Lập phương án tác chiến Chiến dịch Tây Nguyên

Tháng 11-1974, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh xác định 'chiến trường Tây Nguyên là hướng chủ yếu cho cả miền Nam' và giao nhiệm vụ cho Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên.

Vậy tại sao ta chọn địa bàn Tây Nguyên mở màn “đòn chiến lược then chốt” và việc lập phương án tác chiến cho Chiến dịch Tây Nguyên diễn ra như thế nào?

Chọn đúng hướng chiến lược

Chia sẻ về việc tại sao ta chọn Tây Nguyên mở màn “đòn chiến lược then chốt”, Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tham mưu trưởng Chiến dịch Tây Nguyên, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, cho biết: Trước đây, thực dân Pháp đã từng tuyên bố "Ai chiếm được Tây Nguyên thì sẽ làm chủ được 3 nước Đông Dương". Đế quốc Mỹ thay thực dân Pháp, trực tiếp đưa quân vào xâm lược Việt Nam. Sau khi đổ bộ đến Đà Nẵng đã nhanh chóng lần lượt đưa đại quân vào khống chế địa bàn chiến lược Tây Nguyên với những sư đoàn, lữ đoàn tinh nhuệ nhất: Sư đoàn Kỵ binh không vận số 1 “Anh cả đỏ”; Sư đoàn 4 Bộ binh tinh nhuệ; Sư đoàn 25 “Tia chớp nhiệt đới”; Lữ đoàn Dù 173 thiện chiến... nhằm khống chế khu vực Trung Đông Dương, giữ thế cho chiến trường Trung Trung Bộ, nối với chiến trường Trị Thiên ở phía Bắc và chiến trường Nam Trung Bộ ở phía Nam, cùng với chiến trường Trung, Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia.

Mặt khác, có thể thấy, Tây Nguyên là địa bàn chiến lược rất quan trọng, có tính cơ động rất cao. Làm chủ Tây Nguyên ta có thể phát triển xuống đồng bằng Khu 5, thực hành chia cắt chiến lược, nhất là có thể phát triển xuống hướng chiến lược rất quan trọng là miền Đông Nam Bộ. Chiến trường Tây Nguyên là chiến trường thích hợp với tác chiến lớn, phù hợp với sở trường chiến đấu của Quân Giải phóng, tuy xa hậu phương lớn nhưng nằm trên đường hành lang đã ổn định; qua nhiều năm dự trữ vật chất, đạn dược và thiết bị chiến trường, ta đã có khả năng bảo đảm cho lực lượng chủ lực tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn.

Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, thực tiễn từ đầu đến cuối cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, ở Tây Nguyên đã diễn ra những trận đánh, những chiến dịch với thắng lợi vang dội, từng bước tạo ra thế trận, cục diện có lợi cho ta, từ trận diệt gọn tiểu đoàn Mỹ đầu tiên khi chúng mới bước chân vào miền Nam tại chiến trường Plei Me (năm 1965); trận tiêu diệt gọn một tiểu đoàn và đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn Dù 173 trong Chiến dịch Đăk Tô-Tân Cảnh, giải phóng phần lớn tỉnh Kon Tum (năm 1968). Cũng tại chiến trường Tây Nguyên, sau thất bại của chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đế quốc Mỹ buộc phải chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Chiến lược chiến tranh mới của Mỹ bắt đầu thử nghiệm tại chiến trường Tây Nguyên đã bị lực lượng vũ trang Tây Nguyên đánh bại liên tiếp 3 cuộc hành quân “Bình Tây 48”, “Bình Tây 49” và “Bình Tây 50” trong khoảng một tháng vào đầu năm 1969 với tổn thất vô cùng nặng nề...

Bộ Chính trị Trung ương Ðảng họp cuối năm 1974, quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh tư liệu

Bộ Chính trị Trung ương Ðảng họp cuối năm 1974, quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh tư liệu

Lập phương án tác chiến

Tháng 9-1974, Bộ Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ cho Đảng ủy và Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên triển khai công tác chuẩn bị mở Chiến dịch Tây Nguyên với nhịp độ rất khẩn trương và giữ bí mật tuyệt đối, nhằm tiêu diệt địch theo Đường 14 qua Đức Lập, giải phóng Gia Nghĩa, mở hành lang chiến lược nối liền Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ. Đến tháng 11-1974, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh xác định “chiến trường Tây Nguyên là hướng chủ yếu cho cả miền Nam” và giao nhiệm vụ cho Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên với yêu cầu cao hơn: Tiêu diệt địch, giải phóng Gia Nghĩa, mở thông hành lang chiến lược xuống Đường 20; đồng thời diệt địch, giải phóng dân và phần lớn vùng đất xung quanh Buôn Ma Thuột, Nam Pleiku-Cheo Reo, mở rộng hành lang Tây Nguyên với 3 tỉnh Nam Khu 5.

