Lão bà đi học ngoại ngữ rèn trí nhớ
Mong muốn rèn luyện trí nhớ, mở rộng các mối quan hệ sau khi nghỉ hưu, bà Dương Thị Nhung (59 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội) đã chọn cách học ngoại ngữ dành cho người cao tuổi.
Bà Nhung chia sẻ, thời gian đầu mới nghỉ hưu, ở nhà một mình, bà cảm thấy buồn, hẫng hụt vì thời gian biểu trong ngày thay đổi. Chồng bà đã nghỉ hưu được hơn 3 năm song vẫn tham gia cộng tác với một văn phòng luật sư nên công việc vẫn bận rộn.
Vợ chồng con trai đi làm, hai cháu nội đi học nên mỗi buổi sáng, sau khi chồng con đi làm, các cháu đi học, bà Nhung chỉ quanh ra quẩn vào dọn dẹp nhà cửa.
Bao năm đi làm bận rộn, giờ có thời gian, bà Nhung tăng cường gặp gỡ bạn bè cũ, thăm hỏi người nọ người kia nhưng chỉ hào hứng được thời gian đầu.
Không còn phải lo kế hoạch nọ, hạn mức kia, buổi trưa cũng chẳng phải lo cơm nước cho gia đình, một mình tự do ăn gì thì ăn, bà Nhung trở thành "tỉ phú" thời gian. "Giết" thời gian, hết lướt mạng, chat Zalo, đọc Facebook, bà Nhung quay sang xem phim bộ.
"Lúc đầu cày phim, tôi ham lắm. Nhiều hôm, tôi cứ nằm trên giường xem phim qua điện thoại đến quên cả ăn trưa. Tính mình thì đã mê cái gì là không dứt ra được, mất cả kiểm soát giờ giấc.
Đến nỗi, nhiều hôm, tôi phờ phạc cả người. Biết điều này, chồng con tôi phản đối kịch liệt. Chồng tôi còn ra "tối hậu thư", nếu vợ không điều chỉnh lịch sinh hoạt khoa học sẽ cắt internet", bà Nhung kể.
Và rồi, bà Nhung phải thay đổi, suy nghĩ nghiêm túc về việc xây dựng thời gian sinh hoạt khoa học cho mình. Bà tham khảo các lớp học, câu lạc bộ, công việc làm thêm phù hợp với người hưu trí.
Sau 1 tuần nghiên cứu, bà Nhung đã lên kế hoạch và thời gian biểu cho mình để từ bỏ thói quen sinh hoạt phản khoa học. Thay vào đó, buổi sáng sau khi chồng con, các cháu ra khỏi nhà, bà đi chợ, mua thức ăn về sơ chế, bảo quản trong tủ lạnh.
Từ 10h đến 11h30, bà dành 1 tiếng rưỡi để học ngoại ngữ qua ứng dụng Duolingo. Bà Nhung lựa chọn ứng dụng này vì muốn ôn lại vốn từ tiếng Trung được học hồi đại học, sau đó "chữ thầy trả thầy" vì không dùng đến.
Giờ dù quên nhiều mặt chữ nhưng cách học môn ngoại ngữ này bà vẫn nhớ nên muốn thử sức mình. Sau khi học tiếng Trung trên ứng dụng thấy khá thú vị, bà Nhung "đánh liều" thử đăng ký học cả tiếng Anh, với mục tiêu biết được một số từ thông dụng.
Với tinh thần chăm chỉ, mỗi lần đọc đúng từ, trả lời đúng câu hỏi lại được cộng điểm khiến bà Nhung rất ham. Bà học miệt mài, nhiều hôm đua với bạn học, bà còn tăng 2 ca liên tiếp trong ngày.
Đặc biệt, qua việc học, vì buộc phải động não ghi nhớ từ, cấu trúc câu nên bà Nhung cảm thấy trí não mình minh mẫn, linh hoạt hơn. Kết hợp với thể dục thể thao bằng cách đi bộ buổi chiều, tham gia sinh hoạt câu lạc bộ hưu trí của cơ quan và khu dân cư, bà Nhung thấy cuộc sống của mình tươi vui, ý nghĩa.
Mới đây, được sự khích lệ của chồng con, bà Nhung đăng ký một khóa học ngoại ngữ online dành cho người cao tuổi, có giáo viên nước ngoài hướng dẫn. Lớp học có 10 thành viên nên có nhiều cơ hội để thầy trò luyện tập.
Được giao tiếp, trò chuyện với thầy cô và bạn học bằng tiếng Anh, bà Nhung cảm thấy tự tin khi phát âm, không còn ngại ngùng như trước. Song song đó, bà Nhung vẫn dành thời gian tự luyện tập tiếng Trung trên Duolingo.
Từ trải nghiệm bản thân, bà Nhung cho rằng, người về hưu, nếu không chủ động lên kế hoạch, thời gian biểu, nếp sống khoa học sau khi rời công sở sẽ dễ rơi vào trạng thái ì trệ, sinh hoạt vô tổ chức…
Với bà Nhung, việc học ngoại ngữ sau khi về hưu chính là cách để bà rèn luyện trí nhớ hiệu quả.