Giải pháp của mọi giải pháp
Đã có hơn 40 năm gắn bó với chiếc máy ảnh, dày dạn kinh nghiệm nghề nghiệp, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Tiến Dũng đã đưa ra những nhận xét thẳng thắn cùng gợi mở cho hướng phát triển tiếp theo của nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam, trong cuộc trao đổi với phóng viên Nhân Dân cuối tuần.

Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Tiến Dũng.
Một bức ảnh cần chứa đựng nhiều thứ hơn “đẹp”
- Thưa ông, nhiếp ảnh đã hiện diện ở Việt Nam từ hơn 150 năm qua. Nhìn lại chặng đường lịch sử quý giá ấy, ông có thể chia sẻ quan điểm về những giá trị nổi bật của lĩnh vực nghệ thuật này, đặt trong bối cảnh cụ thể của xã hội Việt Nam?
- Một trong những đóng góp xã hội nổi bật nhất của nhiếp ảnh chính là giá trị tư liệu. Nhìn lại lịch sử của nhiếp ảnh Việt Nam, ta càng thấy rõ điều này.
Chỉ 30 năm sau khi xuất hiện nhiếp ảnh trên thế giới, năm 1869, cụ Đặng Huy Trứ, một viên quan thức thời của nhà Nguyễn, đã đưa nhiếp ảnh vào Việt Nam thông qua việc mở hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường (trên phố Thanh Hà, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội ngày nay). Nhiếp ảnh cửa hiệu từng rất phát triển ở Việt Nam. Lịch sử ghi nhận làng nhiếp ảnh Lai Xá, ghi nhận cụ Khánh Ký đã kinh doanh nhiếp ảnh cửa hiệu thành công ở ngay trên đất Pháp, nơi ra đời của nhiếp ảnh. Cụ cũng là người giúp Bác Hồ, khi mới đến Paris, học nghề chụp ảnh và làm buồng tối để kiếm sống.
Trong nước, một số chủ cửa hiệu ảnh là chứng nhân lịch sử, khi họ ghi lại được những hình ảnh quý giá, là sử liệu không thể thay thế, như hình ảnh về cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội. Lúc đó, tôi tin rằng, họ đã chụp với tất cả cảm xúc khi được chứng kiến diễn biến lớn lao chưa từng có của lịch sử dân tộc. Nhiều người trong số họ đã theo cách mạng, theo kháng chiến, tiếp tục đóng góp quan trọng vào việc ghi lại và lưu giữ những hình ảnh có giá trị lịch sử to lớn. Bức ảnh Bác Hồ ở mặt trận Đông Khê năm 1950 của Vũ Năng An, bộ ảnh về Chiến dịch Điện Biên Phủ của Triệu Đại… là những thí dụ điển hình.
Trải qua hai cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập thống nhất Tổ quốc, các thế hệ cầm máy của Việt Nam đã thật sự gắn bó với vận nước. Riêng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, nhiều phóng viên ảnh đã để lại những bộ ảnh vô cùng giá trị về mặt tư liệu, đồng thời chứa đựng cảm xúc mãnh liệt và suy tư sâu sắc về con người, về tình người. Tới hôm nay và lâu dài về sau, tôi tin rằng những bức ảnh ấy vẫn làm lay động người xem…
- Ông vừa nhấn mạnh về giá trị tư liệu của nhiếp ảnh. Còn giá trị nghệ thuật của nó, thưa ông?
- Nhiếp ảnh là khoảnh khắc mà nếu khoảnh khắc ấy có thể chứa đựng một thông điệp rõ ràng, sâu sắc thì khoảnh khắc ấy có giá trị lâu dài và càng về sau, càng quý giá; điều này làm nên nghệ thuật.
Thế giới đánh giá cao tính sáng tạo, như thấy vấn đề/ hình ảnh mà người khác chưa thấy, hoặc vấn đề tưởng quen thuộc song lại được thể hiện một cách mới mẻ qua ngôn ngữ nhiếp ảnh. Để có một bức ảnh giá trị, nhiếp ảnh gia phải rèn luyện trí tuệ để tạo nên chiều sâu của tác phẩm, chứ không đơn giản cứ lang thang chụp và chụp rồi vô tình bắt được một khoảnh khắc đẹp.
- Vậy ông có nhận xét gì về đời sống nhiếp ảnh nghệ thuật hiện nay ở nước ta?
- Tôi hay nói vui vui, nếu mà nhìn ở góc độ phát triển nhiếp ảnh phong trào thì Việt Nam mình đang rất thành công; nhà nhà chơi ảnh, người người chơi ảnh (cười). Nhưng việc chụp cho được một tác phẩm nhiếp ảnh không phải dễ.
Tôi muốn nói thêm là việc chơi ảnh cũng đem lại giá trị, như quảng bá đất nước mình, giới thiệu được những vẻ đẹp mà trước kia không ai để ý, góp một tay biến nơi chốn ấy thành điểm du lịch. Tôi nhớ đến câu chuyện về điểm du lịch đồi chè Long Cốc, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, vốn do một tay chơi ảnh từng là người làm trong nghề xây dựng phát hiện. Sau, anh ấy chuyển hẳn sang công việc chụp ảnh, tham gia tổ chức dịch vụ đưa đón người đến Long Cốc thăm thú và chụp ảnh làm kỷ niệm.
