Làm rõ khái niệm cơ sở thường trú của doanh nghiệp nước ngoài cung cấp hàng hóa tại Việt Nam

Theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 8, ngày 28/11, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng; thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự và Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Bên cạnh đó, Quốc hội họp về công tác nhân sự.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, dự thảo Luật đã bổ sung quy định doanh nghiệp nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo các hình thức kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam. Cơ sở thường trú của doanh nghiệp nước ngoài bao gồm cả nền tảng thương mại điện tử, nền tảng công nghệ số mà thông qua đó doanh nghiệp nước ngoài tiến hành cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam.

Dự thảo Luật bổ sung quy định các khoản thu nhập khác (ngoài thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh chính) của doanh nghiệp nói chung, các khoản thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam của doanh nghiệp nước ngoài (có hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam) và khoản thu nhập ở nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam.

Đồng thời, bổ sung quy định chi tiết về nguyên tắc xác định doanh thu và thời điểm xác định doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Quy định cụ thể về phương pháp tính thuế theo tỷ lệ % trên doanh thu đối với các đối tượng là: doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú phát sinh thu nhập tại Việt Nam; trường hợp hạch toán được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập đối với tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác, doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng.

Trao đổi bên lề Kỳ họp thứ 8, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, thực tiễn phát triển của các hoạt động kinh doanh thông qua thương mại điện tử và các nền tảng số xuyên biên giới cho thấy sự bất cập về khái niệm cơ sở thường trú đang được quy định tại Luật hiện hành và các Hiệp định thuế, chưa đáp ứng được thực tế của loại hình kinh doanh sử dụng cơ sở thường trú “ảo”- không có hiện diện vật lý. Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn giữ khái niệm cơ sở thường trú hiện hành tại khoản 2 Điều 2 về người nộp thuế; theo đó, vấn đề vướng mắc, bất cập liên quan đến nội dung về cơ sở thường trú về cơ bản chưa được giải quyết trong dự thảo Luật. Đại biểu đề nghị cần làm rõ về vấn đề này.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) đề nghị làm rõ quy định đối tượng chịu thuế là “doanh nghiệp nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam theo các hình thức kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam” tại khoản 2 Điều 2 dự thảo Luật mà không có cơ sở thường trú tại Việt Nam để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện luật. Cơ sở nào để thu thuế đối với các doanh nghiệp này vì các doanh nghiệp này chỉ kinh doanh trên nền tảng số.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/lam-ro-khai-niem-co-so-thuong-tru-cua-doanh-nghiep-nuoc-ngoai-cung-cap-hang-hoa-tai-viet-nam-20241128103958074.htm
Zalo