LHQ thông qua các nghị quyết kêu gọi chấm dứt xung đột Nga - Ukraine
Nghị quyết do Mỹ dự thảo được cơ quan quyền lực nhất Liên Hợp Quốc thông qua mà không có nội dung đề cập tới các hành động được cho là gây hấn của Nga.

Toàn cảnh một phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ ở New York (Mỹ). Ảnh: THX/TTXVN.
Ngày 24/2 (theo giờ bờ Đông của Mỹ), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua một nghị quyết kêu gọi nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột, đồng thời hối thúc thiết lập nền hòa bình bền vững giữa Ukraine và Liên bang Nga.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, nhân dịp tròn 3 năm ngày bùng phát cuộc xung đột Nga - Ukraine, Đại hội đồng LHQ và HĐBA LHQ đã tổ chức các cuộc họp để tiến hành thảo luận và bỏ phiếu về các nghị quyết liên quan. HĐBA đã thông qua nghị quyết nói trên với 10 phiếu thuận, không có phiếu chống và 5 phiếu trắng (trong đó có các lá phiếu của hai ủy viên thường trực Anh và Pháp).
Nghị quyết do Mỹ dự thảo được cơ quan quyền lực nhất LHQ thông qua mà không có nội dung đề cập tới các hành động được cho là gây hấn của Nga, qua đó thể hiện sự thay đổi trong lập trường lâu nay của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh đối với cuộc xung đột này, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đẩy mạnh các nỗ lực trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine.
Trước đó cùng ngày, Đại hội đồng LHQ đã thông qua một nghị quyết yêu cầu Nga rút toàn bộ binh sĩ khỏi Ukraine. Bản dự thảo nghị quyết do Liên minh châu Âu (EU) bảo trợ nhận được 93 phiếu thuận, 18 phiếu chống và 65 phiếu trắng, theo đó kêu gọi thiết lập một nền hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững tại Ukraine. Nghị quyết của Đại hội đồng không mang tính ràng buộc pháp lý, song việc số phiếu ủng hộ thấp hơn các nghị quyết trước đây cho thấy sự thay đổi quan điểm của nhiều nước thành viên LHQ và cộng đồng quốc tế đối với cuộc xung đột ở Ukraine. Đáng chú ý, Mỹ là một trong những nước bỏ phiếu chống đối với nghị quyết này.
Phát biểu nhân sự kiện này, Tổng thư ký LHQ António Guterres một lần nữa tái khẳng định sự cấp thiết phải xây dựng một nền hòa bình công bằng, bền vững và toàn diện, đảm bảo tôn trọng độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine với các đường biên giới được cộng đồng quốc tế công nhận, phù hợp với Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế và các nghị quyết của Đại hội đồng LHQ. Tổng thư ký LHQ hoan nghênh mọi nỗ lực hướng tới mục tiêu này, đồng thời nhấn mạnh LHQ sẵn sàng hỗ trợ các sáng kiến một cách hiệu quả.
Tổng thống Mỹ: Cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể kết thúc ‘trong vài tuần’
Đúng ngày kỷ niệm tròn 3 năm xung đột Nga - Ukraine (24/2/2022 - 24/2/2025), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể kết thúc “trong vòng vài tuần” và khẳng định Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin sẽ cho phép lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu được triển khai tại Ukraine như một phần của thỏa thuận tiềm năng.
“Tôi nghĩ chúng ta có thể kết thúc nó trong vòng vài tuần. Nếu chúng ta thông minh. Nếu không, cuộc chiến sẽ tiếp diễn, và chúng ta sẽ tiếp tục mất đi những con người trẻ trung, tuyệt vời, những người đáng lẽ ra không phải chết”, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói khi đứng cùng người đồng cấp phía Pháp Emmanuel Macron tại Nhà Trắng.
Ông Trump tuyên bố Mỹ ủng hộ việc gửi quân đội châu Âu để giám sát lệnh ngừng bắn và rằng ông đã thảo luận đề xuất này với ông Putin, người mà ông cho là “sẽ chấp nhận điều đó”.
Theo báo The Kyiv Independent ngày 25/2, khi được hỏi liệu Ukraine có nên sẵn sàng nhượng bộ lãnh thổ cho Liên bang Nga như một phần của thỏa thuận đàm phán hay không, ông Trump trả lời: “Chúng ta sẽ xem xét”, đồng thời lưu ý rằng các cuộc đàm phán vẫn đang ở giai đoạn đầu.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết châu Âu sẵn sàng cung cấp các đảm bảo an ninh cho Ukraine, bao gồm cả lực lượng gìn giữ hòa bình trong trường hợp có lệnh ngừng bắn.
TTXVN