Lần tìm dấu xưa Trần Trung Hí Viện

Những năm 1980, trong những lần đi công tác ở Thủ Dầu Một, buổi chiều tôi chạy xe quanh chợ Thủ và một lần đã bất ngờ khi nhìn thấy cái rạp hát xây theo kiểu Tây trên đường Hai Bà Trưng. Nó cũ kỹ, rêu phong nhưng thật sự có vẻ đẹp riêng của một phế tích không chống chọi nổi với thời gian và thiếu sự chăm sóc.

Trong thời gian đầy khó khăn đó, hầu hết nhà cửa đều xơ xác nên dáng vẻ tiêu điều của rạp hát này không làm cho ai xốn mắt. Tuy nhiên, rạp Thanh Bình, tên của nó, mỗi tối vẫn sáng đèn diễn cải lương cho bà con xem với các đoàn cải lương như Sông Bé 1, Sông Bé 2. Nó vẫn tiếp tục hoạt động như lúc mới được chào đời từ năm 1930. Người dân Thủ Dầu Một vẫn gọi cái tên cũ là Trần Trung Hí Viện hoặc là “rạp hát Trần Trung”, “rạp hát của ông chủ Hiếu”, cho dù nó được đổi tên là rạp Thanh Bình từ năm 1954.

Ông chủ Hiếu thời cải lương thạnh trị

“Ông chủ Hiếu” là tên người chủ xây rạp hát - Trần Trung Hiếu, còn được gọi là ông Hương chủ Hiếu, xuất thân từ danh gia vọng tộc bậc nhất vùng đất Bình Dương trù phú và hiền hòa này.

Theo cuốn Gia phả dòng họ Trần Thủ Dầu Một do bà Nguyễn Thị Minh Phượng là con cháu trong họ biên soạn năm 2018, ông Trần Trung Hiếu (1876 - 1944) lúc sinh tiền cai quản những trại cưa gỗ ven đường Nguyễn Tri Phương do cha là ông Trần Văn Long truyền lại.

Ông Hiếu có bốn người con trai du học bên Pháp, trong đó ba người là bác sĩ và một là dược sĩ. Họ là những người Việt tốt nghiệp ngành y dược tại Pháp đầu tiên của tỉnh Thủ Dầu Một.

Sau, ông Hiếu chuyển sang làm thầu xây dựng (thầu khoán). Ông có nhiều đóng góp trong giai đoạn phát triển của vùng đất Thủ Dầu Một thời gian 1920 - 1940 với các công trình kiến trúc bề thế như rạp hát Trần Trung, những dãy nhà cổ trên đường Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, Hai Bà Trưng…

Góc trái của rạp. Bộ ảnh do Ngô Kế Tựu chụp khoảng năm 2012. Một thời gian ngắn sau đó, rạp đã bị đập ra xây lại.

Góc trái của rạp. Bộ ảnh do Ngô Kế Tựu chụp khoảng năm 2012. Một thời gian ngắn sau đó, rạp đã bị đập ra xây lại.

Khi nhắc đến ông, nhiều người còn nhớ con rạch mang tên Hương chủ Hiếu. Thời Pháp thuộc, căn phố đầu của dãy phố cổ nhất chợ Thủ nằm trên đường Bạch Đằng và đường Điểu Ông có nóc nhà màu đỏ của bà Phạm Thị Lý do ông cho xây lại thành căn phố hai tầng, có ban công ngó ra sông Sài Gòn tại chỗ bãi tắm ngựa. Ông còn là “ông chú” của nha sĩ Trần Công Vàng học tại Pháp về (chủ ngôi nhà cổ tuyệt đẹp Trần Công Vàng đến nay đang được con cháu sử dụng và bảo tồn).

Ông Hiếu xây rạp hát ở cuối thời kỳ thịnh vượng nhất thời thuộc địa, trước khi khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra. Giống như nhiều biệt thự thời đó, rạp hát của ông ảnh hưởng kiểu cách kiến trúc Pháp. Rạp do kiến trúc sư người Pháp vẽ kiểu, xây xong có tên là Trần Trung Hí Viện. Vẻ đẹp của rạp nằm ở các chi tiết trang trí, ô gió, chạm trổ, đắp nổi ở mặt tiền. Nóc rạp nhô cao chính giữa, phía dưới có hàng chữ “Thủ Dầu Một” nằm trên cây đàn lyre, biểu tượng cho nghệ thuật phương Tây. Hai pho tượng thiếu nữ bằng xi măng ngồi ở hai góc cột trang trí trên nóc đang đánh đàn (có người cho là hình tượng hai cô gái phương Tây ôm đàn luth và đàn harpe). Bước qua bậc tam cấp đi qua hành lang là tới phòng bán vé ở hai bên. Trên tường treo các bức ảnh của nghệ sĩ, các tấm áp phích giới thiệu phim với nhiều tranh ảnh tài tử hấp dẫn trong phim. Cầu thang dẫn lên lầu nằm phía bên trái cửa chính.

