Công nhận phù điêu Kala Núi Bà là bảo vật Quốc gia
Phù điêu Kala Núi Bà có niên đại thế kỷ XIV, được phát hiện vào năm 1993 trong cuộc khai quật di tích Núi Bà (ở xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật Quốc gia.
Sáng 1/4, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật Quốc gia phù điêu KaLa Núi Bà.

Trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Phù điêu Kala Núi Bà là bảo vật quốc gia.
Kala được phát hiện trong cuộc khai quật khu di tích Núi Bà 1993 có niên đại khoảng thế kỷ XIV, là di vật đạt đỉnh cao kỹ thuật tạo tác và nghệ thuật điêu khắc của văn hóa Chăm. Phù điêu cùng với các hiện vật khác gắn liền với kiến trúc đền tháp này giúp cho các nhà khoa học xác định được các giá trị căn bản của di vật này như tính nguyên gốc, niên đại của di tích và di vật cũng như xác định được quy mô, tầm vóc của di tích Núi Bà, trong phức hợp các di tích Chăm ở Phú Yên nói riêng và di tích Champa trên dọc duyên hải miền Trung Việt Nam.
Kala được phát hiện trong các di tích Chăm giai đoạn sớm được tạo tác trên nền chất liệu đất nung (Mỹ Sơn) và tạo tác trên chất liệu đá chỉ xuất hiện trong giai đoạn muộn thuộc phong cách Bình Định mà điển hình là di tích Dương Long.
Kala Phú Yên với tạo tác trên nền khối đá hình lá nhĩ, đường nét chạm khắc tinh tế, bố cục và kỹ thuật tạo hình đã tạo nên một Kala có thần thái riêng, độc đáo so với các Kala phát hiện trong các di tích Chăm khác.

Phù điêu KaLa Núi Bà đang được trưng bày tại Bảo tàng Phú Yên.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đào Mỹ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết: Phù điêu Kala Núi Bà là hiện vật gốc, độc bản, được phát hiện trong hố khai quật di tích Núi Bà, cùng với việc phát hiện được nền móng của công trình kiến trúc đền tháp Champa tại đây. Sau khi được phát hiện và đưa về bảo quản, trưng bày ở Bảo tàng Phú Yên, phù điêu Kala đã được nhiều chuyên gia về văn hóa Champa quan tâm nghiên cứu và đánh giá cao về ý nghĩa lịch sử và giá trị văn hóa.
Phù điêu Kala Núi Bà là bảo vật Quốc gia đầu tiên của tỉnh Phú Yên được Thủ tướng Chính phủ công nhận. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh nói chung và di sản văn hóa Champa nói riêng.