Sự sáng tạo đang chững lại
Số lượng người chơi ảnh, xem việc chụp ảnh như một niềm vui trong cuộc sống, cũng như số lượng nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp ở nước ta hiện nay đông đảo hơn hẳn các thời kỳ trước đây. Tuy nhiên, điều đáng nói là số lượng lại chưa đi đôi cùng chất lượng, sự sáng tạo và đổi mới. Lối mòn của nhiếp ảnh Việt Nam đang được tô đậm hơn ở cả các cuộc thi ảnh báo chí và nghệ thuật.

“Lối sống hiện đại”, Huy chương vàng thể loại ảnh Ý tưởng, Cuộc thi và Triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam 2024. Ảnh: Lê Tuấn Anh
Quen thuộc và an toàn
Thống kê của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cho thấy, tính đến năm 2024, Hội có 1.105 hội viên. Theo Quy chế kết nạp hội viên của Hội ở cả ba địa hạt: sáng tác, lý luận phê bình và giảng dạy, các hội viên đều “phải có trình độ sáng tác ảnh nhất định”. Riêng đối với chuyên ngành sáng tác, điều kiện đầu tiên để trở thành hội viên là có đủ 60 điểm tại các cuộc thi, liên hoan ảnh do Hội tổ chức, phối hợp tổ chức hoặc bảo trợ, đặc biệt là phải có ít nhất một tác phẩm được trưng bày tại triển lãm ảnh cấp quốc gia do Hội tổ chức, phối hợp tổ chức. Theo thang điểm được quy định ở quy chế này, một Huy chương vàng tại cuộc thi và triển lãm cấp quốc gia tương đương 15 điểm, ảnh được bày tại đây tương đương 10 điểm.
Hiện không có số liệu chính xác và thống kê chi tiết về tổng số người chơi ảnh ở Việt Nam. Tuy nhiên, có thể nói, con số này được tăng lên theo cấp số nhân, với các cộng đồng nhiếp ảnh hoạt động rất sôi nổi, rộng khắp. Có nhiều nhóm, diễn đàn, các sự kiện về nhiếp ảnh được tổ chức thường xuyên. Sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội và trang thông tin trực tuyến tạo thêm cơ hội dễ dàng cho người dùng chia sẻ ảnh của mình, từ đó hình thành những cộng đồng nhiếp ảnh xuyên biên giới rất lớn. Cùng với đó, sự phát triển không ngừng của công nghệ chế tạo camera cho máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại thông minh, biến các thiết bị này thành công cụ hỗ trợ việc chụp ảnh trở nên thuận tiện, phổ biến.
Mặc dù vậy, trong những năm gần đây, chất lượng các tác phẩm lại được cho là không tỷ lệ thuận với sự gia tăng số lượng người cầm máy. Điều này được thể hiện rõ rệt nhất ở các cuộc thi ảnh.
Mỗi năm, ở Việt Nam, có hàng trăm cuộc thi ảnh từ cấp độ quốc gia, khu vực, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tới phạm vi hẹp hơn, thuộc một số lĩnh vực ngành nghề, các nhóm, cộng đồng nhất định. Cũng từ đó, bộc lộ vấn đề lớn nhất mà nhiếp ảnh Việt Nam đang gặp phải: Tính sáng tạo, sự đổi mới đang có xu hướng chững lại. Nhiều bức ảnh tuy đẹp nhưng đã quá quen thuộc và an toàn. Chia sẻ về thực trạng này với chúng tôi, bà Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cho rằng, có nhiều lý do dẫn đến các sáng tác nhiếp ảnh đang chững lại, cả ở cấp độ cá nhân lẫn cấp độ cộng đồng nhiếp ảnh. Trong đó, phải kể đến sự bão hòa về hình ảnh bởi sự phát triển của mạng xã hội và điện thoại thông minh khiến cho hình ảnh được sản xuất và tiêu thụ với số lượng khổng lồ hằng ngày.
Khi các nhiếp ảnh gia tiếp xúc với quá nhiều hình ảnh, họ có thể dễ dàng rơi vào tình trạng thiếu cảm hứng sáng tạo, khó tìm ra những ý tưởng mới. Bên cạnh đó, nhiều người chụp ảnh chỉ dừng lại ở mức độ nghiệp dư, thiếu kiến thức về lý thuyết và kỹ thuật nhiếp ảnh. Điều này làm hạn chế khả năng sáng tạo và phát triển của họ. “Tính phong trào của nhiếp ảnh Việt Nam là một thực tế không thể phủ nhận. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc tính chuyên nghiệp bị lấn át. Để phát triển bền vững, nhiếp ảnh Việt Nam cần sự cân bằng giữa tính phổ biến và tính chuyên nghiệp, giữa đam mê và sự nghiệp”, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam nhấn mạnh.
Mặt khác, cũng cần nhắc đến một thực tế là, mỗi năm, còn có nhiều giải thưởng mang tính quốc tế được trao cho các tay máy đến từ Việt Nam. Tuy vậy, tại một số giải thưởng nhiếp ảnh có uy tín tầm cỡ thế giới, được giới nghề trọng vọng, như World Press Photo (Giải thưởng Ảnh báo chí thế giới), Sony World Photography Awards (Giải thưởng ảnh thế giới Sony), số lượng các nhà nhiếp ảnh Việt Nam được gọi tên là rất hiếm hoi.
