Lao động xuất khẩu về nước: Chật vật thích nghi trở lại
Xuất khẩu lao động đang là xu hướng được nhiều người lao động lựa chọn với mong muốn tích lũy được một khoản tiền.
![Lao động xuất khẩu về nước tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp tại sàn giao dịch việc làm.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_181_51448012/804050b965f78ca9d5e6.jpg)
Lao động xuất khẩu về nước tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp tại sàn giao dịch việc làm.
Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi là sau khi kết thúc quá trình làm việc ở xứ người, về nước thì người lao động sẽ làm gì?
Nguồn lực lao động xuất khẩu lớn
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong thời gian vừa qua, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đạt được nhiều thành tựu về số lượng, chất lượng. Nhờ đó, uy tín của người lao động Việt Nam tại nước ngoài không ngừng được nâng cao.
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, trong những năm gần đây, mỗi năm Việt Nam đưa gần 160.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài (năm 2023 đưa 159.986 lao động, năm 2024 đưa 159.000 lao động).
Việt Nam hiện có khoảng 700.000 lao động đang làm việc trong 30 ngành công nghiệp khác nhau ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam làm việc.
Hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng góp phần giải quyết vấn đề việc làm, cải thiện đời sống cho người lao động và đào tạo cho Việt Nam đội ngũ lao động hiểu biết về khoa học, công nghệ, tác phong lao động công nghiệp góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người lao động sau khi về nước vẫn băn khoăn với việc tìm kiếm công việc phù hợp.
Chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại, anh Phạm Văn Hải (32 tuổi, Bỉm Sơn, Thanh Hóa) cho biết, sau gần 7 năm lao động tại Hàn Quốc đã quyết định trở về Việt Nam sinh sống và làm việc. Sau khi trở về được nửa năm, anh Hải nhận thấy bản thân chưa tìm được công việc phù hợp với mức lương như mong muốn. Vì đó anh Hải dự định tiếp tục đi xuất khẩu lao động.
“Trước đây, khi làm việc ở Hàn Quốc (trong ngành chế biến thực phẩm), mức lương của tôi khoảng 45 triệu đồng/tháng. Mức lương này không quá cao so với các ngành khác, song tương đối thoải mái để tôi chi tiêu và gửi về cho gia đình. Giờ về Việt Nam, muốn tìm được việc làm với mức lương này với tôi gần như là không thể.
Trước khi về nước, tôi cũng có một số kế hoạch khởi nghiệp. Suy đi tính lại, tôi nhận thấy hiện chưa phải thời điểm phù hợp. Vì vậy, tôi nghĩ mình sẽ tiếp tục sang nước ngoài làm thêm một thời gian nữa, dành dụm chút vốn rồi sẽ về quê hương kinh doanh, buôn bán nhỏ”, anh Phạm Văn Hải chia sẻ.
![Ảnh minh họa INT.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_181_51448012/2c46f0bfc5f12caf75e0.jpg)
Ảnh minh họa INT.
Tự tìm kiếm cơ hội mới
Tương tự trường hợp của anh Hải là anh Trần Đức Nam (34 tuổi, Vũ Thư, Thái Bình). Xuất phát điểm của anh Nam là sinh viên ngành cơ khí. Sau khi ra trường, anh Nam đã thử làm nhiều công việc. Nhưng do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, mẹ bị bệnh và mất sức lao động, anh Đức Nam quyết định đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan (Trung Quốc) để có tiền trang trải cuộc sống.
Sau hơn 3 năm xuất khẩu lao động tại xứ người, anh Nam trở về quê với số vốn vài trăm triệu đồng và niềm hy vọng về một tương lai xán lạn hơn. Cũng giống như anh Phạm Văn Hải và nhiều người lao động về nước sau khi hết hạn hợp đồng, vì công việc ở nước ngoài không liên quan đến ngành nghề đã được học tại Việt Nam nên anh Nam cũng chật vật tìm công việc như mong muốn. Số vốn dành dụm của anh Nam sau vài tháng cũng vơi dần đi.
Sau nhiều ngày tìm hiểu và quan sát, anh Đức Nam nhận thấy bản thân có lợi thế về ngoại ngữ sau nhiều năm làm việc tại nước ngoài. Anh quyết tâm trau dồi thêm vốn tiếng Trung và học hỏi những người sang cửa khẩu nhập hàng quần áo Trung Quốc về Việt Nam bán.
Thời gian đầu anh Nam chỉ nhập số lượng ít, bán trực tuyến để thăm dò thị trường. Sau hơn 1 năm, công việc kinh doanh dần đi vào ổn định. Với số vốn tích lũy được, anh Đức Nam đã mạnh dạn mở một cửa hàng quần áo nhỏ tại quê nhà.
“Thực tế, rất nhiều người đi xuất khẩu lao động đều có dự định sau khi về nước sẽ khởi nghiệp với số vốn mình tích lũy được ở bên nước ngoài. Tôi cũng không phải ngoại lệ, vì giờ về đi làm thì nói thật cũng không biết phải làm gì. Ban đầu tôi băn khoăn lắm, việc kinh doanh cũng phải xem xét rất kỹ, lên kế hoạch cả nửa năm trời. Vì nếu như việc kinh doanh thất bại thì xem như chút vốn liếng nhỏ nhoi mình dành dụm được trong vài năm đi xuất khẩu lao động cũng mất.
Tôi từng chứng kiến có người cùng làng xuất ngoại về đầu tư quán cà phê, quán ăn. Nhưng kết quả, xây dựng những mô hình này ở nông thôn không hút khách do nhu cầu tiêu dùng quá ít. Thế là số vốn tích lũy được cũng cạn dần, ‘không cánh mà bay’. Tôi có lời khuyên cho các bạn đồng nghiệp, chỉ nên bắt tay vào kinh doanh khi đã hiểu rõ sản phẩm, thị trường, phương thức... Nếu không thì đi làm công ăn lương một thời gian, chấp nhận lương không cao bằng nước bạn, nhưng có thời gian để tìm hiểu thị trường và trau dồi thêm kiến thức. Nếu đòi mức lương cao ngang ngửa nước bạn thì không thể có. Lý do, giá trị đồng tiền, mức sống ở mỗi đất nước không giống nhau”, anh Đức Nam giải thích.
Trong những năm gần đây, Trung tâm Lao động ngoài nước, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đều tổ chức hội chợ việc làm dành riêng cho lao động xuất khẩu về nước. Đây chính là cơ hội để người lao động có thể tìm kiếm việc làm phù hợp với kinh nghiệm và trình độ tay nghề.