Nghi lễ và thực hành nghi lễ cổ truyền dịp Tết
Trong nhịp sống hiện đại, Tết Nguyên đán vẫn còn giữ nguyên giá trị nhân văn và tính thiêng của nó. Bởi lẽ, Tết chứa đựng trọn vẹn những nghi lễ đặc sắc và cả quan niệm sống cũng như những phong tục, tín ngưỡng độc đáo.
Trong cuốn sách Thờ cúng cổ truyền Việt Nam - Nghi lễ và thực hành nghi lễ, tác giả Trung Chính Quách Trọng Trà giới thiệu các lễ tiết liên quan tới việc cúng bái cổ truyền căn bản nhất của người Việt trong một năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán.
Theo tác giả, Tết Nguyên đán (còn gọi là tiết Nguyên đán) là Tết bắt đầu của một năm mới (theo lịch âm). Đây là lễ tết quan trọng nhất trong năm nên còn gọi là Tết cả và đã trở thành dấu ấn sâu đậm trong đời sống và tâm hồn của con dân đất Việt từ hàng nghìn đời nay.
Người xưa quan niệm, Tết Nguyên đán được mở đầu bằng Tết ông Công, ông Táo ngày 23 tháng Chạp. Sau đó, hầu hết gia đình đều thu xếp công việc và dành thời gian tảo mộ ông bà để các bậc tiền bối có nơi chốn tươm tất đón năm mới. Đây là một trong những nghi lễ thể hiện tấm lòng thành kính, luôn hướng về cội nguồn vào dịp Tết đến xuân về của người dân Việt.
Tiếp đó là Lễ cúng tất niên (30 Tết). Theo dân gian, lễ cúng tất niên nhằm tạ ơn trời đất, thần linh, tiên tổ đã phù hộ, độ trì cho con cháu một năm qua được khỏe mạnh, làm ăn tấn tới, tốt đẹp mọi mặt. Đây cũng là dịp để cả gia đình sum họp, tiễn biệt năm cũ, chuẩn bị đón năm mới.
Hầu hết gia đình đều chú trọng dọn dẹp, sửa sang nhà cửa khang trang, tươm tất. Điều đó còn mang một hàm ý sâu xa hơn là “tống cựu nghênh tân”, xua đuổi điềm xấu và chào đón vận may trong năm mới.
Lễ cúng giao thừa (đêm 30 Tết), giao thừa là thời khắc đất trời giao hòa, âm dương hòa hợp. Đối với người Việt, cúng giao thừa là một nghi lễ rất thành kính và trang trọng, toàn thể thành viên trong gia đình nghiêm trang đứng trước bàn thờ gia tiên dâng hương, khấn vái cầu nguyện cho một năm mới mọi sự đều tốt đẹp, hanh thông.
Do ảnh hưởng Đạo giáo, trong quan niệm dân gian Việt Nam, mỗi năm đều có một vị quan vương hành khiển cai quản cuộc sống tại cõi trần gian. Do vậy, lễ cúng đêm giao thừa còn là để tỏ lòng biết ơn đến các vị quan cai quản năm mới với mong muốn các quan che chở cho mọi người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây cũng là lời tri ân đối với các đấng thiêng liêng, thể hiện sự tôn kính và lối sống trọng nghĩa tình của người Việt từ bao đời nay.
Tết cổ truyền là dịp thật thiêng liêng đối với mọi người dân Việt. Vào ngày Tết, con cháu quy tụ, sum vầy bên ông bà, cha mẹ, người thân và thắp nén hương thơm dâng lễ tiên tổ để cầu mong cho gia đình một năm mới khỏe mạnh, bình an và hạnh phúc. Vì thế, tất cả gia đình đều chú trọng đến việc cúng lễ vào sáng mùng 1 Tết. Mâm cơm cúng đầu năm luôn được mọi nhà sửa soạn chu đáo, tươm tất.
Theo quan niệm dân gian của người Việt, lễ cúng ngày 30 Tết để rước ông bà thì lễ cúng mùng 3 Tết là tiễn ông bà, còn được gọi là ngày lễ hóa vàng (lễ tạ âm cảnh) với ý nghĩa kết thúc 3 ngày Tết. Ngày lễ hóa vàng được thực hiện khác nhau ở từng nơi, có thể là ngày mùng 2, mùng 3, mùng 4 hoặc mùng 7 - ngày khai hạ bàn thờ (hạ lễ trên bàn thờ còn gọi là lễ hạ nêu). Nhưng với phần đông các gia đình, ngày lễ hóa vàng thường được cúng vào ngày mùng 3 Tết.
Chia sẻ tại chương trình ra mắt sách tại Hà Nội, nhà nghiên cứu Bùi Xuân Đính cho rằng: Người Việt chuẩn bị Tết nguyên đán có nhiều nghi lễ. Tác giả Trung Chính Quách Trọng Trà đã có những hướng dẫn thực hành cụ thể, chỉ rõ những phong tục ở các vùng miền khác nhau. Chẳng hạn, ở miền Bắc mâm ngũ quả phải có nải chuối, trong khi ở miền Nam xưa không chọn chuối để cúng vào ngày Tết vì cho rằng cúng chuối trong dịp Tết sợ đen đủi hay bị "đuối" cả năm (chơi chữ). Đây là đặc điểm dị biệt trong văn hóa tâm linh của người Việt...