Lặng thầm 'gieo chữ' vùng biên
Tại huyện biên giới Bù Gia Mập, để mỗi học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) được đến trường là cả quá trình bền bỉ của thầy, cô giáo nơi điểm trường Sơn Trung thuộc Trường tiểu học Nguyễn Huệ, xã Đức Hạnh. Không chỉ đứng lớp, các thầy cô còn đi từng thôn, xã, vào tận rẫy vận động phụ huynh đưa con em đến trường. Giữa thiếu thốn và cách trở, hành trình ấy không ít gian nan nhưng bằng sự kiên trì và trách nhiệm, các thầy, cô giáo đã giúp duy trì sĩ số học sinh ổn định nhiều năm liền, từng bước góp phần nâng chất giáo dục vùng biên.
Kiên trì bám điểm trường
Năm học 2024-2025, điểm trường Sơn Trung có 289 học sinh, 100% là đồng bào dân tộc S’tiêng. Cuộc sống còn nhiều vất vả, vào mùa vụ các em thường phải theo ba mẹ lên rẫy nên việc duy trì sĩ số lớp không phải lúc nào cũng dễ dàng. Chính vì vậy, nhiều năm qua, mỗi mùa khai giảng, sau lễ, tết, hành trình đến lớp không chỉ là chuyện riêng của học sinh mà còn là nỗi trăn trở thường trực và trách nhiệm của đội ngũ giáo viên nơi đây.

Những đôi dép nhỏ được các em học sinh dân tộc S'tiêng xếp thẳng hàng, ngay ngắn bên ngoài lớp học
Gắn bó nhiều năm với điểm trường, cô Lê Thị Trà Giang gần như thuộc lòng từng cái tên, nhớ rõ từng mái nhà của học sinh nơi đây. Cô Giang chia sẻ: “Tôi sống cùng thôn với các em nên hiểu rất rõ hoàn cảnh từng gia đình, nếp sinh hoạt của bà con. Vì vậy, tôi không chỉ là người dạy chữ mà còn là người bạn đồng hành với các em trên con đường học tập”.

Trong giờ ra chơi, cô Lê Thị Trà Giang dạy các em học sinh Khmer tại điểm trường Sơn Trung thuộc Trường tiểu học Nguyễn Huệ hướng dẫn các em đọc thơ
Trước mỗi năm học mới, khi những cơn mưa còn nặng hạt, những con đường còn lầy lội, các thầy cô giáo đã bắt đầu đi khắp thôn, xóm, ghé từng nhà để nhắc nhở, động viên phụ huynh đưa con đến trường. Có học sinh vì gia đình đi làm rẫy xa, có em vì nhà neo người, không ai đưa đón và mỗi hoàn cảnh đều đòi hỏi các thầy cô phải kiên trì, mềm mỏng nhưng cương quyết. Cô Trần Thị Hạnh, giáo viên điểm trường Sơn Trung cho hay: “Thông thường, trước ngày khai giảng khoảng 1 tuần, trường đã tổ chức cho học sinh tựu trường. Nhưng với những em chưa có mặt, chúng tôi sẽ cùng Ban giám hiệu đến từng gia đình để tìm hiểu lý do và vận động các em ra lớp. Có khi đi bộ cả buổi mới đến được một nhà ở xa tít trong rẫy, nhưng không ai nề hà gì. Vì chúng tôi, mỗi học sinh đến trường là một thành công, niềm vui lớn. Chỉ cần nghĩ đến điều đó là tôi lại tự nhủ mình phải cố gắng hơn nữa, dù vất vả đến đâu cũng không nản lòng”.