Sợ thất bại, ngại thay đổi thói quen
Cho dẫu trên thế giới, từ bao năm qua, xuất hiện nhiều trào lưu nhiếp ảnh, như nhiếp ảnh trừu tượng, nhiếp ảnh kết hợp hội họa, nhiếp ảnh đơn sắc… nhưng các tay máy trong nước vẫn “trung thành” với thể loại ảnh hiện thực hơn tất thảy.
Năm 2012, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) lần đầu tổ chức Cuộc thi và Triển lãm ảnh ý tưởng, với sự bảo trợ của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Đây được xem là cuộc thi và triển lãm nhiếp ảnh có tính chuyên đề đầu tiên được tổ chức quy mô toàn quốc tại Việt Nam, mang ý nghĩa quan trọng trong khuyến khích sự đổi mới đối với giới nhiếp ảnh Việt Nam, đem tới cơ hội thể nghiệm cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh trong cả nước.
Tuy nhiên, mô hình này chỉ diễn ra duy nhất một lần rồi được thu hẹp lại thành một thể loại thuộc Festival nhiếp ảnh trẻ quy mô toàn quốc, định kỳ hai năm (kể từ năm 2015) và Cuộc thi và Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam, định kỳ hai năm (kể từ năm 2020).
Tại Cuộc thi và Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam 2024, số lượng tác phẩm tham dự thể loại ảnh ý tưởng rất ít, không đáng kể so thể loại ảnh hiện thực. Bên cạnh đó, chất lượng chung của thể loại ảnh này cũng không cao; Hội đồng nghệ thuật phải “so bó đũa, chọn cột cờ” để tìm ra tác phẩm trao giải. Chưa kể, nội dung của các bức ảnh “ý tưởng” cũng khá bó buộc trong phạm vi an toàn, thay vì đi vào các đề tài gai góc, chứa đựng suy tư sâu sắc về nhiều vấn đề thời cuộc.
Lý do khiến nhiều tay máy ngại thay đổi lối sáng tác hiện thực đến từ thói quen đã định hình. Bên cạnh đó, việc khám phá những xu hướng mới luôn đi kèm với rủi ro, thất bại. Một số nhiếp ảnh gia, trong trao đổi với chúng tôi, bày tỏ ngần ngại rằng, thể nghiệm của họ sẽ không dễ dàng được công chúng đón nhận hoặc không đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng.
Đặc biệt, để khám phá những xu hướng mới, nhiếp ảnh gia cần phải có kiến thức cập nhật sâu rộng về lý thuyết và kỹ thuật nhiếp ảnh, cũng như khả năng tiếp cận công nghệ mới, đòi hỏi sự đầu tư tài chính không nhỏ. Trong khi, có một thực tế không thể phủ nhận, số lượng các nhà nhiếp ảnh Việt Nam sống được bằng nghề sáng tác ảnh vẫn còn quá hiếm hoi. Phần lớn họ phải làm nhiều công việc khác nhau liên quan tới nhiếp ảnh như chụp ảnh quảng cáo, chụp ảnh theo đơn đặt hàng, làm tour khám phá nhiếp ảnh… để trang trải cuộc sống.
Được biết, hằng năm, mô hình trại sáng tác nhiếp ảnh vẫn được tổ chức, tạo điều kiện cho người hoạt động trong lĩnh vực này gặp gỡ, giao lưu và sáng tác. Tuy vậy, tính phong trào một lần nữa lại được thể hiện ở các trại sáng tác như thế, khi một khung cảnh, một hoạt động của con người mà có tới cả chục ống kính cùng hướng vào. Kết quả là, dù có hàng trăm bức ảnh được ra đời nhưng lại “na ná” nhau về mặt hình ảnh.
Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn Việt, các tổ chức, cơ quan chức năng như Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam nên bỏ trại sáng tác nhiếp ảnh, thay vào đó là một cách tổ chức khác, nhằm tôn vinh cá tính sáng tạo của nghệ sĩ nhiếp ảnh. Anh Việt cho rằng, cần đề cao tính tự chủ của các nhà nhiếp ảnh Việt Nam. Anh nhấn mạnh việc tự bỏ tiền túi cho các chuyến đi đến nhiều vùng đất, trong đó có cả nước ngoài, như tại các đất nước có chiến tranh, tại các nước đang có các vấn đề cấp bách về biến đổi khí hậu… để mang về các bức ảnh giàu cảm xúc và thông điệp xã hội hơn. Bản thân anh, để chụp được hang Sơn Đoòng ở thời điểm mới được phát hiện, đã phải qua sáu lần tự chịu mọi chi phí để tới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và tham gia tour thám hiểm có giá lên tới 70 triệu đồng/tour/người. Số tiền mà anh bỏ ra không hề nhỏ để có các bức ảnh chụp hang động xứng tầm, góp phần làm nên tên tuổi của anh.