Ấm áp hương mùi già ngày tất niên

Tắm nước cây mùi già vào ngày tất niên là một trong những nét đẹp văn hóa của người Việt mỗi dịp Tết cổ truyền và được nhiều gia đình duy trì đến ngày nay. Vào những ngày cuối năm, bên cạnh nồi bánh chưng thơm lừng, chậu nước lá mùi cũng là mùi hương không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt.

Tắm nước cây mùi già vào ngày tất niên là một trong những nét đẹp văn hóa của người Việt mỗi dịp Tết cổ truyền (Ảnh minh họa: Internet)

Tắm nước cây mùi già vào ngày tất niên là một trong những nét đẹp văn hóa của người Việt mỗi dịp Tết cổ truyền (Ảnh minh họa: Internet)

Mùi già là cây rau mùi (miền Nam gọi là cây ngò rí) để cho già đi, cây bắt đầu trổ hoa trắng li ti và cao ngồng. Loại cây này khi về già có mùi hương thoang thoảng đặc trưng dịu nhẹ và được dùng với nhiều công dụng khác nhau. Theo quan niệm của người xưa, việc tắm lá mùi chiều cuối năm là để xua tan những bụi bặm, những chuyện không vui trong suốt một năm qua. Được tắm gội bằng nồi nước lá mùi già với hương thơm nồng nàn, ấm áp trong ngày cuối cùng của năm cũ là như thấy những điều chưa toại nguyện, chưa vẹn tròn hay những nỗi buồn phiền còn vương vấn trong tâm tư được trút bỏ, để từ đó sẵn sàng đón nhận niềm vui trong năm mới. Tại nhiều địa phương, tục này còn có tên gọi là “Tục tẩy trần đêm tất niên”.

Trong Đông y, rau mùi có tính ấm, không độc, có tác dụng tiêu thực, chống mệt mỏi, lưu thông khí huyết, giải tỏa căng thẳng thần kinh giúp phục hồi sức khỏe. Có lẽ, cũng vì những tác dụng như một vị thuốc dân gian, lại thêm hương thơm tinh khiết, nhẹ nhàng, có thể lưu giữ lâu nên bao đời nay, cây mùi già được bao thế hệ người Việt Nam dùng để xông nhà cửa, tắm gội vào chiều cuối năm.

Thường cứ vào tầm cuối năm, người nông dân cắt mùi sát tận gốc, bó thành từng nắm nhỏ mang ra chợ bán. Những gánh mùi già xuất hiện ở chợ dân sinh hay trên những gánh hàng rong vào khoảng 27 Tết, nhiều nhất là vào ngày 29, 30 Tết. Cây mùi già có đặc trưng thơm lâu, từ lá, hoa, quả đến rễ đều có thể tạo hương thơm. Bởi thế, khi nấu nước lá mùi nên để nguyên rễ, rửa sạch và chỉ cần 2 bó mùi nhỏ thì nồi nước tắm đã có một mùi hương nhẹ nhàng, bền lâu.

Ngày nay, dù nhịp sống hiện đại với bao bộn bề, bận rộn nhưng vẫn còn nhiều gia đình duy trì được truyền thống văn hóa đẹp đẽ này, bởi với mỗi người con xa quê, đó còn là mùi của ký ức, của quê hương và nguồn cội.

T.T

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/am-ap-huong-mui-gia-ngay-tat-nien-723612.html
Zalo