Lễ hội Nghinh Ông Vàm Láng có từ khi nào?
Trên địa bàn huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang có 4 địa điểm (lăng) có liên quan đến tín ngưỡng nghề cá, bao gồm: Lăng Ông Nam Hải ấp Cây Bàng, xã Tân Thành; Lăng Ông Nam Hải ấp Đèn Đỏ, xã Tân Thành; Lăng Ông Nam Hải xã Tân Phước; Lăng Ông Nam Hải thị trấn Vàm Láng.
Lăng là nơi thờ cúng cá Voi/cá Ông và các vị thần linh phù hộ cho ngư dân đi biển. Đây là tín ngưỡng cầu ngư, ngư dân xem cá Voi/cá Ông là vị thần hộ mệnh, cầu cho biển lặng gió hòa, thuận buồm xuôi gió, ngư dân may mắn làm ăn phát đạt, an khang, hạnh phúc. Hằng năm, các lăng đều tổ chức Lễ hội Nghinh Ông như: Lăng Ông Nam Hải ấp Cây Bàng, xã Tân Thành cúng vào 2 ngày (18,19 tháng Giêng âm lịch); Lăng Ông Nam Hải ấp Đèn Đỏ, xã Tân Thành cúng từ ngày 23 đến ngày 25 tháng Giêng âm lịch; Lăng Ông Nam Hải xã Tân Phước cúng vào rằm tháng 5 âm lịch; Lăng Ông Nam Hải thị trấn Vàm Láng cúng vào hai ngày (9 và 10 tháng 3 âm lịch).

Lễ hội Nghinh Ông ở Vàm Láng. Ảnh: LẬP ĐỨC
Trong các Lễ hội Nghinh Ông thì Lễ hội Nghinh Ông ở thị trấn Vàm Láng được xem là tiêu biểu nhất. Trước năm 1975, Lễ hội Nghinh Ông Vàm Láng được tổ chức vào ngày 15 và 16 tháng 6 âm lịch hằng năm; sau năm 1975, lễ hội được tổ chức vào ngày mùng 9 và 10 tháng 3 âm lịch hằng năm cho trùng với ngày Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương.
Lễ hội Nghinh Ông là lễ hội cầu ngư lớn nhất của ngư dân, mang đậm tính truyền thống, tín ngưỡng của cư dân vùng biển. Có nhiều tên gọi khác nhau như: Lễ hội rước cốt Ông, Lễ hội cầu ngư, Lễ hội tế cá Ông, Lễ hội cúng Ông, Lễ hội nghinh Ông, Lễ hội nghinh Ông Thủy tướng… nhưng tất cả đều có chung một quan niệm rằng cá Voi/cá Ông là sinh vật thiêng ở biển, là cứu tinh đối với những người đánh cá và làm nghề trên biển nói chung.
Lễ hội Nghinh Ông tại Vàm Láng được người dân ở đây quan tâm và tôn quý như Tết cổ truyền của dân tộc; là lễ hội cầu ngư, lễ hội nghề nghiệp lớn nhất của tỉnh Tiền Giang, thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài địa phương tham gia. Cho nên, từ xưa, ở Vàm Láng đã có câu ca:
Vui gì bằng Lễ Nghinh Ông,
Đèn hoa, pháo nổ, mịt sông sáng trời.
Cuộc vui nhiều khách đến nơi,
Nghèo giàu hỉ hả ăn chơi ba ngày.
Tín ngưỡng thờ cá Ông được thể hiện thông qua Lễ hội Nghinh Ông. Đây là loại hình tín ngưỡng đặc trưng của người dân sống ven biển, trong đó có những ngư dân đánh bắt thủy hải sản trên biển. Ở mỗi loại hình tín ngưỡng dân gian nào đều có những giá trị tích cực tác động đến đời sống văn hóa tinh thần của con người. Một mặt, nó là điểm tựa tinh thần của con người trong những lúc gặp khó khăn, nguy hiểm. Mặt khác, đây còn là nơi bảo tồn và phát triển những loại hình tín ngưỡng dân gian của con người trong xã hội hiện nay.
Vậy, Lễ hội Nghinh Ông Vàm Láng có từ khi nào? Theo quyển Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, thị trấn Vàm Láng ngày nay được thành lập năm 1808 với tên gọi là thôn Miếu Ông. Đây là thôn duy nhất ở trấn Định Tường xưa (nay là tỉnh Tiền Giang) có tên gọi thuần Việt; trong khi đó, tất cả các thôn khác đều là địa danh hành chính mang yếu tố Hán Việt. Thôn Miếu Ông có nghĩa là thôn có miếu thờ cá Voi/cá Ông.
Qua đó, có thể khẳng định tín ngưỡng thờ cá Ông và Lễ hội Nghinh Ông xuất hiện ở Vàm Láng muộn nhất là từ năm 1808. Vì vậy, Lễ hội Nghinh Ông Vàm Láng được xem là lễ hội cổ truyền của vùng ven biển Gò Công Đông. Lễ hội Nghinh Ông không chỉ có ở thị trấn Vàm Láng mà còn được tổ chức nghiêm trang ở ba địa phương khác trên địa bàn huyện Gò Công Đông là: Lễ hội Nghinh Ông ấp Cây Bàng và Lễ hội Nghinh Ông ấp Đèn Đỏ đều thuộc xã Tân Thành, Lễ hội Nghinh Ông xã Tân Phước.
Do đó, Lễ hội nghinh Ông Vàm Láng nói riêng, hệ thống Lễ hội Nghinh Ông ở huyện Gò Công Đông nói chung xứng đáng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia trong tương lai.