Hai pho tượng thiếu nữ ngồi đánh đàn trên nóc rạp. Cuốn Buồn vui đời nghệ sĩ của soạn giả Nguyễn Phương có nhắc đến một chuyện ly kỳ ma quái liên quan đến hai pho tượng ở đây khi đoàn Việt kịch Năm Châu về diễn vở Tây Thigái nước Việt ở rạp này năm 1952.

Rạp hát ra đời đúng thời thạnh trị của sân khấu cải lương. Năm 1931, đoàn cải lương Phước Cương của ông bầu Cương cùng các ngôi sao Năm Phỉ, Bảy Nhiêu sang biểu diễn nhiều tháng ở Pháp và thành công rực rỡ, sau đó ra diễn ở Hà Nội và các tỉnh cũng được hoan nghênh. Cả nước đều mê say xem cải lương. Là người kinh doanh nhạy bén, ông Trần Trung Hiếu nắm bắt cơ hội đó. Rạp hát của “ông chủ Hiếu” ra đời chuyên hát cải lương là niềm vui của người dân Thủ Dầu Một và các vùng lân cận. Từ nay họ không cần phải đi ghe hay đi xe điện về Sài Gòn coi cải lương nữa.

Chiến tranh chống Pháp nổi lên khắp nơi từ 1945 - 1954 ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của rạp hát. Năm 1949, một sự kiện bi thảm đã xảy ra ở đây. Một hôm, nhiều người tụ tập tại dãy nhà bên hông sân khấu để đánh bài. Khi họ đang chơi thì có một người vào xin tiền. Người này bị đuổi ra, tức giận nên đi báo cho lính Pháp là Việt Minh tụ tập tại rạp. Hai lính Tây cầm súng đi tới, bắn xối xả vào đám người. Mấy chục người bị bắn chết, chỉ một may mắn sống sót. Câu chuyện kinh hoàng đó gây dấu ấn sâu đậm trong trí nhớ của người lớn tuổi vùng này (theo tác giả Hoàng Anh).

Nóc rạp nhô cao chính giữa, phía dưới có hàng chữ “Thủ Dầu Một” nằm trên cây đàn lyre, biểu tượng cho nghệ thuật phương Tây.

Nóc rạp nhô cao chính giữa, phía dưới có hàng chữ “Thủ Dầu Một” nằm trên cây đàn lyre, biểu tượng cho nghệ thuật phương Tây.

Rạp vẫn tiếp tục hoạt động khi ổn định trở lại. Bài viết Trần Trung Hí Viện, thanh bình thuở xưa của ông Lâm Quang Khải, cư dân cố cựu ở Thủ Dầu Một nhắc đến không khí rạp hát này qua câu chuyện của người chị: “… lúc mình học lớp Nhất trường Nguyễn Trãi 1952 - 1953 đã được má mình dẫn đi xem cải lương, có khi được bà Tám chủ rạp dẫn theo cho ngồi buồng dành riêng cho chủ rạp đó. Từ lúc ấy chị Bê đã biết “Lã Bố hí Điêu Thuyền”, biết kép hát Duy Lân, bà Phùng Há, Bích Thuận, Kim Lan, Kim Cúc... Nhớ trận bão lụt năm Thìn 1952 ở Thủ Dầu Một, trường Nguyễn Trãi có làm văn nghệ bán vé giúp bão lụt, chị có được lên sân khấu lần đầu tiên trong đời trong bài hợp xướng...”.

Sau năm 1954, phim ảnh Pháp và Ấn Độ là trào lưu, chủ rạp không đứng ngoài cuộc. Có thể từ lúc đó, rạp đã được cho thuê để khai thác bằng cách cho chiếu phim sau khi ông chủ Hiếu mất từ hơn mười năm trước. Rạp đổi tên thành rạp Thanh Bình. Tác giả Gia phả mô tả: “Mấy cô đào Ấn và nam tài tử Ấn thường mở màn và đóng màn bằng những pha vừa nhảy múa uốn éo vặn vẹo thân mình, vừa tay chân múa may đẩy đưa bên nhau và lả lơi liếc mắt cười tình với nhau, vừa hát... in ni ca ni ca ni ca... Con nít vừa biết đọc chữ, chưa đọc được hàng phụ đề, không hiểu gì hết thì phim chiếu sáng một cảnh khác, vậy mà cũng thích đi xem phim”.

Góc phải mặt tiền.

Góc phải mặt tiền.

