Điều gì xảy ra với cơ thể khi bạn uống nước ngọt mỗi ngày?

Uống nước ngọt mỗi ngày có thể gây ra một số tác động tiêu cực rõ rệt đến sức khỏe, cả ngắn hạn lẫn dài hạn, làm ảnh hưởng sức khỏe tim mạch, tiêu hóa, trí não và kiểm soát cân nặng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Dù ai cũng biết nước ngọt không phải là thức uống bổ dưỡng, nhưng chưa chắc đã biết việc uống nước ngọt mỗi ngày ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều đến mức nào? Có đáng lo ngại không?

Câu trả lời là có và hãy cùng tìm hiểu cơ thể bạn sẽ thay đổi ra sao nếu bạn duy trì thói quen uống nước ngọt mỗi ngày.

Tác động ngắn hạn của việc uống nước ngọt hằng ngày

Trước tiên, cần biết nước ngọt được làm từ gì. Hầu hết nước ngọt có thành phần gồm: nước có gas, chất tạo ngọt (đường, siro ngô giàu fructose hoặc chất tạo ngọt nhân tạo), acid phosphoric (giúp tăng vị và kéo dài hạn sử dụng), cùng hương liệu tự nhiên. Một số loại còn chứa caffeine.

Một lon nước ngọt thông thường chứa trung bình 155 calo, 38g carbohydrate, 37g đường và 34mg caffeine.

Trong khi đó, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị giới hạn lượng đường nạp vào mỗi ngày là 25g đối với nữ và 36g với nam - ít hơn cả lượng đường trong một lon nước ngọt.

Huffpost dẫn lời chuyên gia dinh dưỡng Sonya Angelone cho biết, việc uống nước ngọt hàng ngày sẽ khiến bạn cảm thấy tỉnh táo ngay lập tức nhờ caffeine và đường. Caffeine ngăn chặn adenosine - chất dẫn truyền thần kinh gây buồn ngủ - trong khi đường được hấp thụ nhanh vào máu, tạo nên cảm giác tràn đầy năng lượng. Tuy nhiên, cảm giác này sẽ nhanh chóng sụt giảm, khiến bạn mệt mỏi hơn.

Tiến sỹ Supriya Rao, chuyên gia về nội khoa và tiêu hóa, cho biết nước ngọt cũng ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa ngay lập tức. Carbon dioxide và đường có thể gây đầy bụng, chướng hơi, thậm chí tiêu chảy hoặc táo bón nếu uống thường xuyên. Đường trong nước ngọt nuôi dưỡng vi khuẩn có hại trong đường ruột và làm suy yếu lớp niêm mạc ruột.

 (Nguồn: Getty Images)

(Nguồn: Getty Images)

Hậu quả dài hạn khi uống nước ngọt mỗi ngày

Về lâu dài, hậu quả không chỉ dừng ở việc đau bụng hay tụt năng lượng. Theo bác sỹ Neil Paulvin, chuyên gia y học tái tạo, việc tiêu thụ nước ngọt hàng ngày dễ dẫn đến tăng cân, đặc biệt là mỡ bụng - loại mỡ nguy hiểm vì liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch, hội chứng chuyển hóa, tiểu đường tuýp 2 và ung thư vú.

Không chỉ vậy, nước ngọt còn liên quan đến bệnh thận, huyết áp cao và tăng cholesterol.

Nhiều nghiên cứu cho thấy cả nước ngọt thường và nước ngọt dành cho người ăn kiêng đều làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.

Não bộ cũng bị ảnh hưởng. Đường huyết cao do uống nước ngọt làm tăng viêm não, từ đó tăng nguy cơ trầm cảm và sa sút trí tuệ.

Nước ngọt dành cho người ăn kiêng: có thật sự an toàn?

Bạn nghĩ có thể tránh những hậu quả này bằng cách chuyển sang nước ngọt ăn kiêng? Rất tiếc, các chuyên gia đều đồng thuận rằng chất tạo ngọt nhân tạo trong nước ngọt ăn kiêng cũng có thể gây hại cho đường ruột, tim và não. Về mặt sức khỏe, chúng không hơn gì đường thật cả.

Cách cắt giảm nước ngọt một cách hiệu quả

Nếu bạn muốn giảm dần việc uống nước ngọt, chuyên gia Angelone gợi ý hãy tự hỏi: điều gì khiến bạn thích nước ngọt đến vậy? Nếu là do caffeine, bạn có thể thử càphê có gas hoặc matcha đóng lon (lưu ý kiểm tra thành phần để tránh đường và chất tạo ngọt). Nếu là vị ngọt và cảm giác sủi bọt, hãy thử nước khoáng có gas với trái cây hoặc kombucha.

Một số gợi ý nước detox dễ làm tại nhà:dưa leo và bạc hà, việt quất và cam, lựu và chanh. Vừa ngon lại vừa tiết kiệm.

Tuy nhiên, Angelone khuyên rằng đừng cắt caffein đột ngột, vì bạn dễ bị đau đầu, mệt mỏi. Hãy giảm từ từ để cơ thể thích nghi. Đồng thời, đừng quên bổ sung đủ nước và năng lượng từ thực phẩm lành mạnh: ví dụ sữa chua Hy Lạp với trái cây, hoặc bánh mỳ nguyên cám với bơ đậu phộng.

Dù bỏ thói quen uống nước ngọt mỗi ngày không hề dễ, nhưng đây là quyết định đúng đắn cho sức khỏe lâu dài. Hãy bắt đầu bằng những thay đổi nhỏ và kiên trì, cơ thể bạn sẽ cảm ơn bạn sớm thôi./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/dieu-gi-xay-ra-voi-co-the-khi-ban-uong-nuoc-ngot-moi-ngay-post1039411.vnp
Zalo