Để chuẩn bị cho Chiến dịch Tây Nguyên, ngày 15-1-1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương cử vào Tây Nguyên trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Trước ngày đoàn lên đường, Đại tướng Văn Tiến Dũng trao đổi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thượng tướng Hoàng Văn Thái về cách đánh trong Chiến dịch Tây Nguyên. Theo đó, phương án tác chiến tối ưu được đưa ra trên quan điểm: Đòn tiến công chiến lược đầu tiên phải tranh thủ bất ngờ cao độ, mạnh bạo giải quyết Buôn Ma Thuột trước, bảo đảm chắc thắng ngay từ trận đầu; tiếp đó, nhanh chóng phát huy thắng lợi, tiến công liên tục nhằm tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch, giải phóng địa bàn chiến lược quan trọng ở Tây Nguyên. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nêu ra hai phương án đánh Buôn Ma Thuột. Một là, nếu ngụy quân Sài Gòn chưa tăng cường lực lượng thì đánh ngay. Hai là, nếu ngụy quân Sài Gòn tăng cường lực lượng ở Buôn Ma Thuột thì dụ đối phương ra ngoài, đánh viện tiêu diệt lực lượng đối phương ở Cẩm Ga và Thuần Mẫn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng lưu ý thêm rằng, cả hai trường hợp, trường hợp nào cũng phải thực hiện nghi binh thật tốt, gồm nghi binh ở hướng Trị-Thiên và ở hướng Kon Tum, Pleiku.

Sau khi nghiên cứu tình hình, từ ngày 17 đến 19-2-1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng họp bàn phương án tác chiến với Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên. Tại cuộc họp, liên quan đến cách đánh đã có nhiều quan điểm khác nhau và có những bước phát triển mới, cụ thể là: Thứ nhất, sử dụng lực lượng tương đối lớn để cắt các đường giao thông, tạo ra thế chia cắt đối với ngụy quân Sài Gòn về chiến lược; đồng thời, tích cực hoạt động nghi binh, giam chân đối phương, thu hút sự chú ý và lôi kéo lực lượng của đối phương về phía Bắc Tây Nguyên, đánh lạc hướng mục tiêu tiến công là Buôn Ma Thuột. Thứ hai, trận then chốt mở đầu chiến dịch là đánh chiếm Buôn Ma Thuột phải chắc thắng bằng cách tổ chức lực lượng đột kích binh chủng hợp thành bất ngờ thọc sâu vào bên trong thị xã, nhanh chóng tiêu diệt ngay các mục tiêu chỉ huy đầu não và vị trí xung yếu, đánh chiếm vững chắc các bàn đạp bên trong xong mới từ trong thị xã đánh ra ngoài tiêu diệt những cứ điểm cô lập đã mất chỉ huy (Theo cuốn Đại tướng Văn Tiến Dũng, tuyển tập, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2007).

Phương án tác chiến được báo cáo về Tổng hành dinh và được nhất trí thông qua với ý kiến chỉ đạo: “Mạnh bạo giải quyết Buôn Ma Thuột trước nếu địch ở đây tương đối sơ hở, ta có điều kiện giành thắng lợi bất ngờ, tiêu diệt địch, tiếp đó nhanh chóng phát triển thắng lợi”. Tổng hành dinh lưu ý thêm rằng, “cần tranh thủ bất ngờ cao độ, bảo đảm trận đầu thắng giòn giã, có kế hoạch phát triển thắng lợi kịp thời”. Quán triệt ý kiến chỉ đạo của Tổng hành dinh, trước khi thực hành chiến dịch, Đại tướng Văn Tiến Dũng chỉ đạo các đơn vị nghi binh đánh mạnh nhằm làm cho đối phương lún sâu vào những nhận định sai lầm.

Ngày 25-2-1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng phê chuẩn quyết tâm chiến đấu của Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên; đồng thời làm rõ thêm một số vấn đề về hiệp đồng quân, binh chủng khi đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột; chỉ rõ các nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết tốt sau khi giải phóng thị xã. Trong các ý kiến chỉ đạo, Đại tướng Văn Tiến Dũng đặc biệt nhấn mạnh việc bảo đảm yếu tố bất ngờ: “Phải bằng mọi biện pháp, mọi hình thức, tập trung suy nghĩ, ra sức giữ bí mật, để bất ngờ đánh theo phương án địch chưa có tăng cường thêm lực lượng” (Theo cuốn Đại tướng Văn Tiến Dũng, tuyển tập, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2007).

NGUYỄN HÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/lap-phuong-an-tac-chien-chien-dich-tay-nguyen-816801
Zalo