Khoảng năm 1970 (có thông tin cho là khoảng 1967 - 1968), một rạp hát khác tên Bình Minh của gia đình ông Thái (cũng là người thuê rạp Thanh Bình) khai trương, nằm trên quốc lộ 13 cũ, chuyên chiếu phim Tây và Đài Loan. Từ đó rạp Thanh Bình quay trở lại hướng ban đầu là cho các đoàn cải lương biểu diễn. “Mỗi khi có một đoàn cải lương hoặc đại nhạc hội về Thủ trình diễn, khu vực rạp hát và thành phố sinh động và nhộn nhịp hẳn lên. Có lúc xe lam, có lúc một xe hơi nhỏ phóng loa chạy vòng vòng thành phố quảng cáo gánh hát hoặc đại nhạc hội về. Có lúc họ còn phát tờ bướm quảng cáo cho biết ai sẽ diễn và diễn mấy giờ vào ngày nào. Có lúc “đắt sô” rạp có hai suất, buổi trưa và buổi chiều tối cùng ngày”.

Bà Nguyễn Thị Minh Phượng mô tả không khí chung quanh rạp: “… các con đường dẫn đến rạp hát có xe sinh tố góc đường trước tiệm may đồ tây và vắt sổ, xe nước đá bào đậu đỏ bánh lọt, xe bán bò vò viên bên kia đường trước nhà thầy giáo Minh nhìn thẳng vào rạp hát. Những sạp nhỏ bán bánh củ cải, mì xào, hủ tiếu xào... toàn những thứ đồ ăn vặt của vợ chú Gấu trước tiệm sửa xe Honda... Đi xem cải lương xong, thấy đói thì đi thẳng đến chợ trên đường Đoàn Trần Nghiệp, trước tiệm vàng Nhựt Hưng có xe hủ tiếu mì hoành thánh và một xe bán bánh mì, hoặc có khi là quầy bán khô mực nướng…”.

Ký ức của cô bé Lành con bà soát vé

Bà Cao Thị Lành năm nay 70 tuổi, có mẹ làm nhân viên gác cửa, xé vé rạp hát nên từ 9, 10 tuổi đã đi theo mẹ quét rạp và phụ lặt vặt. Bà gắn bó với rạp hát từ năm 1965 đến 1983, sau lớn lên tiếp tục buôn bán quanh đó nên còn nhớ nhiều về những ngày bên rạp hát. Nhớ nhất là tấm bảng “Trần Trung Hí Viện” trên cao và bức tượng hai cô ngồi hai bên ôm đàn.

Bây giờ hồi tưởng lại, ấn tượng sâu đậm trong đầu bà Lành chính là hình ảnh các nghệ sĩ lui tới diễn tại rạp suốt những năm trước và sau 1975. Lành say mê ngắm nhìn các cô đào đẹp lộng lẫy, các anh kép oai phong trong vai tướng quân, dũng sĩ hay hào hoa lịch lãm trong các tuồng xã hội trên sân khấu rồi so sánh khi họ bỏ lớp trang điểm và trang phục diễn.

Mặt tiền Trần Trung Hí Viện. Ảnh theo bài Trần Trung Hí Viện, thanh bình thuở xưa của ông Lâm Quang Khải.

Bà nhớ cô Thanh Nga nhỏ nhắn, tóc dài đi xe hơi chung với mẹ là bà Bầu Thơ lên diễn xong rồi về. Cô Mỹ Châu hát xong cũng về bằng xe hơi, khi nào có mẹ đi cùng mới ở lại qua đêm. Cô Lệ Thủy ở đoàn Kim Chung 5, lúc đó chưa nổi tiếng, đi xe đò từ Sài Gòn đến bến xe Phú Cường ở Thủ Dầu Một, rồi đi xe ngựa đến rạp. Kép Thanh Sang đang có người vợ đầu là cô đào Diệp Tuyết Anh tuy đã nổi tiếng nhưng thường ở lại chứ không về Sài Gòn, ăn cơm hội với đoàn cùng nghệ sĩ Diệp Lang. Hai nghệ sĩ Hùng Cường và Thành Được đẹp trai, hát hay ai cũng mê. Thành Được mũi cao, đi hát bằng xe hơi, bận pa-đờ-suy bước xuống xe là dân quanh đó bu lại nhìn mê mẩn. Kép Dũng Thanh Lâm cũng đẹp và cao lớn. Nghệ sĩ Minh Cảnh rất được ái mộ, thường hát tuồng kiếm hiệp có cảnh bay trên sân khấu. Đoàn Dạ Lý Hương với Hùng Cường - Bạch Tuyết rất thu hút khán giả.

Thời đó, khi diễn phải mắc micro trên sân khấu thành ba hàng chạy qua chạy lại, mỗi hàng có người kéo đến chỗ nghệ sĩ, kéo rất nhanh và rất khớp. Bàn thờ tổ đặt bên trong do đoàn mang đến đặt phía hậu trường. Mỗi nghệ sĩ khi ra hát phải vái bàn thờ tổ.

