Du xuân qua những vần thơ
Những ngày đầu xuân, chúng tôi có dịp đọc những bài thơ viết về mùa xuân được đăng trên Tạp chí Nha Trang số tháng 2. Mỗi bài thơ là một miền cảm xúc riêng của từng tác giả, để cùng khắc họa nên sắc xuân tươi thắm của quê hương, đất nước.
Thơ xuân của các tác giả xứ Trầm Hương như những thanh âm rả rích của mưa phùn tháng Giêng cứ lan tỏa từ cảm xúc người viết sang người đọc. Ở đó, có những câu thơ về Đảng, Bác Hồ với niềm tin son sắt và tươi mới. Tác giả Hoàng Bích Hà, trong niềm xúc cảm về ngày thành lập Đảng đã viết: “Xuân Ất Tỵ về đất nước thắm sắc hoa/Mừng Đảng quang vinh chín mươi lăm tuổi/Cả dân tộc hân hoan đón mùa xuân mới/Xuân ấm no, xuân hạnh phúc thanh bình…” (Đảng và mùa xuân). Còn với tác giả Võ Hoàng Nam, tình cảm của ông dành trọn trong “Xuân về nhớ Bác”, qua những câu thơ như gợi lại những hình ảnh khác nhau của Bác trong từng hành động, việc làm. Ở đó, chúng ta thấy Bác vừa là một nhà chính trị, một nhà thơ, một vị tướng tài ba, một nông dân, một ông bụt trong ánh mắt trẻ thơ, một ngư dân… Tất cả thể hiện tài năng, đức độ, sự gần dân, yêu dân của Bác và Bác Hồ chính là người bắt nhịp bài ca đoàn kết để đưa dân tộc Việt Nam đến với thắng lợi hoàn toàn.
![Cho chữ ngày xuân. (Ảnh minh họa)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_435_51480170/0a846ad75899b1c7e888.jpg)
Cho chữ ngày xuân. (Ảnh minh họa)
Với mỗi người dân Khánh Hòa, khi xuân về, bao giờ cũng dành tình cảm đặc biệt hướng đến những cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đang công tác, sinh sống ở quần đảo Trường Sa. Hòa chung niềm cảm xúc đó, các nhà thơ lại viết tặng những câu thơ chất chứa niềm tin, nỗi nhớ dâng đầy. Tác giả Ngô Thế Lâm viết: “Nơi xa ấy giữa trập trùng sóng vỗ/Vẫn dáng quê hương vời vợi những bóng thuyền/Tổ quốc cuối trời nhấp nhô từng ngực đảo/Như xóm như làng - tha thiết những dòng tên…” (Những ngực đảo mùa xuân). Với tác giả Phạm Hồng Chân, mùa xuân ở Trường Sa có điều khác mà phải người tinh tế mới nhận ra. “Chiều xuân cứ ngỡ thu sang/Mơn man gió thổi, lá vàng rơi theo/Biển xanh trong, nước trong veo/Để xuân vướng chút hanh heo đông tàn…” (Xuân Trường Sa). Và khi nghĩ về vùng biển, đảo tiền tiêu của Tổ quốc, trong khí trời mùa xuân, tác giả Ngô Tuyền viết: “Thương biết mấy mùa xuân trên hải đảo/Thiếu cành hoa thơm ngát ở quê nhà/Trường Sa ơi! Nơi đất liền luôn nhớ/Những ánh nhìn trông ngóng dáng người thân…” (Trường Sa xuân về).
Khi viết về mùa xuân, cảm hứng nhiều nhất vẫn là cảnh vật quê hương, đất nước vào xuân, cũng như những rung động sâu thẳm của tâm hồn trước khung cảnh giao mùa của thiên nhiên, đất trời. Tác giả Minh Chương khắc họa mùa xuân thông qua những hình ảnh về “Tháng Giêng”: “Tháng giêng cỏ mướt xanh đê/hội xuân người ấy có về hay không/trẻ làng chơi tập tầm vông/vẫn câu hát cũ mà không hết buồn”. Tác giả Sơn Châu cảm nhận về mùa từ những làn gió đông, những búp non: “Lạnh gầy mưa gió mùa đông/Chợt nhìn thấp thoáng nụ hồng xuân sang/Búp non nhuộm ánh nắng vàng/Vô tình bầy én lượn ngang qua thềm…” (Xuân về). Với mỗi nhà thơ, dường như có chút nhạy cảm hơn nên họ dễ dàng đón được những biến chuyển dù nhỏ nhất để nắm bắt được bước đi của mùa xuân. Trong bài “Xuân sớm”, tác giả Vũ Nguyên đã viết: “Nắng đã dậy thì trên khóm trúc/Chăn còn ủ ấm giấc đông tàn/Văng vẳng đâu đây lời chúc phúc/Nghe chừng mưa bụi giục xuân sang…”.
![NSƯT Ái Ly trình diễn tiết mục ngâm thơ trong chương trình kỷ niệm Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 23 năm 2025.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_435_51480170/edc08b93b9dd508309cc.jpg)
NSƯT Ái Ly trình diễn tiết mục ngâm thơ trong chương trình kỷ niệm Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 23 năm 2025.
Cũng chung cảm nhận tinh tế đó, tác giả Nguyễn Bích Liên lại viết: “Từng tia nắng ấm tỏa ra/Sưởi cho nhà nhà quên cái rét đông/Hương xuân tỏa khắp non sông/Muôn hoa đua nở, muôn lòng nôn nao…” (Xuân đến). Khi nàng xuân dạo bước, cảnh vật, con người ở xứ Trầm Hương hân hoan đón đợi. Với những biểu cảm khác nhau, mùa xuân ở Nha Trang - Khánh Hòa cũng vương vấn lòng người. Tác giả Duy Hoàn đã gửi lời mời mọi người đến với vùng đất Khánh Hòa đầy thân thương: “Biển đã vào xuân em ơi!/Đại dương xôn xao bao điều kỳ thú/Xứ Trầm chín rồi những ước mơ ấp ủ/Hải cảng vịnh Vân Phong hồ hởi đón người về…”. Còn tác giả Đỗ Công Quý trong bài “Phố biển hừng xuân” lại viết những câu thơ thật lạ: “Người về phố biển mười năm/Vệ cây xanh lá gọi thầm nhớ quen/Hoa trên cao thắm chung niềm/Ngõ yêu tiềm thức hồn tim mơ hồng…”.
Đọc những bài thơ về xuân, để biết thêm những cảm thức của các nhà thơ Khánh Hòa. Mỗi bài thơ thể hiện được sự quan tâm, tình cảm của các tác giả. Và thơ xuân xứ Trầm cứ lặng lẽ, âm thầm đến với người yêu thơ bằng lối đi của riêng mình.