Bài văn chỉ 1 câu nhưng 8 lỗi chính tả, vậy mà ai đọc cũng thích thú vô cùng
Một bài văn tiểu học với chỉ một dấu chấm, tám lỗi chính tả nhưng lại khiến ai đọc cũng bật cười vì quá đỗi dễ thương. Sự hồn nhiên, chân thật trong từng câu chữ khiến 'tác phẩm nhí' này lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội.
Các bài tập làm văn của học sinh tiểu học luôn mang một nét hồn nhiên và dễ mến đặc biệt. Dù còn nhiều lỗi chính tả, câu chữ ngây ngô, cách trình bày chưa gọn gàng, nhưng chính sự mộc mạc ấy lại khiến người đọc không khỏi bật cười và cảm thấy ấm lòng.
Có lẽ vì trong mỗi dòng chữ vụng về đó đều chứa đựng sự chân thành, trí tưởng tượng phong phú và những cảm xúc trong trẻo hiếm thấy. Bài văn dưới đây là một ví dụ điển hình.

Sự ngây ngô, hồn nhiên trong câu chữ ở các bài văn tiểu học chính là điều đặc biệt khiến người lớn thích thú. Ảnh minh họa AI
Theo đó, khi nhận được đề tài "viết đoạn văn kể về việc em thích làm trong ngày nghỉ", em học sinh liền kể lại một mạch những điều khiển bản thân thích thú.
Điều khiến bài văn trở nên đặc biệt nằm ở chỗ: toàn bộ đoạn viết chỉ có… 1 dấu chấm. Suốt gần 200 chữ, em chỉ dùng dấu phẩy để ngắt nhịp, và chỉ đến tận cuối cùng, em mới nhớ ra cần phải kết thúc bằng một dấu chấm tròn trịa. Thế là, từ một đoạn văn thông thường, tác phẩm nhỏ này vô tình trở thành 1 câu dài nhất lớp.
Chưa hết, bài viết còn có đến 8 lỗi chính tả – điều vốn rất quen thuộc với lứa tuổi tiểu học, khi các em mới chập chững bước vào thế giới ngôn từ. Tuy nhiên, chính những lỗi sai ấy lại khiến bài làm thêm phần dễ thương và chân thật, bởi em viết đúng những gì mình nghĩ, không chút màu mè.
Nguyên văn bài làm như sau:
"Lúc ngày nghỉ em được bố mẹ cho đi 'hách' (khách) sạn lúc em vào trước mắt là có một căn phòng chứa những cái 'trăng' (chăn) gấp gọn 'gàn' (gàng), có gấu bông, và cái gối trắng rất đẹp và có một cái ti vi 'xiêu' (siêu) to, lúc xuống ăn em ăn xúc xích, bánh mật ong, 'đô nớt' (donut) sô cô la và kem sô cô la và nước cam ăn 'song' (xong) tụi em đi lên phòng ngủ, một lúc sau em được bố mẹ cho đi tàu lượn 'xiêu' (siêu) tốc và vòng quay mặt trời, buổi 'chưa' (trưa) tụi em đi bơi bể bơi rất mát và có nhiều cát tụi em đi nhặt vỏ 'xò' (sò) ở đó có rất nhiều con ốc to quá tụi em mang nó về 'hách' (khách) sạn và buổi tối tụi em đi ngủ rất ngon buổi sáng em đi về nhà em cảm thấy rất muốn quay lại và rất là vui".


Bài văn của em nhỏ tiểu học khiến dân tình cười ngất.
Dù còn vụng về trong cách diễn đạt, bài văn nhỏ này vẫn khiến người lớn phải mỉm cười vì sự ngây thơ, chân thật đến đáng yêu của một đứa trẻ. Người đọc không chỉ thấy một chuyến đi nghỉ thú vị qua lăng kính của em, mà còn cảm nhận được niềm vui đơn sơ, háo hức và tình cảm gia đình ấm áp được gửi gắm trong từng dòng chữ.
Với giáo viên, đây không đơn thuần là một bài kiểm tra kỹ năng viết, mà còn là chiếc “cửa sổ” mở ra thế giới tâm hồn trong sáng của học trò. Thầy cô có thể thấy rõ em học sinh này có trí nhớ tốt, khả năng quan sát sinh động và một trái tim biết rung cảm với những điều rất đỗi đời thường.
Với phụ huynh, bài văn này có thể là một lời nhắc nhẹ nhàng: trẻ con không cần phải viết hay ngay từ đầu, điều quý giá hơn là chúng biết kể lại điều mình yêu, sống hết mình với trải nghiệm và không ngại bày tỏ cảm xúc. Những “lỗi sai” hôm nay rồi sẽ dần được chỉnh sửa, nhưng tình yêu cuộc sống và niềm vui khi cầm bút, nếu được giữ gìn sẽ là tài sản theo con suốt hành trình học tập sau này.
Bài văn này sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội đã nhận được sự bàn luận rôm rả của cư dân mạng:
"Một dấu chấm quý hơn vàng! Bé giữ được đến cuối bài là xuất sắc rồi "
“Cảm giác như đang chạy marathon với từng chữ của bé, mà đọc xong thấy vui lắm luôn.”
“Chưa học hết Tiếng Việt nhưng đã học trọn vẹn niềm vui sống. Đáng yêu hết phần thiên hạ luôn.”
“Mình đọc còn thấy như được ‘đi hách sạn’, ăn ‘đô nớt’ với bé. Trẻ con viết văn hay hơn AI mất rồi.”
“Mong cô giáo giữ bài này lại vài năm sau đưa bé đọc lại, đảm bảo cười sặc nước.”
“Đọc bài này mới thấy: quan trọng không phải viết chuẩn – mà là viết thật.”