Lễ chùa đầu năm, nét đẹp văn hóa của người Việt

Với người Việt, chùa là chốn tôn nghiêm, linh thiêng nhưng cũng rất gần gũi. Chính vì thế, cửa chùa luôn rộng mở với mọi người và ai cũng cảm thấy bình yên, thảnh thơi, an lành, hạnh phúc.

Đông đảo người dân đi lễ cầu bình an năm mới tại chùa Trấn Quốc. Ảnh: Minh Đức - TTXVN

Đông đảo người dân đi lễ cầu bình an năm mới tại chùa Trấn Quốc. Ảnh: Minh Đức - TTXVN

Trong tâm thức của người Việt, Tết cũng là cơ hội để lắng tụ, kết tinh, lưu giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp từ ngàn đời mà ông cha đã truyền lại. Một trong những nét đẹp văn hóa đẹp của người Việt đó là đi lễ chùa vào đầu năm mới.

Ước nguyện những điều tốt đẹp ngày đầu Xuân

Với người Việt, chùa là chốn tôn nghiêm, linh thiêng nhưng cũng rất gần gũi. Chính vì thế, cửa chùa luôn rộng mở với mọi người và ai cũng cảm thấy bình yên, thảnh thơi, an lành, hạnh phúc… mỗi khi lui tới viếng thăm, đặc biệt là những ngày đầu năm mới.

Bất cứ ở đâu, chúng ta đều dễ dàng bắt gặp những ngôi chùa cổ kính, yên bình, từ nơi thôn quê đến chốn thị thành. Giữa không gian tĩnh lặng trang nghiêm, tiếng chuông chùa vang ngân hòa quyện với khói hương trầm nhẹ nhàng và tinh tế, thanh dịu và ấm áp khiến cho bao xô bồ, ồn ã, bon chen, nhọc nhằn của cuộc mưu sinh như được rũ sạch. Gác lại những lo toan, lòng người cảm được sự thư thái, an yên và hướng đến khát vọng một năm mới an lành, tốt đẹp.

Nếu ở các thành phố lớn, ngay sau giờ phút đón giao thừa, thời khắc chuyển giao của năm cũ và năm mới, rất nhiều người đến chùa thắp hương đầu năm mới để cầu mong thần Phật phù hộ cho mình một năm mới bình an và may mắn. Thì ở các làng xã, vùng thôn quê miền núi, người dân chọn buổi sáng mùng 1 Tết đi viếng chùa.

Điều này được cụ Nguyễn Văn Huyên nói rất kỹ trong cuốn Hội hè lễ Tết người Việt, rằng đêm giao thừa đón năm mới được đánh dấu bằng những “cuộc đi lễ đền chùa”. Cụ thể là “Ai cũng lấy làm vui thích và tự thấy mình có bổn phận phải ra đình, và đến các đền chùa. Chẳng đêm nào thú vị và đẹp như đêm ấy. Đúng là một điều vui thích hiếm có khi được thức đêm đó ngoài trời. Ở tất cả các đền chùa này, nghi ngút đèn hương, mọi người, cả già lẫn trẻ, đến dâng lên chư Phật cùng những thần linh khác những lời cầu nguyện đầu tiên. Ta có cảm tưởng sống một cuộc sống thật thanh bình sâu lắng giữa đám đông sùng mộ, giản dị và thành tâm”.

Người đến chùa một lòng hướng thiện, cầu cho đất nước thanh bình, xã hội ổn định, gia đình bình an, sức khỏe dồi dào, con cái chăm ngoan, học hành đỗ đạt, cả năm may mắn…

Đầu xuân đi chùa, du khách mua cho mình một túi muối nhỏ để lấy may mắn cho cả năm. Ảnh: Minh Đức – TTXVN

Đầu xuân đi chùa, du khách mua cho mình một túi muối nhỏ để lấy may mắn cho cả năm. Ảnh: Minh Đức – TTXVN

Người Việt tin rằng, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản để ước nguyện mà đó còn là thời gian để mọi người tìm về với chốn tâm linh sau những năm tháng vất vả trong cuộc mưu sinh. Hòa vào dòng người đi lễ đầu xuân, trong tiết trời se se lạnh, lất phất giọt mưa xuân, ta như cảm nhận được sự giao hòa của đất trời khi vào Xuân.

Lễ đầu năm không chỉ để cầu may hay gột bỏ những ưu phiền, mà còn để tìm về với cội nguồn dân tộc. Tất cả những điều đó như một gam màu lấp lánh, tạo nên nét đa sắc trong bức tranh văn hóa Việt Nam.

Cõi An trong tâm thức người Việt

Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ hàng ngàn năm nay, Tổ tiên ta đã đón nhận và vận dụng một cách sáng tạo. Từ đó, Phật giáo đã lưu truyền đến các đời sau, thể hiện sự tài tình và độc đáo của bản sắc văn hóa Việt Nam. Điều này được thể hiện rõ nét qua kiến trúc chùa trên khắp đất nước.

Cứ có làng là có chùa, chùa được hưng công xây dựng khắp mọi nơi. Ngôi chùa trong quá khứ hay hiện tại đều là những thực thể sống động mà ở đó, mỗi người có thể tự tìm và hiểu thêm về những ẩn sâu chất chứa trong bản sắc văn hóa Việt Nam.

Đông đảo người dân đi lễ cầu bình an năm mới tại chùa Trấn Quốc. Ảnh: Minh Đức - TTXVN

Đông đảo người dân đi lễ cầu bình an năm mới tại chùa Trấn Quốc. Ảnh: Minh Đức - TTXVN

Với nhiều người Việt, ngôi chùa là một không gian tâm linh, không gian văn hóa, nhiều người lên chùa để tìm trong giáo lý nhà Phật những tín điều phù hợp với tư duy, ý niệm của riêng mình mà gợi mở tâm thức hướng thiện. Cũng có người lên chùa chỉ để chiêm bái những bức tượng thờ được tạc từ tâm hồn và những đôi bàn tay tài hoa, khéo léo hay nhìn ngắm những mái chùa vút cong, những đầu đao được chạm trổ sinh động hoặc thả hồn trong một không gian tĩnh lặng, thanh khiết của hương trầm, của cỏ cây hoa lá.

Chùa của người Việt là một không gian văn hóa thể hiện triết lý nhân sinh, tinh thần khoan dung và sự hòa hợp trong đời sống tín ngưỡng. Có một điều đặc biệt ở nhiều chùa trong nước ta đó là mặc dù là nơi thờ Phật nhưng tùy vào mỗi địa phương, mỗi chùa, bên trong còn thờ cúng thêm cả các vị thần khác tùy theo tín ngưỡng của người dân, như Thánh mẫu, Đức ông, Quan công hoặc kết hợp cả thành hoàng hay một vị vua nào đó.

Phương Phương/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/le-chua-dau-nam-net-dep-van-hoa-cua-nguoi-viet/323596.html
Zalo