Nhưng để có được giá trị lâu dài cho tác phẩm nhiếp ảnh, việc chụp đẹp là không đủ. Tác phẩm ấy phải thể hiện được nhiều hơn thế nữa, những vấn đề, câu chuyện rộng dài hơn của thời cuộc, con người.
Trong vòng 5 năm trở lại đây, có dịp tham gia ban giám khảo một số cuộc thi ảnh khu vực, thành thật mà nói, tôi thấy ta cứ gọi đó là ảnh nghệ thuật đấy nhưng chất lượng chỉ ở mức trung bình, phần nhiều vẫn là ảnh đẹp đẹp, được “săn” theo trào lưu. Ta chưa có nhiều tay máy mà thông qua tác phẩm ảnh, thể hiện được một cách mạnh mẽ ý thức tự tạo nên con đường đi riêng, đậm tính cá nhân, thể hiện được sự cần thiết phải phát hiện vấn đề và trình bày cho được vấn đề ấy một cách sâu sắc thông qua ngôn ngữ nhiếp ảnh.

Ngày 23/7/1980, nhà du hành vũ trụ Việt Nam Phạm Tuân và nhà du hành vũ trụ Liên Xô Vassilyevich Gorbatko đã thực hiện thành công chuyến bay vào vũ trụ trên tàu Liên hợp 37. Ảnh: Phạm Tiến Dũng
Nhiều bề bộn,thách thức và kỳ vọng
- Nguyên nhân của tình trạng này là gì, theo ông?
- Trên bình diện xã hội, hoạt động của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, mô hình các cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật cấp quốc gia vẫn đóng vai trò quan trọng trong định hướng phát triển của lĩnh vực này. Tuy nhiên, như tôi vừa chia sẻ, tính phong trào còn chiếm ưu thế trong các hoạt động ấy, thế nên không đơn giản để thúc đẩy tính chuyên nghiệp, theo tiêu chuẩn chung của thế giới, tức là có sự cạnh tranh về sáng tạo để thúc đẩy tiến bộ, có sự đa dạng của các dòng hướng, trường phái nhiếp ảnh cũng như để các tay máy sống được bằng ảnh của mình.
Mặt khác, cũng cần phải nói rằng, thực tế ở ta, từ việc mua-bán kinh doanh ảnh, giảng dạy, lý luận phê bình nhiếp ảnh…, đụng vào đâu cũng thấy nhiều vấn đề bề bộn, thách thức không dễ giải quyết.
- Thí dụ như trong địa hạt lý luận phê bình nhiếp ảnh mà ông tham gia hoạt động, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về “một số thách thức không dễ giải quyết”?
- Chúng tôi ít đi sâu phân tích tác phẩm nhiếp ảnh và nếu có vấn đề xảy ra thì ngại nêu ý kiến thẳng thắn. Chẳng hạn, trong một cuộc thi, nhiều người thấy chất lượng giải thưởng chưa xứng tầm, nhưng có mấy ai lên tiếng được một cách thấu đáo, có lý có tình? Vì như thế là đụng chạm vào Ban giám khảo, trong đó, có khi có bạn bè của mình, có thành viên Hội đồng nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam; thêm nữa, nếu đó là kỳ cuộc do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam bảo trợ thì lại động chạm tới Hội của mình. Ấy là chưa kể việc sau khi viết xong bài, gửi đăng ở đâu cho được?!
Bản thân tôi vẫn viết thường xuyên, như một cách tự giãi bày suy nghĩ của mình về nghề, để đó, chắc sẽ có lúc dùng đến. Gần đây, tôi có viết một số bài đề cập khó khăn trong thẩm định ảnh, về sự sáng tạo trong nhiếp ảnh hay 10 vấn đề chính của nhiếp ảnh Việt Nam cùng bảy giải pháp khắc phục để phát triển. Tôi sẽ gửi để chị đọc và suy nghĩ cùng chúng tôi.
Nhưng nói cho cùng, giải pháp của mọi giải pháp chính là bản lĩnh của người cầm máy. Nghệ thuật bao hàm sự khác biệt. Mỗi người cầm máy nếu ý thức sâu hơn về nhu cầu sáng tạo nội tại, về tính cá nhân của mình thay vì cứ vọng ngoại, chạy theo thời lưu, thì tôi tin tưởng là sẽ ngày càng có nhiều con đường đi cá nhân trong nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam. Tôi có thể nhắc tên một số bạn, trẻ hơn thế hệ chúng tôi nhiều, đã thể hiện phong cách của mình rất rõ rệt, để lại hy vọng cho nhiếp ảnh của chúng ta: Nguyễn Á, Lê Bích, Trần Thế Phong, Trần Tuấn Việt, Maika Elan…
- Trân trọng cảm ơn ông!
Năm 2024, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Tiến Dũng được phong tước hiệu Nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Ông tốt nghiệp chuyên ngành Ảnh báo chí, Khoa Báo chí, Đại học Tổng hợp quốc gia Lomonoxov (Liên Xô trước đây), niên khóa 1971-1977. Ngay sau khi tốt nghiệp, về nước, ông được phân công tham gia phái đoàn chuyên gia Việt Nam giúp xây dựng Thông tấn xã Campuchia, làm phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam tại Campuchia và Liên Xô. Ông trải qua nhiều năm công tác tại Báo Ảnh Việt Nam và sau đó là Trưởng Ban Biên tập ảnh của Thông tấn xã Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu, năm 2014