Tâm linh của người Việt trong tranh Kim Hoàng
Năm hết, Tết đến, người người, nhà nhà cùng nhau đi sắm Tết, mua tranh Tết, câu đối Tết trang trí nhà cửa. Nói đến tranh Tết, thường người ta nghĩ đến dòng tranh Đông Hồ, Kinh Bắc, tranh Hàng Trống, kinh thành Thăng Long, Hà Nội, ít ai biết tranh Kim Hoàng cũng là một dòng tranh dân gian nổi tiếng của xứ Kinh kỳ xưa, mỗi dịp Tết đến Xuân về, một dòng tranh mang đậm tâm linh người Việt.
Khác với dòng tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống, mặc dầu đến nay đã bị mai một, nhưng vẫn còn có nghệ nhân theo nghề, say sưa với nghề. Ngược lại tranh Kim Hoàng đã gần 100 năm biến mất, không còn một ai biết đến.
Theo ghi chép dòng tranh Kim Hoàng là tên gọi của một dòng tranh dân gian phát triển khá mạnh từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX, ở làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ, nay là thành phố Hà Nội.
Dân làng Kim Hoàng xưa chủ yếu là người di cư từ Thanh Hóa ra Bắc vào năm 1701, gồm hai làng Kim Bằng và Hoàng Bằng hợp nhất thành Kim Hoàng vào năm Chính Hòa thứ 22 (1701) và có lẽ cũng từ đó làm tiền đề chuẩn bị cho sự ra đời của nghề in tranh của làng Kim Hoàng?
Hàng năm vào Rằm tháng Một (tháng 11 Âm lịch), đến giáp Tết, người làng Kim Hoàng bắt đầu in tranh. Nhưng trước khi in tranh cả làng tiến hành cúng Tổ nghề.
Tranh được in ra từ các ván in. Các ván in tranh do ông chủ phường có tài năng vẽ và khắc cất giữ. Ván in chỉ được phát cho các gia đình in tranh sau ngày Giỗ Tổ. Trong quá trình in, các gia đình đổi ván in cho nhau. Hết mùa tranh các gia đình giao nộp ván lại cho chủ phường.
Nguyễn Sỹ và Nguyễn Thế là hai dòng họ đi đầu trong việc in tranh Kim Hoàng. Từ thế kỷ XVIII - XIX, tranh Kim Hoàng phát triển mạnh, nhưng bắt đầu thất truyền sau trận lụt hồng thủy năm 1915, tất cả ván in tranh của làng bị nước cuốn trôi.
Đến năm 1945, khi cuộc chiến chống Pháp bắt đầu thì tranh Kim Hoàng không còn được sản xuất nữa. Hiện chỉ còn một vài mẫu tranh như “Đức lưu quang”, “Phúc mãn đường”, “gà”, “lợn” có bản in được lưu ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Tranh Kim Hoàng gồm nhiều loại: Tranh thờ cúng, tranh chúc tụng như một số dòng tranh Đông Hồ, Hàng Trống, nhưng tranh Kim Hoàng biết kết hợp các ưu điểm của hai dòng tranh đàn anh này, nên tranh Kim Hoàng có nét khắc tinh tế, thanh mảnh và tỉ mỉ hơn tranh Đông Hồ và màu sắc tươi tắn hơn tranh Hàng Trống. Vì thế dòng tranh này mang một giá trị riêng biệt.
Về màu sắc tranh Kim Hoàng dùng mực Tàu in đường nét, màu trắng dùng thạch cao, phấn, màu chàm, xanh chàm dùng mực Tàu hòa với nước chàm.
Khác với tranh Đông Hồ in trên giấy quét điệp, tranh Hàng Trống dùng giấy xuyến trắng, còn tranh Kim Hoàng phần lớn in trên giấy màu đỏ, giấy hồng điều, giấy Tàu vàng. Bởi thế người xưa gọi tranh Kim Hoàng là “tranh đỏ”.
Trước đây, để có bức tranh màu đỏ rực rỡ, tươi tắn, nghệ nhân Kim Hoàng thường dùng những bản khắc gỗ thị, gỗ mít hay gỗ vàng tâm, với những nét khắc tinh xảo, kỹ thuật in ngửa ván.
Giấy hồng điều để vẽ tranh mua ở phố Hàng Mã, Hà Nội. Đây là loại giấy được sản xuất từ vỏ cây dó. Xơ dó kết lại với nhau tạo nên tờ giấy dó. Sự kết mạng này làm cho tờ giấy xốp, nhẹ, tạo mặt vân có những sợi dó.
Để giảm bớt độ loang nhòe của giấy dó, người ta dùng nước hồ và phèn chua cho vào một trong những công đoạn làm giấy. Hỗn hợp hồ - phèn chua càng nhiều thì độ loang của giấy càng giảm.
