Tháp Nhạn tọa lạc tại phường 1, TP Tuy Hòa, người Ê Đê và Gia Rai gọi là tháp Kơ H’meng, người Kinh gọi là tháp Chàm còn người Chăm gọi là Đền Kalan. Tháp Nhạn được xây dựng vào cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII, là công trình kiến trúc tiêu biểu của người Chăm xưa.
Có câu chuyện cổ được truyền lại về tháp Nhạn, rằng xưa có tiên nữ Thiên Y Ana hạ giới để chỉ dạy cho người dân nơi đây về cày cấy, dệt vải, kéo sợi… . Sau khi tiên nữ quay về trời, để thể hiện lòng nhớ thương và khắc ghi công ơn tiên nữ đã khai sáng, người Chăm nơi đây đã xây dựng ngọn tháp để làm nơi thờ phụng tiên nữ (Ảnh tháp Nhạn năm 1987)
Về tên gọi tháp Nhạn, người dân Phú Yên giải thích rằng, do có rất nhiều chim nhạn bay tới sinh sống, làm tổ trên ngọn tháp. Dần về sau, ngọn tháp được gọi theo tên của loài chim này.
Theo UBND TP Tuy Hòa, kiến trúc tháp Nhạn là sự chuyển tiếp giữa phong cách kiến trúc Mỹ Sơn A1 và phong cách kiến trúc Bình Định. tháp Nhạn gồm 3 phần: đế tháp, thân tháp và mái tháp.
Mặt chân tháp và thân tháp được xây dựng theo hình vuông, ý nghĩa tượng trưng cho đất. Chân tháp được thiết kế lớn hơn thân tháp, với chiều cao khoảng 3,3m. Các hàng gạch phía trên được xây dựng lùi vào so với hàng bên dưới theo một trật tự nhất định, cứ như thế thu nhỏ dần rồi ôm sát vào thân tháp. Chân tháp là một khối lớn vững chãi bám sâu vào trong lòng đất, giúp nâng đỡ thân và mái của tháp.
Bên trong tháp là một khoảng trống với chiều dài 4,5m, nền tháp cao 1,8m so với sân bên ngoài. Việc bài trí thờ cúng bên trong cũng rất đơn giản, chỉ làm bàn thờ tiên nữ Thiên Yana nhìn ra cửa. Toàn bộ tháp từ móng, đế, thân và mái tháp đều được xây bằng gạch đặc, chỉ có bộ linga là bằng đá.
Riêng phần đỉnh tháp (nóc tháp) được xây dựng với một tảng đá hình búp sen nhọn đẽo khắc tỉ mỉ, cân đối thể hiện cho biểu tượng của sinh thực khí, sức mạnh sinh thành trong văn hóa Chăm.
Tại tháp Nhạn, ngày 23 tháng Ba Âm lịch hàng năm, diễn ra lễ Vía Bà (tức là tiên nữ Thiên Y A Na), kéo dài từ ngày 20 đến ngày 23 tháng Ba, trong đó, ngày 21 tháng Ba là chính lễ.
Lễ Vía Bà thu hút nhân dân trong tỉnh Phú Yên và một số tỉnh lân cận tham gia, trong đó có đồng bào người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận.
Trong các năm từ 1997 đến 1999, di tích tháp Nhạn đã được trùng tu, tôn tạo.
Tháp Nhạn là công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị lịch sử cao của người Chăm và đây cũng là một thắng cảnh tiêu biểu của tỉnh Phú Yên.
Tháp Nhạn đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 1820/QĐ-TTg ngày 24/12/2018.