Bắt mắt phẩm oản thờ cúng

Không còn là oản bột, oản gạo đơn thuần, những chiếc oản nhiều người dân Hải Dương tìm mua trong dịp Tết Ất Tỵ này được bày trí bắt mắt, sang trọng.

Nhiều người Hải Dương tìm mua oản trong dịp Tết Ất Tỵ để thờ cúng, biếu tặng

Nhiều người Hải Dương tìm mua oản trong dịp Tết Ất Tỵ để thờ cúng, biếu tặng

Chị Vũ Quỳnh Nga ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) tâm huyết với nghề làm oản được 14 năm. Những ngày giáp Tết, dù quá tải đơn hàng song chị Nga cũng không mở rộng sản xuất. Chị nói làm oản phải xuất phát từ tâm vì đây là đồ thờ cúng. Do đó, chị phải kiểm soát từng khâu, từng công đoạn từ nguyên liệu, công thức độc quyền tới đóng gói, trang trí.

Nguyên liệu làm oản đơn giản nhưng mỗi công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu

Nguyên liệu làm oản đơn giản nhưng mỗi công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu

Bột làm oản giống như bánh khảo nhưng tỷ lệ gạo nếp, gạo tẻ, đường phải chính xác, vừa tạo độ xốp lại bảo đảm độ kết dính. Ngoài ra, để dậy mùi cho oản, chị Nga còn ướp hương bưởi. Nếu thời tiết ít nồm ẩm, oản có thể để được 1 năm. Không chỉ chú trọng chất lượng, mà những chiếc oản chị Nga làm ra còn được ưa chuộng bởi sự chỉn chu, cầu kỳ trong trang trí, đóng gói.

Những chiếc oản được đóng gói trang trí, bắt mắt nhưng không được quá phô trương

Những chiếc oản được đóng gói trang trí, bắt mắt nhưng không được quá phô trương

Cơ sở của chị Nga chuyên sản xuất oản tháp trụ và oản đào. Tháp trụ là kiểu dáng truyền thống, tượng trưng cho sự vững chãi, còn oản đào mang ý nghĩa trường thọ. Giấy bóng kính gói oản có 5 màu đỏ, xanh, vàng, tím, hồng tượng trưng cho ngũ hành. Theo chị Nga, phẩm oản được bày trí cầu kỳ, tỉ mỉ để thể hiện lòng thành nhưng phải tránh phô trương, màu mè. Vì thế, oản nhà chị Nga luôn được lòng khách hàng.

Oản đào với ý nghĩa về sự an lành, trường thọ là sản phẩm được nhiều người tìm mua trong dịp Tết

Oản đào với ý nghĩa về sự an lành, trường thọ là sản phẩm được nhiều người tìm mua trong dịp Tết

Kích cỡ oản tùy thuộc vào mục đích, nhu cầu sử dụng nên đa dạng từ 250 g đến loại 5 kg. Chị Nga cho biết trong đồ lễ, oản là lương thực nên luôn phải mới. Mỗi chiếc oản cũng phải thể hiện sự chu đáo, thành tâm của gia chủ. Bên cạnh mua về để thờ cúng thì nhiều người mua oản để biếu tặng. Vì thế mà những chiếc oản lại càng có hình thức bắt mắt, sang trọng.

Những chiếc oản trụ được trang trí cầu kỳ, công phu

Những chiếc oản trụ được trang trí cầu kỳ, công phu

Năm nào mỗi dịp Tết cổ truyền, chị Nguyễn Thị Trinh ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) cũng biếu người thân, họ hàng mỗi nhà một cặp oản. Chị Trinh quan niệm, dù xã hội phát triển, nhiều thứ đổi mới, thay thế song vẫn phải giữ truyền thống xưa, nhất là đồ lễ dâng lên ông bà, tổ tiên. Cùng với bánh chưng thì oản là sản phẩm có từ xa xưa, lâu đời. Hiện tại đã được biến tấu để phù hợp với thị hiếu. Vì thế, ngoài mua oản để thờ cũng gia tiên, chị Trinh còn biếu tặng họ hàng.

Oản là lễ vật để thờ cúng tổ tiên thể hiện lòng thành kính của con cháu

Oản là lễ vật để thờ cúng tổ tiên thể hiện lòng thành kính của con cháu

Tưởng chừng như bị lãng quên trong xã hội hiện đại thế nhưng những năm gần đây, nhiều người ở Hải Dương lựa chọn phẩm oản để tô thêm sắc màu cho bàn thờ gia tiên và thể hiện lòng thành kính với tổ tiên mỗi dịp Tết đến, xuân về. Những chiếc oản được “thổi hồn” vẫn giữ vẹn nguyên giá trị xưa song lại thêm nét tinh tế, lịch sự, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

PV

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/bat-mat-pham-oan-tho-cung-403968.html
Zalo