Quê hương trong tim và trách nhiệm với sự phát triển của đất nước

Những ngày qua, trên không gian mạng dấy lên nhiều ý kiến, bàn luận xung quanh câu chuyện lớn về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, nhất là về việc lựa chọn trung tâm chính trị-hành chính và tên gọi mới của các đơn vị hành chính sau sắp xếp. Băn khoăn, lo lắng của người dân là hoàn toàn tự nhiên và dễ hiểu, bởi 'quê cha đất tổ' luôn là một phần máu thịt, là cội nguồn thiêng liêng trong tâm thức mỗi người.

Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư. Ảnh: Minh Quang

Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư. Ảnh: Minh Quang

Tự ngàn xưa, người Việt đã coi trọng tình làng nghĩa xóm và quê hương-nơi “chôn nhau cắt rốn” luôn là nơi để mỗi người tìm về cội rễ, nuôi dưỡng tâm hồn. Câu chuyện truyền thuyết “con Rồng cháu Tiên” đã khắc sâu trong tâm khảm mỗi người dân Việt về niềm tự hào dân tộc, sự đoàn kết, thống nhất từ xa xưa của cộng đồng người Việt.

Chủ tịch Hồ Chí Minh-lãnh tụ kính yêu của dân tộc đã khẳng định: “đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc”. Người căn dặn: “Dân ta xin nhớ chữ “đồng”: đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh” và “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”.

Tư tưởng “đại đoàn kết” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại cũng chính là sự kế thừa và phát triển cao đẹp truyền thống “con Rồng cháu Tiên”, nhắc nhở chúng ta về sự gắn bó, sẻ chia và trách nhiệm với dân tộc, với quê hương, đất nước. Dù ở đâu, chúng ta vẫn là anh em một nhà, cùng chung dòng máu Lạc Hồng, là người Việt máu đỏ, da vàng!

Trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc để sánh vai với các cường quốc năm châu, việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính là một chủ trương lớn mang tầm chiến lược của Đảng và Nhà nước.

Mục tiêu cao nhất là nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tập trung, huy động các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, Nhân dân ấm no, hạnh phúc. Do đó, việc sáp nhập không phải là sự “mất đi” mà là sự “hợp lại”, là bước đi cần thiết để tạo ra những đơn vị hành chính mới có quy mô lớn hơn, mạnh hơn, có không gian phát triển, đủ sức giải quyết những thách thức trong giai đoạn phát triển mới.

Đồng tình với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cũng như việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nhiều người đã và đang sẵn sàng thích ứng với sự thay đổi quan trọng này, hi sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của đất nước. Song, bên cạnh sự ủng hộ, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn về những xáo trộn trong đời sống, về những giá trị văn hóa quê hương có thể bị ảnh hưởng khi sắp xếp các đơn vị hành chính.

Cá biệt, có không ít người dùng mạng xã hội để bày tỏ những tâm tư, băn khoăn về sắp xếp tỉnh, tên gọi sau khi sắp xếp, nơi đặt trung tâm hành chính mới với thái độ tiêu cực, chê bai, bài xích, thậm chí là dùng lời lẽ miệt thị về phong tục, tập quán, so sánh địa phương này, địa phương kia, tỉnh tôi thế này, tỉnh anh thế kia… Chúng ta hoàn toàn đồng cảm, sẻ chia với những tâm tư, lo lắng của người dân trước việc sáp nhập, đặt tên, lựa chọn trung tâm chính trị-hành chính mới của đơn vị hành chính mới sau sắp xếp.

Tuy nhiên, việc người dùng mạng xã hội có những lời lẽ tuyên truyền kích động theo hướng tiêu cực, gây hoang mang dư luận là hành động đi ngược lại lợi ích chung của quốc gia, dân tộc. Nó không chỉ tạo ra sự chia rẽ đoàn kết, cục bộ địa phương mà còn cản trở những nỗ lực phát triển đất nước theo chủ trương, định hướng lớn của Đảng trước kỷ nguyên mới, vận hội mới của đất nước.

Thật vậy, tên làng, tên xã, tên huyện, tên tỉnh không chỉ là những địa danh trên bản đồ, mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử, là dấu ấn riêng biệt của mỗi vùng đất. Nhưng có một chân lý, dù tên gọi và địa giới hành chính có thể thay đổi theo thời gian nhưng những giá trị cốt lõi của quê hương vẫn luôn được bảo tồn, phát huy và nhận diện qua những công trình kiến trúc cổ kính, những phong tục tập quán truyền thống, qua lời ăn tiếng nói của người dân.