Phía sau mỗi học sinh dân tộc thiểu số nơi đây là sự âm thầm nỗ lực của cả hệ thống giáo dục cơ sở, nơi mỗi giáo viên là một “chiến sĩ” trên con đường “gieo chữ”
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều năm nay, điểm trường Sơn Trung không ghi nhận trường hợp học sinh bỏ học. Đó là kết quả của mô hình tổ, nhóm vận động học sinh do nhà trường triển khai hiệu quả. Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Huệ Trương Nhựt Khanh cho biết: “Tại điểm trường Sơn Trung, chúng tôi luôn xác định công tác duy trì sĩ số học sinh là một nhiệm vụ trọng tâm. Chính vì vậy, trường đã xây dựng các tổ, nhóm chuyên trách theo từng khu vực, từng tuyến thôn, xóm để chủ động theo dõi tình hình học sinh. Nếu phát hiện em nào nghỉ học từ 2 buổi trở lên mà không có lý do, giáo viên sẽ chủ động đến tận nhà để thăm hỏi, tìm hiểu nguyên nhân. Trong trường hợp học sinh vắng mặt từ 3 buổi trở lên, chúng tôi sẽ phối hợp với trưởng thôn, cán bộ dân vận để cùng nhau đến nhà học sinh đó vận động. Chính nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và cộng đồng, sự gần gũi giữa giáo viên với phụ huynh nên nhiều năm qua điểm trường không có học sinh bỏ học. Đây là kết quả của sự bền bỉ, đồng lòng, không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau”.
Với đặc thù là một huyện vùng biên có đông đồng bào DTTS sinh sống, ngành GD&ÐT huyện Bù Gia Mập luôn xem công tác vận động học sinh đến lớp là một nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt năm học. Chúng tôi đặc biệt chú trọng đến việc hỗ trợ và chăm lo cho học sinh DTTS. Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ Phòng GD&ÐT đến các xã, thôn và nhà trường nên nhiều năm nay, tỷ lệ học sinh đến lớp của huyện luôn đạt 100%. Chúng tôi tự hào rằng, dù ở vùng biên nhưng học sinh Bù Gia Mập đều được đến trường đầy đủ, được học trong môi trường an toàn, yêu thương và được chăm sóc toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.
Trưởng Phòng GD&ÐT huyện Bù Gia Mập LÊ VĂN CÔNG
Ươm mầm tri thức
Ở những điểm trường vùng biên còn nhiều khó khăn như Sơn Trung, đây không chỉ là nơi dạy chữ mà còn là nơi ươm mầm niềm tin, khơi dậy khát vọng và vun đắp ước mơ. Với học sinh DTTS, mỗi ngày đến trường là một bước chuyển mình thầm lặng trên hành trình vươn tới tương lai. Ghé thăm điểm trường vào một ngày đầu tháng 5, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước sự ngăn nắp, lễ phép và tinh thần học tập của các em. Những đôi dép nhỏ được xếp thẳng hàng bên ngoài lớp học, tiếng đọc thơ vang ra từ các lớp học. Ánh mắt các em vẫn hồn nhiên như bao đứa trẻ khác, nhưng ẩn sâu bên trong là sự quyết tâm và khát vọng đến trường. Trên cơ thể nhỏ bé của các em là những chiếc áo đồng phục đã bạc màu theo thời gian. Có em mặc chiếc áo rộng quá khổ, tay áo xắn cao đến tận khuỷu, bảng tên trên ngực không ghi đúng tên mình bởi đó là chiếc áo của anh, chị từng học trước. Những tấm áo ấy tuy không mới nhưng lại mang theo giấc mơ tiếp nối qua từng thế hệ. Và chính các thầy cô bằng sự tận tụy, tình yêu thương đang ngày ngày nâng đỡ những khát vọng ấy. Họ không chỉ là người dạy chữ mà còn là bạn đồng hành, là chỗ dựa tinh thần, là người mở đường cho hành trình đi tìm tri thức đầy gian khó.
Việc bám điểm trường của giáo viên không chỉ là biện pháp nhất thời mà đã trở thành một phần trong chiến lược phát triển giáo dục bền vững. Khi giáo viên ở cùng thôn với người dân, sự thấu hiểu và gắn bó tăng lên rõ rệt. Họ không chỉ dạy chữ mà còn giúp phụ huynh hiểu hơn về giá trị của việc học, từ đó hình thành nhận thức tích cực trong cộng đồng.


Từng “mầm xanh” nơi biên giới đang lớn dần lên trong vòng tay yêu thương và sự tận tụy của thầy cô giáo
Từ những nỗ lực ấy, nhiều học sinh DTTS đã dần thay đổi tư duy, không còn e dè trường lớp, mà đã bắt đầu yêu trường, mến lớp, ước mơ được học cao hơn. Không ít em từng được vận động đến lớp, nay là học sinh giỏi, trở thành người truyền cảm hứng lại cho chính cộng đồng mình. “Thấy con biết đọc, biết viết, biết chào hỏi lễ phép, tôi mừng lắm. Hồi đó, tôi không được học, giờ thấy thầy cô rất tận tình nên cũng ráng cho con đi học tới nơi tới chốn” - anh Điểu Sơn, phụ huynh của em Điểu Bươi, điểm trường Sơn Trung chia sẻ.
Từng “mầm xanh” nơi vùng biên đang lớn dần lên dưới mái trường đơn sơ nhưng ấm áp sự tận tụy, yêu thương. Ở đó, thầy cô không chỉ trao cho các em con chữ đầu đời mà còn gieo vào tâm hồn non nớt ấy những giá trị sống bền vững, biết yêu thương, biết ước mơ, biết nỗ lực vươn lên từ nghèo khó. Mỗi giờ lên lớp, mỗi bước chân đến tận nhà vận động học sinh là một phần trong hành trình lặng thầm của những người gieo chữ. Và từ những lớp học ấy, mỗi học sinh DTTS đang lặng lẽ viết tiếp giấc mơ không chỉ cho riêng mình mà còn cho cả nơi các em được sinh ra và lớn lên.