Những thách thức của thế giới đáng chú ý trong năm 2025

Năm 2025 mang theo những cơ hội phát triển nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho toàn cầu.

Rủi ro từ biến đổi khí hậu

Các thảm họa tự nhiên gia tăng do biến đổi khí hậu vẫn là rủi ro ngày càng lớn đối với các tổ chức. Các thảm họa tự nhiên, bao gồm hạn hán kéo dài, động đất tàn khốc hơn, lũ lụt và các hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến hầu hết các khu vực trên thế giới. Nhiều thảm họa trong số này đang diễn ra thường xuyên hơn hoặc nghiêm trọng hơn do tác động của biến đổi khí hậu.

Các thảm họa tự nhiên, bao gồm hạn hán kéo dài, động đất tàn khốc hơn, lũ lụt và các hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến hầu hết các khu vực trên thế giới. Ảnh: Pixabay

Các thảm họa tự nhiên, bao gồm hạn hán kéo dài, động đất tàn khốc hơn, lũ lụt và các hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến hầu hết các khu vực trên thế giới. Ảnh: Pixabay

Các tổ chức cần chủ động giám sát chuỗi cung ứng, hoạt động và mạng lưới nhà cung cấp để phát hiện các thảm họa tự nhiên tiềm tàng. Điều này bao gồm cả việc xây dựng kế hoạch ứng phó với các thảm họa có khả năng xảy ra ở từng khu vực cụ thể và theo dõi sát sao các sự kiện đang diễn ra, chẳng hạn như tình trạng hạn hán kéo dài ở miền Nam châu Phi, vốn có thể tiếp diễn hoặc trầm trọng hơn trong năm 2025.

Mặc dù phần lớn các thảm họa tự nhiên như hạn hán là sự kiện mang tính địa phương hoặc khu vực, nhưng rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu hoặc khu vực trên quy mô lớn vẫn ở mức cao.

Giá dầu giảm mạnh

Theo tạp chí Stratfor Worldview, giá dầu giảm xuống mức 60 USD/thùng hoặc thấp hơn trong thời gian dài do nhu cầu toàn cầu trì trệ, nguồn cung ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng và OPEC+ ưu tiên thị phần hơn là cắt giảm sản lượng.

Giá dầu giảm dài hạn gây ra rủi ro khủng hoảng kinh tế và tài chính tại các quốc gia sản xuất dầu và khí đốt lớn. Algeria, Angola, Iraq và Nigeria nằm trong số những nước dễ bị ảnh hưởng nhất khi giá dầu giảm đột ngột. Ở những quốc gia nói trên, điều này có thể dẫn đến mất ổn định chính trị…

Các tổ chức có thể đối mặt với việc chuỗi cung ứng bị gián đoạn, các cuộc biểu tình xảy ra gần cơ sở của họ, rủi ro tiền tệ tăng cao do đồng nội tệ mất giá nghiêm trọng và chính phủ áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn đối với việc hồi hương lợi nhuận ở những nước bị ảnh hưởng.

Mặc dù hầu hết các quốc gia phát triển sẽ hưởng lợi từ giá năng lượng thấp hơn, nhưng những khu vực phụ thuộc nhiều vào sản xuất dầu khí như Texas (Mỹ), một số khu vực của Australia và miền Tây Canada sẽ hứng chịu thiệt hại, ảnh hưởng đến cả các công ty không thuộc ngành dầu khí tại những khu vực này. Các tổ chức cần chuẩn bị sẵn sàng bằng việc đánh giá chuỗi cung ứng và các địa điểm hoạt động có thể bị ảnh hưởng bởi gián đoạn trong trường hợp giá dầu sụp đổ.

AI gây gián đoạn trong xã hội và giới doanh nghiệp

Việc đẩy nhanh tốc độ phát triển và áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong năm 2025 có thể gây gián đoạn đáng kể trong xã hội, giới doanh nghiệp và trong một số trường hợp dẫn đến các cuộc khủng hoảng danh tiếng lớn.

Việc AI được áp dụng và phát triển nhanh chóng gây gián đoạn trong xã hội và giới doanh nghiệp tới mức nhiều người lao động và xã hội phương Tây đổ lỗi cho AI về tình trạng thất nghiệp, mất việc làm và lương giảm. Điều này dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ phong trào của người lao động - bao gồm các phong trào do công đoàn tổ chức và các hành động tự phát của người lao động không gia nhập công đoàn - khiến các cuộc đình công lan rộng trong năm 2025.