Khi in, người ta dùng những bản khắc gỗ có sẵn, quét mực Tàu lên bản khắc, rồi đặt tờ giấy trên mặt bản khắc, thật phẳng và dùng xơ mướp khô xoa nhẹ, đều, để làm nổi rõ đường nét các hình, rồi đem phơi nắng.
Chờ cho tranh khô, đem tô màu và vẽ thêm đường nét cho bức tranh sinh động hơn. Lối tô màu này gần giống tranh Hàng Trống, nhưng khác với tranh Đông Hồ, có ván in màu riêng. Vì vậy, làm tranh Kim Hoàng tốc độ chậm, nhưng cho những bức tranh đa dạng, phong phú.
Tranh Kim Hoàng chính thức được phục dựng từ đầu năm 2016, với một vài mẫu tranh cổ đầu tiên. Từ đó đến nay (theo sự tìm hiểu của người viết bài này), công việc phục hồi những mẫu tranh cổ truyền thống và “làm mới” một số tranh cổ đồng thời cho ra đời một số mẫu mới được nhiều người ngưỡng mộ.
Trong các kỹ thuật làm tranh Kim Hoàng thì khâu khắc ván in là khó nhất. Kỹ thuật khắc tranh Kim Hoàng cho thấy sự công phu từ khâu chọn gỗ thị (mít hay vàng tâm), phải có tính mềm, dẻo, bền, và không bị nứt. Để hoàn thành một bản khắc người thợ phải dùng tới 40 loại đục khác nhau và nhiều dao trổ khắc tranh.
Chổi để tô màu, làm bằng ngọn rơm nếp, tạo độ mềm mại vừa phải và dễ điều chỉnh cho mỗi nét tô. Vì vậy, nhìn tranh Kim Hoàng nét vẽ mộc mạc, ngây ngô nhưng rất sinh động. Bởi vì tranh Kim Hoàng sinh ra từ miền quê nông thôn, nhằm phục vụ nông dân lao động và chính điều đó ảnh hưởng rất lớn đến màu sắc của tranh Kim Hoàng.
Với người nông dân lao động mỗi độ Xuân về Tết đến, là dịp người ta đi mua sắm nào câu đối, tranh màu đỏ mang về trang trí nhà cửa, nhằm hy vọng Năm Mới may mắn đến với mọi người.
Tranh Kim Hoàng màu sắc tự nhiên tươi tắn, rực rỡ. Màu sắc tự nhiên bao giờ cũng làm từ màu thiên nhiên, nên sau một thời gian màu sẽ trong không bị đục mờ.
Đề tài tranh dân gian Kim Hoàng cũng rất phong phú được lấy từ chính cuộc sống mộc mạc giản dị quen thuộc của người nông dân đồng bằng Bắc bộ, chân lấm tay bùn, nên dễ dàng đi vào lòng người. Đó là hình ảnh con trâu, con bò đang cày bừa trên đồng ruộng là con lợn ủn ỉn trong chuồng, là con gà gáy sáng buổi bình minh…
Khác với tranh Đông Hồ, Hàng Trống, tranh Kim Hoàng không chỉ có hình ảnh mà còn được trang trí những câu thơ chữ Hán, được viết theo lối chữ thảo, ở phía trên góc trái bức tranh, tạo cho bức tranh có một bố cục chặt.
Hình vẽ và thơ thể hiện trên tranh tạo nên một sự hài hòa cả về nội dung lẫn hình thức. Có được bố cục này chứng tỏ nghệ nhân không chỉ thạo chữ Hán, mà còn có trình độ hiểu biết nhất định và cảm thụ được tứ thơ để phù hợp với tranh.
Đó là đặc điểm nổi trội nhất của của tranh Kim Hoàng. Và cũng là điểm ưa chuộng nhất đối với tranh Kim Hoàng của người nông dân cần có để trang trí trong những ngày Tết đến Xuân về.
Muốn phục hồi phát triển tranh Kim Hoàng, trước hết phải có nghệ nhân. Muốn có nghệ nhân tâm huyết với nghề, điều kiện cần và đủ là họ phải được sống bằng nghề. Hiện tranh Kim Hoàng chỉ còn một người kế thừa duy nhất là nghệ nhân Đào Đình Trung (sinh năm 1980), một người con của Kim Hoàng.
Muốn có những bản khắc gỗ, chỉ còn cách dựa trên một số hình ảnh được lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và trong tập sách “Imagerie populaire Vietnamienne” (tranh dân gian Việt Nam) xuất bản năm 1960, của nhà nghiên cứu người Pháp Maurice Durand.
Việc khôi phục tranh Kim Hoàng đồng nghĩa với việc khôi phục, bảo tồn các giá trị dân gian đặc sắc, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân xứ Đoài nói riêng của mảnh đất Thăng Long – Hà Nội và lưu vực sông Hồng nói chung.