Lặt lá mai đón Tết
Mỗi độ tháng Chạp, người dân quê tôi lại lặt lá mai cho nở kịp Tết. Quy tắc ấy người chơi mai ai cũng thuộc nằm lòng.
Trời sinh cây mai trồng tự nhiên không lặt lá vẫn nở hoa. Thế nhưng, ngắm hoa nở chen trong tán lá xanh, sắc xanh át mất sắc vàng mai thì sẽ mất đi vẻ đẹp vốn có của hoa, của cây. Hoa mai đúng nghĩa phải bật nụ, bung khoe sắc vàng “độc tôn” trên những cành gân guốc.
Được thêm dáng hình cổ thụ, những cội mai thế lại càng quý; nhưng tối thiểu cũng phải đáp ứng yêu cầu cành/nụ/hoa chưa có lá chen ngang. Và, để có cội mai vàng lá rụng hoa nở vàng rực rỡ đúng mấy ngày đầu năm không thể không cần sự can thiệp của con người. Can thiệp bằng chăm bón: uốn, tỉa, nước, phân… đúng thời điểm trong năm. Đương nhiên, thêm “cú hích” cuối cùng cực quan trọng khi tháng Chạp sang, ấy là lặt lá.
Nhà tôi trồng nhiều mai, cả mai rừng lẫn mai tứ quý. Mỗi giống mai cần một thời điểm lặt lá khác nhau. Thời điểm ấy, chính xác khi nào thì ông nội tôi là người rõ hơn cả. Trước khi mất, ông “truyền nghề” lại cho ba tôi. Vậy nên, cứ tháng Chạp, tôi lại đội nón lá mặc áo mưa theo ba ra vườn lặt lá mai.
Mai rừng lặt lá đầu tiên, thường ngay những ngày đầu tháng. Có cây tự rụng trụi trơ, chỉ còn lẻ tẻ trên cành ít lá ngả màu vàng úa; nhưng cũng có cây lá dày đặc, xanh um. Ba nhìn tới nhìn lui, quan sát kích cỡ những chiếc nụ hoa xinh xinh lấp ló ngọn cây, rồi chỉ vào cây mai có nụ nhỏ nhất nói tôi lặt trước. Nhẹ nhàng và tỉ mẩn, những chiếc lá được 2 cha con bứt lìa cành tanh tách.
Nhớ lần đầu “ra trận”, tôi được ba hướng dẫn: lặt lá mai phải lặt ngược, kéo theo chiều từ ngọn xuống gốc để lá rụng dứt khoát, không kéo gãy cành đang có nụ hoa.
Mỗi khi sơ ý kéo gãy mất một nụ màu xám như cái búp sen nhỏ xíu xiu, mặt ba lại nhăn riết, chắp hít tưởng chừng như bị gãy mất… ngón tay. Ngạc nhiên, tôi hỏi: “Gãy mất một nụ thì ăn thua gì đâu ba, trên cây nụ vẫn còn mà”. “Thế con có biết để có nụ hoa ấy người trồng phải chăm mai mất bao lâu không, một năm ròng rã đó con.
Thêm nữa, một nụ hoa thấy xíu xiu nhưng từ đó sẽ nở bung ra cả chùm hoa rực vàng”. Sau này, để ý quá trình phát triển, bung hoa của cây tôi càng hiểu hơn lời ba. Cũng từ đó tôi biết quý những nụ mai xám mốc đầu cành và cẩn trọng hơn khi bứt lá, tránh làm gãy nụ.
Mai tứ quý thì lặt muộn hơn, khoảng từ mùng 10 đến 20 tháng Chạp. Khác với mai rừng, mai tứ quý không bao giờ có chuyện tự rụng lá. Bộ lá mai nhỏ nhắn mép răng cưa cứ dày đặc mướt xanh trên cành nên lặt rất tốn thời gian.
Những cây mai to, 2 cha con phải bắc ghế, bắc thang cả buổi, thậm chí cả ngày mới lặt xong. Nụ mai tứ quý không giống mai rừng, nó bé xíu như mũi kim trốn trong nách lá. Quen mắt lắm mới nhìn thấy chứ “tay ngang” lần đầu dòm cây thì đừng hòng.
Việc lặt lá mai đã trở thành nếp quen của gia đình tôi mỗi độ Tết về. Nhìn những cây mai đã lặt hết lá phơi nhánh cành cứng cáp trong chiều cuối đông tự nhiên thấy đẹp lạ lùng. Một vẻ đẹp của thì tương lai được hứa hẹn từ hiện tại khi hiểu ra: bên trong những nhánh cành xám mốc kia đang chuyển lưu dòng nhựa sống để những nụ hoa bừng thức mấy tháng ròng thiếp ngủ.
Nhựa ấy sẽ dần tràn căng, thôi thúc vỡ bung nụ mẹ, nuôi lớn nụ con, để khi năm mới bước sang, những nhánh cành khô khẳng kia bỗng đột ngột chuyển mướt sắc xanh, rực sắc vàng như một phép hồi sinh kỳ diệu làm say đắm nhân gian. “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”, nghe kể ông tôi một đời đắm đuối với hoa mai. Ba tôi cũng vậy. Và giờ đến lượt tôi. Hình như tôi cũng trót đắm đuối cùng hoa mất rồi.