Lạm phát của Mỹ bất ngờ tăng chậm lại
Lạm phát hàng năm của Mỹ trong tháng Tư tăng chậm lại ở mức thấp nhất trong hơn bốn năm. Đó là diễn biến bất ngờ vào thời điểm mà chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump được dự báo sẽ khiến giá cả tăng mạnh.

Khách mua sắm trong một siêu thị ở Los Angeles, bang California. Ảnh: Getty Images
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng Tư tăng 0,2% so với tháng Ba, đưa tốc độ tăng hàng năm lên 2,3%, thấp hơn so với mức tăng 2,4% được ghi nhận vào tháng trước, theo dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 13-5. Đây là mức tăng CPI hàng năm thấp nhất kể từ tháng 2-2021.
“Nhìn bề ngoài, các con số trong báo cáo CPI là tin tốt cho người tiêu dùng. Giá thực phẩm giảm, vé máy bay rẻ đang hơn một chút”, Tyler Schipper, giáo sư kinh tế và phân tích dữ liệu của Đại học St. Thomas nói.
Vị giáo sư này cho rằng, có một số lý do khiến thuế quan chưa đẩy giá cả tăng. Đầu tiên, Nhà Trắng đã có những thay đổi đáng kể trong chính sách thuế quan, với một số mức thuế cao nhất được cắt giảm hoặc tạm dừng. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp đã mua hàng sớm để tích trữ hàng tồn kho trước khi các mức thuế quan mới có hiệu lực. Ngoài ra, một số chi phí từ thuế quan mới ban đầu có thể đã được các nhà bán lẻ và nhà sản xuất hấp thụ.
Đối với dữ liệu lạm phát, tác động nào của thuế quan có thể sẽ xuất hiện đầu tiên ở hạng mục hàng hóa. Tuy nhiên, bất kỳ mức tăng nào ở hạng mục này có thể được bù đắp bởi lạm phát dịch vụ yếu hơn.
Dù vậy, Ben Ayers, chuyên gia kinh tế cấp cao của công ty dịch tài chính Nationwide dự báo, với chi phí thuế quan ngày càng tăng, CPI của Mỹ sẽ tăng vào mùa hè này, đẩy mức tăng hàng năm trở lại trên 3%. Tăng trưởng của Mỹ sẽ chậm lại trong phần còn lại của năm do giá cả tăng cao và các mối lo ngại về kinh tế đè nặng lên hoạt động chi tiêu của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Samuel Tombs, nhà kinh tế trưởng của Pantheon Macroeconomics lưu ý, báo cáo CPI cho thấy bằng chứng rõ ràng đầu tiên về áp lực tăng đối với giá hàng hóa từ thuế quan.
Giá hàng hóa không bao gồm thực phẩm, năng lượng và ô tô tăng 0,2%, vượt mức trung bình 0% của 12 tháng qua. Giá đồ nội thất và thiết bị gia dụng tăng 1%, giá máy tính và điện thoại tăng 0,3%, đảo ngược mức giảm trung bình 0,6% trong 12 tháng trước.
Trong khi đó, sự sụt giảm mạnh về niềm tin của người tiêu dùng đã tác động đến giá dịch vụ tùy ý vào tháng trước, đặc biệt là chi phí vận chuyển hàng không, giảm 2,8% vào tháng Tư sau khi ghi nhận mức giảm lần lượt là 5,3% và 4% vào tháng Ba và tháng Hai.
Thuế quan dự kiến gây ảnh hưởng lớn hơn đến giá cả ở cửa hàng thực tế và trực tuyến vào tháng Năm và tháng Sáu.
Dù ông Trump đã giảm nhiều các mức thuế đối ứng mà ông công bố vào ngày 2-4, các nhà kinh tế cảnh báo, hầu hết tác động của thuế nhập khẩu vẫn chưa được cảm nhận, với các quan chức Fed dự đoán áp lực giá sẽ tiếp tục tăng.
Theo báo cáo mới đây của Yale Budget Lab, tổ chức nghiên cứu chính sách của Đại học Yale, do chi phí thuế quan tăng, mỗi người tiêu dùng Mỹ phải tiêu tốn thêm bình quân 2.800 đô la cho các sản phẩm mua sắm trong năm nay so với năm 2024.
Dữ liệu về chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Mỹ công bố vào ngày mai (15-5) có thể cung cấp cái nhìn thoáng qua về diễn biế giá cả trong tháng tới.
Các nhà kinh tế dự kiến dữ liệu PPI sẽ tiếp tục phản ánh xu hướng giảm giá được thấy trong CPI. Thế nhưng, các nhà kinh tế cho biết điều này có thể không dẫn đến lãi suất thấp hơn trong thời gian tới.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang nỗ lực đưa chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) về mức mục tiêu 2%. Chỉ số này tăng hàng năm 2,3% trong tháng Ba. Dù vậy, Fed chọn cách tiếp cận thận trọng đối với chính sách tiền tệ, đặc biệt là sau những hành động toàn diện của ông Trump về chính sách thương mại, nhập cư, việc làm và chi tiêu của liên bang.
“Các nhà hoạch định chính sách của Fed đang chờ xem tác động của thuế quan đối với lạm phát và thị trường lao động trước khi điều chỉnh lãi suất chính sách. Chúng tôi dự kiến thuế quan sẽ dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm hơn và thị trường lao động yếu hơn trong những tháng tới”, Gus Faucher, nhà kinh tế trưởng của PNC Financial Services viết trong báo cáo gửi khách hàng.
Điều đó có thể buộc Fed phải nới lỏng tiền tệ. Faucher cho rằng, ngay cả khi lạm phát tăng tốc trở lại trong thời gian tới, Fed sẽ quan tâm nhiều hơn đến thị trường lao động. PNC dự báo Fed sẽ thực hiện bốn đợt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong nửa cuối năm 2025.
Theo CNN, Financial Times