Lặng lẽ chăm sóc sức khỏe cho người dân

HNN - Giữa bao gian khó của miền biên giới A Lưới, những người thầy thuốc mang quân hàm xanh vẫn lặng lẽ bám bản, vượt dốc, băng rừng để chăm lo sức khỏe cho đồng bào. Họ trở thành điểm tựa vững chắc trong lòng Nhân dân.

Không chỉ túc trực tại trạm xá, những cán bộ y tế như anh Phước còn sẵn sàng cấp cứu người dân bất kể ngày đêm

Không chỉ túc trực tại trạm xá, những cán bộ y tế như anh Phước còn sẵn sàng cấp cứu người dân bất kể ngày đêm

Trạm xá giữa đại ngàn

Một buổi sáng cuối tuần tại Trạm xá quân dân y kết hợp xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, hàng ghế chờ khám bệnh đông kín người. Chị Nguyễn Thị Trỗi (34 tuổi, xã Lâm Đớt) đưa con nhỏ đến khám với dấu hiệu tiêu chảy, sốt cao. Sau khi thăm khám kỹ lưỡng và dặn dò cẩn thận về cách dùng thuốc, Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Đoàn Xuân Phước còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát thức ăn và giữ vệ sinh. Với bà con vùng cao, những lời khuyên ấy dần thay đổi thói quen sinh hoạt tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

“Người dân ở đây chủ yếu mắc các bệnh về đường hô hấp, huyết áp, tiêu hóa và suy dinh dưỡng. Nhiều bệnh có thể phòng được nếu chú ý ăn chín uống sôi và giữ gìn vệ sinh. Mỗi buổi khám là cơ hội để chúng tôi hướng dẫn lại từ đầu cho bà con”, Đại úy Phước chia sẻ.

Không chỉ túc trực tại trạm xá, những cán bộ y tế như anh Phước còn sẵn sàng cấp cứu người dân bất kể ngày đêm. Anh kể lại kỷ niệm khó quên khi một đêm cách đây nhiều năm, một cụ già bất ngờ nôn mửa dữ dội do viêm tụy cấp. Anh đã vượt đêm, băng rừng đến tận nhà cụ để thăm khám, sau đó hỗ trợ đưa bệnh nhân đến Trung tâm Y tế huyện phẫu thuật kịp thời.

Ở A Lưới, bác sĩ quân y không chỉ “nằm vùng” ở trạm xá, mà còn như người thân trong mỗi gia đình. Có khi trạm xá hết thuốc, họ chủ động xin hỗ trợ từ các đơn vị. Có lúc gặp ca bệnh vượt quá khả năng, họ lập tức kết nối chuyển viện. Cũng nhờ sự tận tâm ấy, người dân ngày càng tin tưởng, chủ động tìm đến bác sĩ khi đau ốm, thay vì trông chờ vào thầy mo hay cúng bái như trước.

Ông A Vô Ta Rô, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Đớt cho biết: “Các bác sĩ quân y đã góp phần nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe cho đồng bào. Để lên Trung tâm Y tế huyện mất gần 30km đường núi, nhiều người lo ngại không muốn đi khám. Từ khi có trạm xá quân dân y, bà con có nơi khám, chữa bệnh gần hơn, thuận tiện hơn. Bà con xem bộ đội như người nhà”.

Tấm lòng người thầy thuốc nơi biên giới

Cách Lâm Đớt không xa, Bệnh xá quân dân y của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 nằm giữa thung lũng A So vẫn đều đặn đón bệnh nhân. Khu vực này từng chịu ảnh hưởng nặng của chất độc da cam, để lại nhiều di chứng cho thế hệ sau. Nhưng nhờ đội ngũ y, bác sĩ tận tâm, bà con dần yên tâm hơn với cuộc sống.

Chị P Ling Thị Lan (xã A Roàng) từng tin rằng, bệnh tật là do “ma rừng” quấy phá. Sau nhiều lần được khám và tư vấn tại Bệnh xá quân dân y A So, chị dần thay đổi suy nghĩ. “Trước kia đau bụng hay sốt là tôi gọi thầy mo, giờ thì đến trạm xá để được khám bệnh. Các bác sĩ giải thích cặn kẽ, chữa bệnh nhiệt tình nên tôi tin tưởng”, chị Lan bày tỏ.

Tốt nghiệp Học viện Quân y, từng làm việc tại Bệnh viện Quân y 268, Đại úy, bác sĩ Nguyễn Trần Phú tình nguyện lên công tác tại vùng biên vào năm 2020. Tại đây, anh từng cứu sống bé gái 2 tuổi bị dị vật khí quản gây ngừng tim phổi. Chỉ với kỹ năng sơ cứu được huấn luyện bài bản, anh cùng đồng đội đã nỗ lực cấp cứu, mang lại sự sống cho bệnh nhi trong gang tấc.

Y sĩ Hồ Xuân Nhiên, người có gần 15 năm công tác tại các xã vùng cao của A Lưới, cũng là gương mặt quen thuộc với đồng bào. Không chỉ chữa bệnh, anh còn đến từng nhà tuyên truyền cách phòng, chống dịch, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, giúp bà con bỏ dần các hủ tục lạc hậu. Anh từng cấp cứu cho nhiều trường hợp khẩn cấp như cấp cứu một thanh niên gãy chân do ngã khi đi rẫy, hay cứu sống cháu bé không may bị sặc sữa…

Ông Hồ A Lua, Chủ tịch UBND xã A Roàng xúc động: “Tôi từng bị tai nạn lao động và được điều trị tại bệnh xá. Nhờ sự chăm sóc tận tình của các y, bác sĩ, tôi phục hồi hoàn toàn”.

Lực lượng quân y của Bộ đội Biên phòng thành phố Huế hiện có 23 người, phần lớn là bác sĩ và y sĩ trẻ. Nhiều người trong số đó sắp hoàn thành nhiệm vụ, thời gian công tác chỉ còn lại từ một đến hai năm. Thượng tá Lê Văn Hòa, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 cho biết, địa bàn xa xôi, công việc vất vả, trong khi lực lượng kế cận còn mỏng khiến công tác chăm sóc sức khỏe tại các xã biên giới đối mặt với không ít khó khăn. Dù vậy, các y, bác sĩ quân y vẫn đang từng ngày nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, bám địa bàn, giữ vững niềm tin của đồng bào nơi biên cương.

Bài, ảnh: Thái Châu

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/y-te-suc-khoe/lang-le-cham-soc-suc-khoe-cho-nguoi-dan-154041.html
Zalo