơn Nam Thượng và Sơn Nam Hạ, phủ Lỵ Nhân thuộc trấn Sơn Nam Thượng.

Thời Tây Sơn (1788-1802), Hà Nam vẫn là phủ Lỵ Nhân thuộc trấn Sơn Nam Thượng gồm 5 huyện là Duy Tiên, Kim Bảng, Nam Xương, Ninh Lục, Thanh Liêm.

Thời Nguyễn (1802-1945)

Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lập ra nhà Nguyễn. Nhà Nguyễn định đô ở Phú Xuân tiến hành cải cách hành chính. Hà Nam đầu thời Nguyễn vẫn là phủ Lỵ Nhân thuộc trấn Sơn Nam Thượng.

Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), đổi cách viết chữ Lỵ thành chữ Lý. Lỵ Nhân đổi thành Lý Nhân.

Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), bỏ đơn vị hành chính trấn, thành lập đơn vị hành chính tỉnh, phủ, huyện, tổng, xã, thôn. Hà Nam lúc đó có tên gọi là phủ Lý Nhân, là một trong bốn phủ của Hà Nội (cùng với các phủ Hoài Đức, Thường Tín, Ứng Hòa), gồm 5 huyện là Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Nam Xang và Thanh Liêm.

Thời Pháp thuộc

Sau khi toàn bộ Bắc Kỳ và Trung Kỳ trở thành đất bảo hộ của thực dân Pháp theo Hiệp ước ngày 6/6/1884, ký giữa triều đình Huế và Pháp thì địa bàn phủ Lý Nhân bắt đầu có sự thay đổi về mặt hành chính.

Ngày 21/3/1890, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định cắt một phần đất phủ Lý Nhân để lập thêm phủ Liêm Bình sáp nhập vào tỉnh Nam Định. Phần bị cắt này là 3 huyện Nam Xang, Bình Lục và Thanh Liêm.

Bảy tháng sau, ngày 20/10/1890, Toàn quyền Đông Dương lại ra nghị định về việc thành lập tỉnh Hà Nam-một tỉnh mới trên cơ sở phủ Lý Nhân được mở rộng thêm. Tỉnh Hà Nam khi mới ra đời gồm toàn bộ phủ Lý Nhân cũ.

 Bản đồ tỉnh Hà Nam năm 1891. (Nguồn: wikipedia)

Bản đồ tỉnh Hà Nam năm 1891. (Nguồn: wikipedia)

Lúc này, tỉnh Hà Nam là đất của phủ Lý Nhân mở rộng về phía Hà Nội và Nam Định. Số lượng các tổng xã lúc này đã tăng lên nhiều hơn vì sự mở rộng địa giới hành chính của Hà Nam.

Sau đó, theo Nghị định ngày 24/10/1908 của Toàn quyền Đông Dương, tỉnh Hà Nam có thêm châu Lạc Thủy chuyển từ tỉnh Hòa Bình sáp nhập vào. Ngoài ra, cùng trong thời gian này, địa danh Nam Xang không còn tồn tại nữa mà đổi gọi thành phủ Lý Nhân.

Tỉnh Hà Nam ra đời và tồn tại được 23 năm thì tiếp tục bị thay đổi. Theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 7/3/1913, tỉnh Hà Nam đổi gọi là Đại lý Hà Nam. Đại lý (Délégation) là một cấp hành chính nhỏ hơn tỉnh, nằm trong một tỉnh lớn hơn. Đại lý Hà Nam khi đó đó trực thuộc tỉnh Nam Định.

Đại lý Hà Nam thuộc tỉnh Nam Định tồn tại được 10 năm, đến ngày 31/3/1923, Toàn quyền Đông Dương lại ra Nghị định tái lập tỉnh Hà Nam.

Tỉnh Hà Nam trở lại là một tỉnh độc lập từ đó cho đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Thời kỳ từ năm 1945 đến nay

Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, tháng 11/1946, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chia cả nước thành 12 khu.

Cấp tỉnh trực thuộc cấp khu, trong đó khu II gồm các tỉnh Sơn Tây, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hà Đông, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu.

Năm 1947, địa bàn khu II được quy định lại gồm các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và phần đất Hòa Bình ở phía Nam sông Đà.

Đến đầu năm 1948, nhà nước bãi bỏ cấp khu, thành lập cấp Liên khu. Hợp nhất khu II, III và khu XI thành Liên khu III. Tỉnh Hà Nam thuộc Liên khu III.

Tháng 3/1953, để thuận lợi cho chỉ đạo kháng chiến, ba huyện Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc (Nam Định) được sáp nhập vào Hà Nam, Đến tháng 5/1953, Liên khu III quyết định cắt châu Lạc Thủy thuộc tỉnh Hà Nam trả lại cho Hòa Bình.

Tháng 4/1956, sau 3 năm sáp nhập, ba huyện trên được trả lại cho Nam Định, đưa Hà Nam về quy mô gồm 1 thị xã Phủ Lý và 5 huyện: Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Lý Nhân, Thanh Liêm.

Ngày 21/4/1965, Quốc hội quyết định sáp nhập tỉnh Hà Nam và Nam Định thành tỉnh Nam Hà. Đến ngày 1/6/1965, tổ chức bộ máy tỉnh Nam Hà chính thức đi vào hoạt động, gồm 14 huyện, 1 thành phố và 1 thị xã.

