Thiếu hụt nhân sự - Thách thức lớn với quân đội Nhật Bản
Việc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) thiếu hụt nhân sự ở mức trầm trọng được coi là vấn đề cấp bách đối với Nhật Bản trong những năm gần đây. Sau khi lên nắm quyền, tân Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đặt mục tiêu giải quyết vấn đề này bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có cải thiện môi trường làm việc và điều kiện sống cho các nhân viên của SDF.
Theo thông báo của Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản, ngày 25-10, tức là chưa đầy một tháng sau khi nhậm chức Thủ tướng, ông Ishiba đã tổ chức cuộc họp với các Bộ trưởng để thảo luận về nỗ lực cải thiện môi trường làm việc cũng như chế độ đãi ngộ cho các nhân viên của SDF. Gần đây nhất, ngày 9-11, ông Ishiba tiếp tục đề cập tới vấn đề này khi đến thăm căn cứ Asaka của Lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản. "Chúng ta sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để họ (các thành viên SDF) có thể tập trung vào nhiệm vụ quan trọng của mình với niềm tự hào và danh dự", Thủ tướng Ishiba nhấn mạnh.
Tính đến cuối tháng 3-2024, số lượng nhân sự của SDF là khoảng 223.500 người, ít hơn 20.000 người so với chỉ tiêu. Theo số liệu từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản, số lượng tân binh của SDF trong năm tài khóa 2023 là 9.959 người, chỉ đạt 51% mục tiêu tuyển dụng. Tờ The Asahi Shimbun cho rằng tỷ lệ sinh thấp cộng với sự cạnh tranh từ khu vực tư nhân là hai trong số các nguyên nhân khiến SDF không đạt được chỉ tiêu tuyển dụng đề ra trước đó.
Đề cập tới tình trạng nói trên, tờ The Yomiuri Shimbun mới đây cho rằng sự thiếu hụt nhân sự của SDF-những người đóng vai trò bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân Nhật Bản-có thể đe dọa đến an ninh của nước này, đồng thời cản trở các hoạt động cứu trợ trong những thảm họa thiên nhiên đang diễn ra thường xuyên ở xứ sở mặt trời mọc.
Những năm gần đây, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm nguồn nhân lực cho SDF, chẳng hạn như tăng phụ cấp cho thủy thủ đoàn trên các tàu khu trục và tàu ngầm cũng như các nhân viên tham gia phòng thủ mạng 24/7. Mặc dù vậy, người ta cho rằng những người trẻ tuổi ở Nhật Bản vẫn có xu hướng chọn các ngành nghề khác vốn ít phải luân chuyển công tác hơn. Thậm chí, có nguồn tin cho rằng để bù đắp cho sự thiếu hụt về binh sĩ và nhân viên, Bộ Quốc phòng Nhật Bản phải hướng tới việc sử dụng các loại vũ khí tự động hoặc công nghệ tiên tiến, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo (AI).
Hiện Chính phủ Nhật Bản đang xem xét việc tăng mức lương của nhân viên SDF và mở rộng cơ hội tái tuyển dụng của họ. Dự kiến, các biện pháp cụ thể sẽ được “chốt” trong cuộc họp của các Bộ trưởng Nội các có liên quan vào cuối năm nay. Các khoản chi liên quan cũng sẽ được đưa vào đề xuất ngân sách cho năm tài chính 2025.
The Yomiuri Shimbun cho rằng, việc tăng lương cơ bản cũng như các khoản phụ cấp được trả theo tính chất công việc là vấn đề quan trọng cần xem xét, cùng với đó là thúc đẩy cải thiện môi trường sống và cải tạo nhà ở cũ cho các nhân viên của SDF. Ngoài ra, về nguyên tắc, tuổi nghỉ hưu của nhân viên SDF là trong khoảng từ 55 đến 58 tuổi. Lý do họ nghỉ hưu sớm hơn nhân viên dân sự là để tránh tình trạng bị kiệt sức khi về già. Thế nhưng, nhiều người lại tỏ ra lo lắng rằng thu nhập của họ sẽ sụt giảm sau khi về hưu. Bởi vậy, cần tăng cơ hội tái tuyển dụng đối với những nhân viên đã nghỉ hưu và xua tan mối lo ngại của họ về tương lai. “Điều cần thiết là phải thiết lập chế độ đối xử đủ tốt để những người quan tâm đến SDF có thể nhận thấy rằng, việc bảo vệ hòa bình của Nhật Bản là xứng đáng và họ có thể chịu đựng được nhiệm vụ gian khổ”, tờ The Yomiuri Shimbun nhấn mạnh trong bài viết mới đăng tải.
Tuy nhiên, đây vẫn được coi là thách thức không hề nhỏ với Chính phủ Nhật Bản nói chung và SDF nói riêng, nhất là khi nước này đang phải đối mặt với tình trạng dân số giảm và già hóa dân số.