Việc đẩy nhanh tốc độ phát triển và áp dụng AI trong năm 2025 có thể gây gián đoạn đáng kể trong xã hội và giới doanh nghiệp. Ảnh: Pixabay

Việc đẩy nhanh tốc độ phát triển và áp dụng AI trong năm 2025 có thể gây gián đoạn đáng kể trong xã hội và giới doanh nghiệp. Ảnh: Pixabay

Đối với các tổ chức, mối đe dọa này cũng dẫn đến sự gia tăng số lượng nhân viên bất mãn, bị sa thải hoặc mất việc đang tìm cách gây tổn hại cho công ty, chẳng hạn thông qua trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ, công khai chỉ trích và bêu xấu, thậm chí là bạo lực.

Ngoài ra, sự phản đối mạnh mẽ từ xã hội đối với AI cũng khiến các chính phủ đẩy nhanh nỗ lực bảo vệ người lao động khỏi tác động của việc áp dụng AI, khiến họ can thiệp thường xuyên hơn để bảo vệ quyền lợi của người lao động, gây tổn hại đến lợi ích của các công ty, cũng như nỗ lực gia tăng các quy định về việc sa thải nhân viên hoặc thay thế họ bằng AI.

Leo thang căng thẳng ở Iran

Iran có hành động leo thang mạnh mẽ, nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng dầu khí trong khu vực và rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân hoặc thể hiện tham vọng hạt nhân sau các cuộc tấn công của Israel vào lĩnh vực hạt nhân hoặc dầu mỏ của nước này.

Iran và các lực lượng dân quân đồng minh tại Iraq và Yemen tiếp tục tấn công các cơ sở dầu mỏ quan trọng ở vùng Vịnh, như cơ sở Abqaiq và Ras Tanura của Saudi Arabia, cảng Mina al Ahmadi của Kuwait, và cơ sở hạ tầng ở Bahrain, Qatar và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE).

Việc làm gián đoạn hoạt động vận chuyển dầu bằng tàu ở vịnh Persian thông qua các vụ bắt giữ tàu hoặc vụ nổ sẽ có tác động toàn cầu, gây sức ép cho nền kinh tế thế giới trì trệ trong năm 2025.

Leo thang căng thẳng cũng có thể dẫn đến các cuộc tấn công trực tiếp vào các tòa nhà văn phòng ở nhiều thành phố vùng Vịnh như Abu Dhabi, Doha và Dammam, cũng như ở Jeddah và Riyadh sâu bên trong lãnh thổ Saudi Arabia.

Mối đe dọa từ chủ nghĩa thánh chiến gia tăng

Al Qaeda, Nhà nước Hồi giáo (IS) hoặc một nhóm khác lợi dụng sự sụp đổ của chính quyền Assad (Syria) và các cuộc xung đột giữa lực lượng người Kurd và phe đối lập Syria được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, dẫn đến việc nhóm thánh chiến này nhanh chóng mở rộng trong năm 2025.

Sự phát triển nhanh của nhóm thánh chiến này trong khu vực giúp họ nhanh chóng chiếm giữ lãnh thổ tại Iraq và Syria. Rủi ro như vậy dễ xảy ra hơn nếu Mỹ sớm rút quân khỏi Iraq hoặc Syria và nhiều tay súng IS đang bị giam giữ trốn thoát hoặc được thả.

Ở Iraq và Syria, nhóm thánh chiến này có không gian để thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng dầu khí, cũng như các cuộc tấn công lớn ở Baghdad và Mosul.

Sự phát triển nhanh của nhóm mới này cũng khuyến khích nhiều cuộc tấn công hơn từ các nhóm hoặc cá nhân địa phương ở các quốc gia phương Tây. Nếu điều này xảy ra, các tổ chức hoạt động tại Iraq, Syria, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và các khu vực lân cận nên tăng cường giám sát các hoạt động thánh chiến và cập nhật hoặc khôi phục các giao thức an ninh từ thời kỳ đỉnh điểm của hoạt động IS trong giai đoạn 2014-2017.

Nhìn chung, năm 2025 hứa hẹn sẽ là năm của những biến động mạnh mẽ nhưng cũng đầy cơ hội. Những xu hướng lớn về công nghệ, kinh tế và xã hội đang hội tụ, tạo ra một môi trường phức tạp nhưng giàu tiềm năng cho sự phát triển.

Thanh Bình

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhung-thach-thuc-cua-the-gioi-dang-chu-y-trong-nam-2025-375220.html
Zalo