Ngày 27/12/1975, sau khi thống nhất đất nước, Quốc hội ra nghị quyết hợp nhất tỉnh Nam Hà và Ninh Bình thành tỉnh Hà Nam Ninh.

Sau 16 năm, ngày 26/12/1991, tỉnh Hà Nam Ninh lại tách thành Nam Hà và Ninh Bình.

Đến ngày 6/11/1996, Quốc hội tiếp tục tách Nam Hà thành Nam Định và Hà Nam.

Từ 1/1/1997, tỉnh Hà Nam chính thức được tái lập sau hơn 32 năm hợp nhất.

Đây là dấu mốc quan trọng, mở ra thời kỳ phát triển mới của tỉnh Hà Nam. Khi tách ra, tỉnh Hà Nam có 6 đơn vị hành chính gồm thị xã Phủ Lý và 5 huyện: Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Lý Nhân, Thanh Liêm.

Ngày 9/6/2008, chuyển thị xã Phủ Lý thành thành phố Phủ Lý.

Ngày 1/1/2020, chuyển huyện Duy Tiên thành thị xã Duy Tiên.

Ngày 14/11/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1288/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Hà Nam giai đoạn 2023- 2025 (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2025). Theo đó, thành lập thị xã Kim Bảng thuộc tỉnh Hà Nam trên cơ sở toàn bộ huyện Kim Bảng.

Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nam là tỉnh có ít đơn vị hành chính cấp huyện nhất cả nước với 1 thành phố, 2 thị xã và 3 huyện.

Tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Hà Nam

Nằm giáp ranh Hà Nội, là đầu mối giao thông kết nối cửa ngõ phía Nam với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và khu vực Bắc Trung Bộ, Hà Nam là cầu nối quan trọng trong hành lang kinh tế Bắc-Nam. Tỉnh còn nằm trong liên kết vùng của tứ giác kinh tế Quảng Ninh-Hải Phòng-Hà Nội-Thanh Hóa, nơi có tốc độ tăng trưởng hàng đầu cả nước.

 Không gian phát triển tỉnh Hà Nam (Nguồn: Hồ sơ Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050)

Không gian phát triển tỉnh Hà Nam (Nguồn: Hồ sơ Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050)

Trong chiến lược phát triển kinh tế những năm gần đây, Hà Nam ưu tiên đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, đường giao thông nhắm tới mục tiêu trở thành một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ cao của cả nước.

Với vị trí đắc địa, đồng thời là một trong số những địa phương hiếm hoi trên cả nước có khả năng phát triển đầy đủ các loại hình giao thông, Hà Nam có thế mạnh lớn trong thu hút đầu tư, đặc biệt là phát triển các dự án trọng điểm.

Nhiều năm liền, Hà Nam luôn nằm trong top 10-15 tỉnh thành thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tốt nhất cả nước.

Về phát triển du lịch, những năm gần đây, Hà Nam nổi lên là điểm đến du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa gắn với du lịch tâm linh, vui chơi giải trí, thể thao... thu hút ngày càng đông du khách trong nước và nước ngoài.

Tỉnh sở hữu nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, đa dạng về địa hình, địa mạo; từ cảnh quan núi đá, hang động như Ngũ Động Sơn, hang Luồn, Bát Cảnh Sơn cho tới hệ thống sông hồ dày đặc với vẻ đẹp thơ mộng như sông Hồng, sông Đáy, núi Đọi-sông Châu, hồ Tam Chúc...

Song song với đó là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn với nhiều giá trị nổi bật, thể hiện qua hệ thống 230 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt (Chùa Đọi Sơn và Đền Trần Thương), 95 di tích cấp quốc gia, 133 di tích cấp tỉnh; 209 lễ hội dân gian cùng hơn 40 làng nghề thủ công truyền thống lâu đời như dệt lụa Nha Xá, trống Đọi Tam, gốm Quyết Thành, mộc Kim Bảng...

Năm 2024, Hà Nam đã vượt qua nhiều địa danh nổi tiếng khác trong khu vực được Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards - WTA) vinh danh là "Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á.”

 Lễ hội múa lân sư rồng tại Khu du lịch Tam Chúc (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam). (Ảnh: Đại Nghĩa - TTXVN)

Lễ hội múa lân sư rồng tại Khu du lịch Tam Chúc (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam). (Ảnh: Đại Nghĩa - TTXVN)

Trước đó, Hà Nam cũng được Tổ chức Du lịch Thế giới trao tặng danh hiệu “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới năm 2023.” Những giải thưởng này đã khẳng định sức hút du lịch của tỉnh trên bản đồ khu vực và quốc tế.

Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nam sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2050. Tỉnh được định hướng trở thành đô thị thông minh, hiện đại; là trung tâm hậu cần về công nghiệp, công nghệ cao, y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, dịch vụ du lịch, thương mại của Vùng đồng bằng sông Hồng./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/lich-su-tinh-ha-nam-tinh-co-it-don-vi-hanh-chinh-cap-huyen-nhat-ca-nuoc-post1022210.vnp
Zalo