Lắp điều hòa sát trần: Sai lầm phổ biến gây hao tốn điện và giảm hiệu quả làm mát

Trong những ngày hè oi bức, điều hòa trở thành 'vị cứu tinh' không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt. Tuy nhiên, việc lắp đặt thiết bị này không đúng cách, đặc biệt là lắp sát trần nhà, lại tiềm ẩn nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến hiệu quả làm mát, tuổi thọ thiết bị và cả sức khỏe người sử dụng.

Với mục đích tiết kiệm không gian hoặc đảm bảo tính thẩm mỹ, không ít gia đình chọn cách lắp điều hòa sát trần. Thế nhưng theo các chuyên gia kỹ thuật, đây là phương án lắp đặt hoàn toàn sai lầm.

Ông Nguyễn Minh Hoàng, kỹ sư điện lạnh với hơn 15 năm kinh nghiệm, cho biết: “Việc đặt điều hòa sát trần không chỉ cản trở quá trình khuếch tán khí lạnh mà còn gây khó khăn cho việc vệ sinh, bảo dưỡng. Đặc biệt, khoảng cách quá gần trần sẽ khiến luồng gió bị hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả làm mát."

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo tiêu chuẩn lắp đặt hiện hành, điều hòa nên được lắp cách sàn nhà từ 2,8 đến 3 mét, đồng thời phải cách trần ít nhất 30 cm. Với những căn phòng có trần thấp, vẫn cần đảm bảo một khoảng hở hợp lý để thiết bị hoạt động hiệu quả.

Khi điều hòa được lắp sát trần, luồng khí mát thường bị hướng lên phía trên thay vì lan tỏa đều khắp phòng. Điều này không chỉ khiến hiệu suất làm mát giảm sút mà còn khiến máy hoạt động nhiều hơn, gây tiêu hao điện năng không cần thiết.

Ngoài ra, người dùng cũng sẽ gặp khó khăn trong việc lau chùi phần mặt trên của máy do không có không gian thao tác. Việc bụi bẩn tích tụ lâu ngày không được vệ sinh cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng không khí và sức khỏe gia đình.

Đối với những gia đình vẫn ưu tiên tính thẩm mỹ hoặc không gian nhỏ hẹp, chuyên gia khuyến nghị có thể lựa chọn các loại điều hòa âm trần hoặc điều hòa áp trần. Đây là hai dòng sản phẩm được thiết kế đặc biệt để phù hợp với không gian trần thấp mà vẫn đảm bảo hiệu quả làm mát tối ưu.

Để tối ưu chi phí và bảo vệ sức khỏe trong mùa hè, người dùng cần lưu ý một số nguyên tắc sử dụng điều hòa dưới đây:

Cài đặt nhiệt độ hợp lý: Duy trì mức nhiệt từ 25–27°C là phù hợp nhất cho sức khỏe và tiết kiệm điện. Mức nhiệt này cũng giúp giảm chênh lệch với môi trường bên ngoài, hạn chế sốc nhiệt.

Không nên dùng chế độ Dry thay Cool trong ngày nóng: Chế độ Dry chỉ thực sự hiệu quả trong những ngày độ ẩm cao. Với những ngày nắng gắt trên 40°C, chế độ Cool mới đảm bảo khả năng làm mát đúng nghĩa.

Kết hợp sử dụng quạt: Bật thêm quạt giúp không khí lạnh lan tỏa đều, làm mát nhanh và tránh hiện tượng khô da do ngồi điều hòa lâu.

Uống nhiều nước: Ngồi lâu trong phòng điều hòa dễ khiến da khô, cổ rát. Việc bổ sung đủ nước sẽ giúp cơ thể cân bằng và giảm thiểu các tác động không mong muốn.

Không bật tắt liên tục: Nhiều người có thói quen tắt điều hòa khi phòng đủ mát và bật lại khi nóng lên. Cách làm này khiến máy phải khởi động nhiều lần, tiêu tốn nhiều điện hơn và dễ hỏng hóc.

Bảo dưỡng định kỳ: Điều hòa nên được vệ sinh, bảo trì từ 3–6 tháng/lần để đảm bảo hoạt động trơn tru, tiết kiệm điện và kéo dài tuổi thọ thiết bị.

Như Ý (t/h)

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doi-song/lap-dieu-hoa-sat-tran-sai-lam-pho-bien-gay-hao-ton-dien-va-giam-hieu-qua-lam-mat/20250521083621681
Zalo