Cần có cơ chế đặc thù cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Theo tờ trình của Bộ Khoa học và Công nghệ, các đối tượng được ưu đãi khi lựa chọn nhà đấu thầu, nhà đầu tư bao gồm nhà thầu trong nước cung cấp dịch vụ, sản xuất hàng hóa có xuất xứ Việt Nam phù hợp với hồ sơ mời thầu; Nhà thầu là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khoa học và công nghệ...
![Ảnh minh họa.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_3_51451206/cda7d5dee09009ce5081.jpg)
Ảnh minh họa.
Chiều ngày 10/2/2025, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh chủ trì Hội đồng thẩm định đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong thời gian gần đây, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, trong đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như: có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững (quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII).
Đại hội XIII cũng xác định nhiệm vụ đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cũng đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp có tính cách mạng để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Nhiều cơ chế, chính sách đột phá, quan trọng với mục tiêu đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong Kỷ nguyên mới.
Thông qua việc rà soát các chủ trương, đường lối của Đảng tại các văn bản, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận thấy có nhiều nội dung chưa phù hợp hoặc chưa được thể chế hóa tại các văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, trong bối cảnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò then chốt trong sự phát triển kinh tế - xã hội, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thúc đẩy lĩnh vực này là yêu cầu cấp thiết.
![Quang cảnh phiên họp. Ảnh: MOJ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_3_51451206/053a2243170dfe53a71c.jpg)
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: MOJ.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thi hành pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, một số nội dung chưa phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn nhằm phát triển khoa học và công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội là cần thiết để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đồng bộ hóa các quy định pháp luật, tháo gỡ các vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhằm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Việc xây dựng Nghị quyết nhằm thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ đó để tác động một cách tích cực, đưa hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực để hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đạt mục tiêu kép của quốc gia vào năm 2030 và 2045 như Đại hội XIII đã đề ra.
Tại phiên họp, các đại biểu cho ý kiến về việc sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ chi cho nghiên cứu, khảo sát để xây dựng thuyết minh nhiệm vụ khoa học và công nghệ; đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; công bố kết quả nghiên cứu khoa học, khen thưởng, giải thưởng khoa học và công nghệ,...
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần bổ sung một số điều khoản về tổ chức thực hiện. Đây là lĩnh vực mang tính đặc thù nên cần được quản lý theo phương thức đặc thù. Cụ thể, cần có quy định về trách nhiệm của tổ chức khoa học, công nghệ và cơ quan chủ quản của tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước; quy định về trách nhiệm hậu kiểm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về thực hiện các cơ chế đó.
Theo tờ trình của Bộ Khoa học và Công nghệ, các trường hợp khi mua sắm hàng hóa trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không phải áp dụng quy trình, thủ tục theo quy định của Luật Đấu thầu, bao gồm: mua sắm khi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc phần kinh phí được giao khoán của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước; mua sắm không sử dụng vốn ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ của cá nhân, tổ chức tham gia nhiệm vụ khoa học và công nghệ mà không phải là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập…
Các đối tượng được ưu đãi khi lựa chọn nhà đấu thầu, nhà đầu tư bao gồm nhà thầu trong nước cung cấp dịch vụ, sản xuất hàng hóa có xuất xứ Việt Nam phù hợp với hồ sơ mời thầu; Nhà thầu là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao, tổ chức khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật.
Đồng thời bổ sung các khoản chi liên quan đến hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp: các khoản đầu tư, tài trợ của doanh nghiệp cho các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.