Dấu vết rêu phong và vẻ đẹp riêng của một phế tích không chống chọi nổi với thời gian và thiếu sự chăm sóc.

Dấu vết rêu phong và vẻ đẹp riêng của một phế tích không chống chọi nổi với thời gian và thiếu sự chăm sóc.

Khoảng năm 1965, Đoàn Kim Chung với Minh Phụng, Minh Vương, Lệ Thủy, Kiều Tiên… chở theo cả nồi niêu xoong chảo, phông màn cảnh trí đến từ 4 giờ sáng để chuẩn bị diễn tối. Diễn xong, các đào kép ở lại đi ăn khuya. Họ ra chợ Thủ Dầu Một, khu đèn Năm Ngọn ăn hủ tíu, uống sinh tố, cà phê. Ban ngày, nhiều đào kép đánh bài dưới hội trường. Tối ngủ dưới sân khấu, có cái hầm xuống khoảng chục bậc cấp, mỗi gia đình một ô giăng màn che chắn. Lúc ăn cơm thì đánh kẻng cho mọi người tụ về. Cơm do bốn bà nấu bếp đi chợ mua về nấu. Các bà này kiêm luôn việc giúp bận trang phục cho đào kép, được trả lương hằng tuần. Mâm cơm của các nghệ sĩ đơn giản, chủ yếu ba món mặn, xào và canh. Một số nghệ sĩ mang theo chén đũa cho riêng mình, ăn xong tự rửa rồi cất, không dùng chung...

Năm Mậu Thân 1968, đoàn Minh Cảnh mới hát ngày mùng một thì chiến sự nổi lên. Dân chúng ở miệt Chánh Nghĩa (khu lò chén) chạy bom đạn đến ở đầy kín rạp hát, chung chỗ với các nghệ sĩ. Họ được các nghệ sĩ hát cho nghe miễn phí. Ai cũng nói mình may mắn.

Khi đoàn hát về diễn, luôn có chuyện một vài nam nữ trong vùng mê hát, bỏ đi theo đoàn. Khi thấy con cái bỗng dưng mất tích, cha mẹ biết ngay là có đoàn hát vừa rời rạp đi diễn nơi khác. Họ truy tìm, hỏi han xem đoàn hát đi đâu để tìm con mình về. Thời đó, có đoàn Sao Ngàn Phương về diễn rất đắt khách, dựng sân khấu kéo dài ra tận ghế khán giả để múa nên ai cũng mê. Một bà bị mất con, biết đoàn đang ở Vũng Tàu nên ra đó tìm. Đến nơi, bà thấy con đang đi mua… chai nước mắm cho đoàn bèn lôi ngay về. Có một số thanh niên trốn quân dịch đến xin các đoàn đang diễn vào đóng vai phụ, như quân sĩ. Họ được chấp nhận nếu biết ca vài câu vọng cổ, không biết ca thì làm soát vé.

Người phụ nữ bán vé số mỗi ngày đi qua đây.

Người phụ nữ bán vé số mỗi ngày đi qua đây.

Bên hông rạp, ông Tư Mạnh là người quản lý có nuôi một con nai lông vàng. Nai dạn người, ai cũng vuốt ve được. Con nai hiền lành đó trở thành ký ức đáng nhớ khi hồi tưởng về rạp hát này, nhất là ở các chú bé thời đó nay đang tuổi bảy mươi.

Sau năm 1975, các đoàn tiếp tục diễn ở đó là đoàn Sông Bé 1, Sông Bé 2, Sông Bé 3 (từ đoàn Dạ Lý Hương tách ra). Lúc đó, nghệ sĩ Vũ Linh hát cho đoàn cải lương Sông Bé 1 chưa qua hát Hồ Quảng nên chưa nổi tiếng. Cải lương Hồ Quảng có Thanh Bạch, Bạch Lê về diễn rất được ái mộ. Sau 1975, rạp xuống cấp dần. Trên la-phông có nhiều dơi cư ngụ. Người đi xem hát phải mang tấm nylon theo để ngồi vì sợ rệp cắn.

Cách nay hơn chục năm rạp hát bị dỡ bỏ, trở thành Trung tâm Văn hóa cộng đồng phường Phú Cường. Hai bức tượng bên trên đưa đi đâu không rõ. Trần Trung Hí Viện - rạp hát Thanh Bình, sân khấu cải lương rực rỡ một thời đã kết thúc sau hơn 70 năm tồn tại, chứng kiến những đổi thay thăng trầm của Thủ Dầu Một. Không biết các nghệ sĩ từng diễn ở đó có còn nhớ Hí Viện Trần Trung?

Bài: Phạm Công Luận - Ảnh: Ngô Kế Tựu

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/lan-tim-dau-xua-tran-trung-hi-vien-46849.html
Zalo