Lễ hội Vía Bà Ngũ hành Long Thượng mang đậm bản sắc văn hóa vùng Nam Bộ
Diễn ra từ ngày 18 đến 21 tháng Giêng, Lễ hội vía Bà Ngũ hành Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An với các hoạt động, nghi thức nghệ thuật, diễn xướng dân gian,… thu hút hàng chục ngàn người từ khắp nơi trong và ngoài địa phương đến cúng viếng, cầu năm mới bình an, tài lộc.
Theo chân các cư dân Đàng Ngoài vào Nam khai phá, tục thờ Ngũ hành xuất hiện từ rất sớm, gắn với quá trình hình thành và phát triển của vùng Cần Giuộc. Vì thế, trong tâm thức của cộng đồng cư dân, Bà Ngũ hành không chỉ là nữ thần cai quản các yếu tố thiên nhiên mà còn là vị thần bảo hộ mang đến bình an, hạnh phúc cho vùng đất và con người nơi đây. Lễ hội Vía Bà Ngũ hành đi vào đời sống tinh thần của người dân
Long Thượng, trở thành nét sinh hoạt văn hóa tâm linh định kỳ không thể thiếu.

Đông đảo khách thập phương đến với Lễ hội Vía Bà Ngũ hành Long Thượng (huyện Cần Giuộc)
Ngoài cúng bái Bà, lễ hội còn là dịp để cộng đồng tưởng nhớ, tri ân những bậc tiền hiền, hậu hiền, những anh hùng, liệt sĩ có công với quê hương, đất nước, tiêu biểu như Lãnh binh Nguyễn Hữu Tình - người anh hùng đứng lên chiêu mộ nghĩa quân và tham gia nhiều trận đánh chống thực dân Pháp xâm lược, trong đó có trận tập kích đồn Tây Dương (ngày 16/12/1861).
Một điểm nhấn trong Lễ hội Vía Bà Ngũ hành là bữa cơm thân mật mà người đi lễ thường gọi là “ăn để lấy lộc Bà” - một bữa cơm bình dị, thấm đượm tính cộng đồng.
Thật vậy, bữa cơm không đơn thuần là để "lấy lộc" mà còn là dịp để mọi người ngồi lại với nhau, không phân biệt giai cấp, địa vị xã hội, xa hay gần, tất cả đều bình đẳng trong một không gian gần gũi, cùng trò chuyện để hiểu nhau hơn, từ đó, thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm, mở ra mối giao lưu kết nối trong và ngoài tỉnh.
“Năm nào tôi cũng đến miếu Bà Ngũ hành Long Thượng để cầu cho gia đình được bình an, làm ăn thuận lợi. Mặc dù khách hành hương đến miếu bà rất đông nhưng an ninh, trật tự bảo đảm nên chúng tôi rất yên tâm” - chị Trần Thị Tuyết Mai (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức) nói.
Đến với Lễ hội Vía Bà Ngũ hành xã Long Thượng, du khách được thưởng thức nhiều hoạt động đặc sắc. Không chỉ chiêm ngưỡng, cúng bái, du khách còn được chứng kiến lễ cầu an, nhạc lễ, múa lân, dâng bông, hát chập Địa nàng,... đặc biệt là múa bóng rỗi.

Đông đảo du khách đến xin lộc
Lễ hội Vía Bà Ngũ hành năm nay trùng vào dịp cuối tuần nên lượng khách đến viếng khá đông. Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu Thủy (quận 8, TP.HCM) chia sẻ: “Hầu như năm nào vợ chồng tôi cũng đến với lễ hội. Ngoài cúng viếng, cầu năm mới bình an, tài lộc, vợ chồng tôi còn được thưởng thức chương trình nghệ thuật ca múa đặc sắc. Cả nhà thích thú với các tiết mục múa bóng rỗi do các cô bóng, bà bóng biểu diễn”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Đào Thị Ngọc Vui cho biết, miếu Bà Ngũ hành Long Thượng không những là chứng tích vật chất trong cuộc Nam tiến của cha ông ta trên mảnh đất này trong suốt quá trình tồn tại mà còn là nơi bảo tồn một lễ hội truyền thống. Lễ hội được tổ chức khá trang trọng với các nghi thức về nghệ thuật, diễn xướng dân gian: Chầu mời, thỉnh bà, dâng bông, bóng rỗi, hát chập Địa nàng,... Lễ hội Vía Bà Ngũ hành ở Long Thượng còn là dịp để người dân trong và ngoài địa phương gặp gỡ, giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng./.