“Quê hương” vẫn luôn là “miền nhớ” trong ký ức thân thương, trong trái tim mỗi người. Nhìn rộng hơn, lịch sử bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước đã chứng minh: dù trải qua bao biến thiên thăng trầm nhưng hồn cốt văn hóa, khí phách Việt Nam vẫn luôn trường tồn. Đặc biệt là hơn một nghìn năm Bắc thuộc-một giai đoạn tưởng chừng như có thể xóa bỏ mọi dấu vết của văn hóa và bản sắc Việt.

Thế nhưng, dù thế lực ngoại bang có ra sức áp đặt, đồng hóa về văn hóa, kinh tế, ngôn ngữ, thì tinh thần yêu nước, ý chí độc lập của dân tộc Việt, của con Lạc, cháu Hồng vẫn luôn là dòng chảy xuyên suốt, phát triển mạnh mẽ, không bao giờ ngưng nghỉ.

Những chiến thắng lịch sử như: Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng ngày 30/4/1975… đã minh chứng cho sức sống mãnh liệt của tinh thần đoàn kết, ái quốc-“hồn cốt” Việt Nam, không thể bị khuất phục bởi bất kỳ thế lực nào.

Thực tế cũng cho thấy, ở mỗi giai đoạn cách mạng của đất nước thì cũng có những yêu cầu lịch sử đặt ra. Do đó, sau nhiều lần chia tách, sáp nhập, dù những địa danh như kinh đô Hoa Lư, kinh đô Thăng Long, quận Ái Châu, thành phố Gia Định, thành phố Hà Đông, thương cảng Phố Hiến... không còn tên gọi cũ trên bản đồ hành chính đương đại, nhưng những giá trị văn hóa, lịch sử của các vùng đất ấy vẫn sống mãi và không ngừng được vun bồi, phát triển, lan tỏa qua các di sản vật thể và phi vật thể.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Thành nhà Hồ, chợ Bến Thành, làng lụa Vạn Phúc, Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến... là những minh chứng nhận diện văn hóa của các địa danh xưa kia.

Và giữa nhịp sống hiện đại, ta vẫn nhận ra âm hưởng thân thương trong giọng nói đặc trưng của người miền Bắc, Trung, Nam, xứ Thanh, xứ Nghệ, Quảng Nam... Những món ăn-ẩm thực truyền thống mang đậm hương vị, văn hóa của từng vùng miền như bánh chưng, bánh tét, bánh dày, bún bò Huế, mỳ Quảng,… cũng vẫn sẽ luôn là niềm tự hào, bồi đắp nên hồn cốt văn hóa và là sợi dây kết nối những người con đất Việt trên khắp mọi miền Tổ quốc, kiều bào ta ở nước ngoài. Vậy nên, thay đổi tên gọi không phải là phủ nhận quá khứ mà là kiến tạo tương lai trên nền tảng lịch sử và văn hóa.

Tổng Bí thư Tô Lâm từng nói: “Khi sáp nhập có tâm lý, tâm trạng về quê hương thì đúng rồi, tôi hết sức chia sẻ. Nhưng đất nước chính là quê hương, chúng ta phải vì sự phát triển chung. Sáp nhập để gọn lại, tiết kiệm chỉ là một phần, sáp nhập để tạo động lực, tạo dư địa cho phát triển mới là quan trọng!”.

Lời của Tổng Bí thư như một sự khẳng định mạnh mẽ tinh thần “đồng bào” của dân tộc. Quê hương là nơi ta sinh ra và lớn lên, nhưng Tổ quốc là mái nhà chung của tất cả chúng ta”, đất nước là nơi dân mình đoàn tụ. Trên dải đất hình chữ S này, mỗi tấc đất, mỗi ngọn núi, con sông đều là một phần máu thịt của Tổ quốc!

Và câu nói của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã gợi mở cho chúng ta góc nhìn sâu sắc, đầy trách nhiệm về những ưu tiên cao cả hơn, về vận mệnh của cả dân tộc: Nỗi sợ lớn nhất không phải là sự thay đổi tên gọi hành chính, “mất quê” mà là nguy cơ tụt hậu, đánh mất vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Trong tiến trình phát triển của đất nước, những thay đổi là điều tất yếu. Chúng ta cần nhìn nhận những thay đổi về sắp xếp, lựa chọn trung tâm chính trị-hành chính và tên gọi hành chính mới sau sắp xếp với tinh thần xây dựng, với tầm nhìn hướng tới tương lai. Hãy đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết để cùng nhau chung tay xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Hãy để tình yêu quê hương, đất nước và khát vọng về một tương lai tươi sáng dẫn lối, đừng để những dư luận tiêu cực cản trở bước tiến của dân tộc. Bởi “non sông gấm vóc” này là của chúng ta và tương lai của quê hương, đất nước nằm trong chính sự đoàn kết, nỗ lực của mỗi người dân Việt Nam.

Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/que-huong-trong-tim-va-trach-nhiem-voi-su-phat-trien-cua-446110.htm
Zalo